221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1092584
Hạ lãi suất cho vay, không dành cho tất cả
1
Article
null
Hạ lãi suất cho vay, không dành cho tất cả
,

 - Hạ lãi suất cho vay được 4 ngân hàng lớn thực hiện cách đây gần 1 tháng, đến nay đã có thêm những ngân hàng khác tham gia. Tuy nhiên, hy vọng về một làn sóng hạ lãi suất lớn cho tất cả mọi đối tượng vẫn chưa thực sự đến.

Quốc doanh làm mạnh, cổ phần nhúc nhắc

Ngày 30/7, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam đã công bố giảm lãi suất cho vay lần thứ 2 trong tháng. Mức lãi suất mới được áp dụng là 20,4%/năm đối với tất cả các khách hàng. Như vậy, lần này BIDV đã giảm thêm 0,4%/năm, nâng mức giảm cả hai lần giảm 0,6%/năm.

Vẫn ít các ngân hàng cổ phần chịu hạ lãi suất cho vay. Ảnh minh họa

Cùng với BIDV, các ngân hàng lớn nhất Việt Nam như: Vietcombank, Vietinbank, Agribank đã thực hiện một lần cắt giảm lãi suất cho các DN và đối tượng theo các ưu tiên. Việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng quốc doanh hay Nhà nước nắm đại đa số vốn là nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN, ổn định kinh tế vĩ mô. Mức cắt giảm lãi suất phổ biến là từ 0,5 - 2%.

Sau sự vào cuộc đồng loạt của các ngân hàng quốc doanh, đến nay vẫn có rất ít các ngân hàng cổ phần khác tham gia. Ngân hàng cổ phần đầu tiên tham gia giảm lãi suất là Eximbank. Từ ngày 19/07/08 Eximbank chính thức giảm lãi suất cho vay từ 21%/năm xuống còn 20%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, song song đó Eximbank cũng tăng lãi suất huy động tiết kiệm, lãi suất cao nhất lên đến 18,84%/năm. Một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác là Sacombank cũng cho biết, vào đầu tháng 8, ngân hàng này sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng lâu năm từ khoảng 21%/năm xuống còn khoảng 20%/năm.

Trong khi đó, một số ngân hàng cổ phần khác cũng cho biết, họ đã nghĩ tới việc hạ lãi suất cho vay nhưng còn phải cân đối nhiều vấn đề như sụt giảm lợi nhuận, giảm chi phí đầu vào...

Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, lãi suất ngân hàng cần đi theo xu hướng ổn định và hạ dần trên cơ sở lạm phát được kiểm soát và giảm tốc. Tuy nhiên, sau quyết định tăng giá xăng dầu mới đây, ẩn số CPI trong tháng 8 là lo ngại lớn.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản là 14%. Điều này lại trùng hợp với khuyến cáo của một số tổ chức quốc tế: chưa thể hạ lãi suất khi lạm phát vẫn có nguy cơ tăng cao. Và trong hoàn cảnh đó, việc hạ lãi suất cho vay sẽ không phải quyết định dễ dàng cho mọi ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng nhỏ.

Ai hưởng lãi suất thấp

Trong các quyết định giảm lãi suất của các ngân hàng như: BIDV, Vietcombank, VietinBank hay Agrribank đều khoanh vùng các khách hàng theo thứ tự ưu tiên chủ yếu vẫn là các DN lớn và các DN xuất nhập khẩu và bạn hàng lâu năm, sử dụng dịch vụ trọn gói của ngân hàng.

Cụ thể, Vietcombank áp dụng với những khách hàng truyền thống, khách hàng sử dụng giải pháp dịch vụ tổng thể của ngân hàng này và kinh doanh trong các lĩnh vực: Các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ; phát triển nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu (đặc biệt là xuất khẩu nông lâm thủy sản); sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thay thế hàng nhập khẩu; nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu sản xuất, thuốc chữa bệnh. 

Hạ được chi phí đầu vào mới mong lãi suất chovay giảm mạnh. (Ảnh: minh họa)

Trong quyết định giảm lãi suất mới nhất, mức giảm mạnh và lãi suất thấp của BIDV chỉ dành cho khách hàng thuộc đối tượng tài trợ xuất nhập khẩu theo danh mục của Chính phủ, khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tạo ra các sản phẩm trực tiếp tham gia xác lập cân đối lớn của nền kinh tế như: xăng dầu, năng lượng, sắt, than, xi măng, thuốc chữa bệnh, phân bón… nhất là các doanh nghiệp được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tạo lập và bình ổn các cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với các DN khác thì mức giảm khá ít và muốn được tiếp cận vốn giá rẻ cũng phải đi kèm các điều kiện về sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Một vấn đề rất khó cho các ngân hàng khi cắt giảm lãi suất cho vay là giảm lợi nhuận. Mỗi lần cắt giảm lãi suất, BIDV tính toán bị mất lợi nhuận khoảng 300 - 500 tỷ đồng. Con số trên dưới 300 sụt giảm lợi nhuận cũng được các ngân hàng Vietcombank, VietinBank công bố khi đưa ra các quyết định cắt giảm của mình. Đây thực sự là một khoản tiền lớn mà chỉ các đại gia trên thị trường và có sự hậu thuẫn mạnh từ nhiều phía mới dám làm. Còn đối với các ngân hàng nhỏ, lợi nhuận cả năm khiêm tốn thì đây quả là một quyết định khó khăn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cổ phần, nhất là những ngân hàng nhỏ do thiếu lợi thế cạnh tranh nên thương phải đẩy lãi suất huy động cao để hút vốn, khiến cho chi phí đầu vào tăng cao nên việc giảm lãi suất càng khó khăn. các ngân hàng quốc doanh lớn hiện huy động vốn ở mức 17,5 - 18%, các ngân hàng thương mại lên đến xấp xỉ 19%, so với mức lãi suất cho vay sau khi cắt giảm hiện nay khoảng 20% thì các ngân hàng chỉ còn hơn 1% cho chi phí. Đây là chênh lệch rất nhỏ khiến các ngân hàng khó bù đắp nổi chi phí kinh doanh.

Vì thế, thật dễ hiểu các quyết định hạ lãi suất nếu có của các ngân hàng lớn cũng hướng đến các đối tượng cụ thể, còn các đối tượng khác vẫn hiếm có cơ hội trong việc tiếp cận vốn giá rẻ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang phải khống chế tăng trưởng tín dụng mà bây giờ đã là thời điểm tháng 8, các ngân hàng luôn phải hết sức chú ý hạ mức tối đa mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra bằng cách thận trọng trong mở rộng cho vay và tích cực thu hồi vốn về. Vì thế, cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp thực tế không dành cho tất cả. Vốn giá rẻ chỉ đến với mọi DN khi lãi suất huy động hạ, chi phí vốn đầu vào giảm... Điều này còn phải chờ thêm thời gian nữa khi các tín hiệu kinh tế lạc quan hơn trong những tháng cuối năm.

  • Phước Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,