- Bộ Tài chính đang soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Nếu như bia gây chú ý bởi liên quan đến rất nhiều người tiêu dùng, trong đó đa số là người lao động thu nhập thấp, thì ô tô lại là mặt hàng được cho là dành cho số ít người có tiền nhưng lại được nhiều người quan tâm...
Tăng thuế: bia hơi lên giá
Theo dự thảo luật, mức thuế đề xuất trong dự thảo là đối với rượu từ 20% độ cồn trở xuống áp dụng thuế suất 20%, từ 20% độ cồn trở lên là 55%. Bia áp dụng thuế suất chung là 55%. Điểm gây lo lắng nhất cho các DN chính là mức thuế suất được điều chỉnh đối với các loại bia, nhất là bia hơi.
Theo luật hiện hành thuế suất bia hơi đã được giảm từ 50% xuống 30% và theo lộ trình năm 2008 đưa lên 40%. Bia hộp, bia chai thuế suất 75% nhưng không tính thuế vỏ bao bì. Như vậy, theo sự điều chỉnh này thuế bia hơi sẽ tăng 25% so với hiện hành và tăng tới 15% so với lộ trình dự kiến.
Bia hơi, thú vui của đa số người lao động. (Ảnh: VNN)
Việc tăng thuế đối với bia hơi đã gây ra nhiều lo ngại cho nhiều DN sản xuất bia và cả người tiêu dùng. Đại diện Công ty Việt Hà cho rằng, nên áp thep mức thuế của luật hiện hành “vì đây là mặt hàng tiêu thụ rộng rãi đối với người lao động, hơn nữa các cơ sở bia hơi ở địa phương sẽ gặp khó khăn lớn nếu không được giảm thuế”.
Vì vậy, với mức 55%, sẽ khiến hàng ngàn cơ sở sản xuất bia tại các địa phương gặp khó khăn không nhỏ, nhiều người lao động có khả năng mất việc làm. Đáng chú ý là đông đảo người lao động, cán bộ công nhân viên, người có thu nhập thấp không được hưởng loại giải khát ưa thích và phù hợp túi tiền. Hơn nữa, thuế bia hơi càng cao, nguồn lợi do trốn thuế càng lớn, kích thích việc trốn thuế ở các cơ sở bia nhỏ, chất lượng kém.
Bên cạnh đó, theo Công ty Việt Hà, nếu thuế suất bia hơi cao như các loại bia chai, hộp.. sẽ dẫn đến trốn lậu thuế, cạnh tranh không lành mạnh làm các thương hiệu lớn không còn khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiệp hội Hiệp hội Bia Rượu - nước giải khát NGK cũng cho rằng, tăng thuế sẽ khiến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bia hơi gặp khó khăn, có nguy cơ ngừng sản xuất và phá sản.
Nếu phải thống nhất một mức thuế cho các loại bia theo yêu cầu hội nhập WTO thì có thể sử dụng một tên gọi khác cho bia hơi và coi bia hơi là đồ uống giải khát, để không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh được nguy cơ gây nhiều khó khăn cho sản xuất, người tiêu dùng thu nhập trung bình, thấp vẫn có điều kiện dùng sản phẩm, đảm bảo được cả mục tiêu về kinh tế xã hội. Hiệp hội Bia Rượu NGK đề xuất phương án như vậy.
Đánh thuế ô tô: khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu
Theo điều chỉnh của dự thảo luật sẽ bổ sung mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng vào diện chịu thuế.
Các phương án đánh thuế TTĐB đối với xe dưới 10 chỗ ngồi cụ thể như sau: 50% cho xe có dung tích từ 2.000cc trở xuống; 60% với xe dung tích 2.000 - 3.000cc; 70% với xe dung tích trên 3.000cc. Đối với loại xe từ 10 chỗ đến dưới 16 chỗ ngồi (từ 10 đến 15 chỗ) và xe từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB như hiện nay lần lượt là 30% và 15%.
Điều chỉnh thuế ô tô để khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu: (Ảnh: minh họa)
Bên cạnh đó, đối với xe ô tô thiết kế vừa chở người vừa chở hàng (xe pick-up, xe van), đề nghị áp dụng thuế suất 15%. Tuy nhiên loại xe ô tô chạy bằng điện, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học lại được khuyến khích với mức thuế suất bằng 60% mức thuế suất áp dụng đối với từng loại ô tô.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc điểu chỉnh thuế mà cụ thể là đưa thêm một số loại xe ô tô vào chịu thuế TTĐB và thực hiện tính thuế theo cả số chỗ ngồi và dung tích xi lanh trước hết là nhằm sử dụng các loại xe tiết kiệm năng lượng, định hướng tiêu dùng, hạn chế sự gia tăng qua mức của ô tô cá nhân. Sau đó mới tính đến chuyện điều tiết vào ngân sách.
Tiếp cận bản dự thảo này, đại diện khu vực sản xuất ô tô, Công ty Honda Việt Nam đưa ra nhận định đầy lo ngại rằng dự định này nếu thực hiện sẽ đẩy thị trường ô tô vào vòng suy thoái, điều này sẽ là đòn chí tử đối với ngành công nghiệp ô tô.
Đại diện Honda Việt Nam cũng nói rằng những mức thuế suất được đề nghị thay đổi quá lớn và một chiều. Bởi vì, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 10% hoặc hơn nữa sẽ gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh và kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tăng thuế đối với những xe phân khối lớn nên được phối hợp với việc giảm thuế đối với những xe có phân khối thấp hơn, nhằm giữ mức tăng trưởng và cơ cấu tăng trưởng có lợi cho giao thông và môi trường.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế thì lại bày tỏ sự nhất trí việc đánh thuế và cách phân biệt thêm thuế suất đối với dung tích xilanh và năng lượng sử dụng. Tuy vậy, bà Cúc cho rằng, cần phân biệt thuế suất giữa xe 5 chỗ và xe từ 6 đến 15 chỗ ngồi, vì trong thực tế việc hạn chế sử dụng xe 5 chỗ với xe từ 6 đến 15 chỗ là còn có tính hợp lý trong điều kiện cụ thể của VN và không bị ràng buộc bởi các cam kết.
-
Phước HàÝ kiến bạn đọc: