221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1090372
Doanh nghiệp nhỏ "oằn mình" trong cơn khó
1
Article
null
Doanh nghiệp nhỏ 'oằn mình' trong cơn khó
,

 - Hạn chế tiếp khách, đi công tác, áp dụng khoán tiền điện thoại cho từng phòng ban… thậm chí cắt bớt cả số ngày đi du lịch nghỉ mát của cán bộ công nhân viên là các biện pháp mà DN nhỏ và vừa thực hiện để đối phó với lạm phát.

Từ mức bán ra tháng cao điểm hồi đầu năm lên đến 500 chiếc xe tải nhẹ (nhãn hiệu Forcia) và vài nghìn chiếc xe máy (nhãn hiệu Landa)/tháng, khách có nhu cầu phải tìm về tận nhà máy để mua hàng thì hiện nay vài ngày không xuất nổi một chiếc xe. Vì thế, doanh số của Tổng Công ty Ô tô Xe máy Hà Nội (Hanamoto) đã giảm rất mạnh, còn trung bình 50 chiếc xe tải/tháng, lượng xe máy bán ra cũng “ảm đạm”, chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

Vẫn biết tháng 7 và 8 hàng năm bao giờ cũng là lúc thấp điểm của thị trường ô tô nói riêng nhưng trước việc người dân thắt chặt chi tiêu và ngân hàng hạn chế cho vay tiêu dùng, ông Phương Công Thắng – GĐ điều hành Hanamoto cũng không thể ngờ tới mức sụt giảm “quá mạnh” lần này.

Chưa dừng ở đó, doanh nghiệp lắp ráp còn phải đối mặt trước sức ép nhiều nhà cung cấp linh kiện như săm lốp, thùng, ắc quy trong nước đồng loạt tăng giá từ 30-40% từ tháng 6 nhưng lại khó có thể tăng giá sản phẩm bởi ngay các đại lý bán hàng đợt này cũng rất quyết liệt trong việc giữ giá, họ sẵn sàng không mua hoặc tẩy chay.

“Lúc bán được hàng thì mình là “cửa trên” của đại lý, nói sao họ cũng nghe còn bây giờ mình là “cửa dưới”, gần như phải cầu cạnh để họ bán cho mình nên không thể tăng giá dễ dàng được” - ông Thắng chia sẻ.

Để “cầm cự”, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất và phạm vi kinh doanh. Cách đây vài tháng, Hanamoto đã cắt giảm hơn trăm lao động và tới đây, ông giám đốc dự kiến vẫn phải cắt giảm tiếp trong số 250 lao động còn lại ở 2 nhà máy.

Trong khi đó, trưởng phòng kinh doanh Công ty Giấy Anh Phú tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, chuyên sản xuất giấy vệ sinh và bìa carton cho biết, giá xăng dầu tăng khoảng 30% vừa qua, doanh nghiệp đã phải “xem xét lại” dự định mở một xưởng sản xuất giấy vở học sinh.

Nhiều doanh nghiệp phải thắt lưng, buộc bụng trong thời điểm hiện nay.
Với doanh nghiệp nhỏ chỉ có hơn 80 nhân công như Giấy Anh Phú, những khó khăn về giá đầu vào như nguyên liệu và xăng dầu thời gian qua đã đưa đến một bài học quan trọng là “phải giữ chất lượng sản phẩm và có nguyên liệu để làm”.

Do đó, doanh nghiệp không còn tư duy làm đến đâu, nhập nguyên liệu đến đó như trước nữa mà chủ động tìm kiếm nhiều nguồn cung cấp, tranh thủ khi giá xuống thấp một chút là dồn tiền mua vài conteiner hàng dự trữ, phòng những khi bất chợt. 

Nhưng nói về tình hình các tháng cuối năm, vị trưởng phòng vẫn không khỏi lo lắng những đột biến của giá than, điện. Nếu giá hai yếu tố đầu vào này thời gian tới không được giữ vững, doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất hết công suất; các thị trường như miền Trung, Điện Biên, Lai Châu, cách nhà máy từ 300, 400 km trở lên sẽ phải bỏ vì giá đội lên quá cao.

Ngay lúc này, tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu tối đa là biện pháp hữu hiệu. Tại Giấy Anh Phú, ngoài việc hạn chế tiếp khách, đi công tác, chuyển sang dùng các loại văn phòng phẩm rẻ tiền…, chính sách cho cán bộ công nhân viên đi nghỉ mát hàng năm, từ 4, 5 ngày rút xuống còn 1, 2 ngày vừa rồi cũng đã tiết kiệm được cho công ty đến vài trăm triệu đồng. 

Còn ở Hanamoto, nếu đi công tác trước kia, nhân viên được dùng ô tô thì nay tất cả đều phải chuyển sang đi xe máy. Ngay cả gọi điện thoại ở cơ quan, nếu trước là thoải mái thì nay phải áp dụng mức khoán cho từng phòng, ban cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Ánh – GĐ Công ty TNHH Sông Tiền – đơn vị sở hữu hai nhà máy chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu với tổng số khoảng 800 công nhân tại Tiền Giang cho biết, trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng mạnh mà giá bán vẫn chưa tăng kịp hiện nay, để tránh lỗ mục tiêu hàng đầu của công ty là thực hiện bằng được các hợp đồng đã ký và xuất hết trong tháng 7 với khách hàng. 

Về biện pháp tiết kiệm, bà Ánh chia sẻ rõ nhất là nếu như trước kia việc đóng hàng thường phải dùng đến rất nhiều chiếc thùng tạm thì nay, khi giá bao bì, thùng carton tăng từ 40-50%, công ty đã phải cố gắng không đóng qua thùng tạm nữa để hạn chế đội chi phí.

  •  Nguyễn Nga 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,