- Mục tiêu giảm nhập siêu nhanh và hạn chế dưới 1 tỷ USD/tháng cho những tháng cuối năm đang được thực hiện có hiệu quả. Trong tháng 7, nhập siêu đã giảm mạnh xuống còn 0,8 tỷ USD, đưa tổng mức nhập siêu cả năm dừng ở mức 15,24 tỷ USD.
Đây là mức nhập siêu thấp nhất từ đầu năm và chỉ bằng khoảng 1/3 so với những tháng có mức nhập siêu cao nhất. Với tốc độ này, Bộ Công thương rất kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhập khẩu và hạn chế nhập siêu trong những tháng cuối năm, đảm bảo mục tiêu nhập siêu ở mức 20 tỷ USD như Chính phủ đã đề ra.
Kết quả nhập siêu giảm, trước hết là do tác động trực tiếp của những chính sách hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng ôtô, linh kiện ôtô, vàng... Kiểm soát nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu. Bên cạnh đó, do giá cả tăng cao nên xu hướng tiết giảm tiêu dùng và đầu tư cũng tác động đến việc giảm nhập khẩu của các DN.
Giá nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao khiến kim ngạch xuất khẩu tăng, góp phần giảm nhập siêu. (Ảnh minh họa)
Trong tháng 7, cả nước nhập khẩu khoảng 7,05 tỷ USD tăng rất nhẹ khoảng 1,8% so với tháng trước đưa kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm lên mức 51,9 tỷ USD.
Trong khi đó, xuất khẩu cũng tăng không đáng kể đạt 6,25 tỷ USD tăng 0,8% so với tháng trước. Trong các mặt hàng xuất khẩu tăng có dầu thô đạt 7,8 triệu tấn, giảm 12% về lượng nhưng tăng 52% về kim ngạch, gạo giảm 6,8% về lượng và tăng gấp đôi về kim ngạch, các sản phẩm như linh kiện máy tính, đồ gỗ, dệt may... đều tăng trên 20%.
Yếu tố tăng giá trên toàn thế giới cũng mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu Việt Nam trong năm nay. Trong một số mặt hàng chủ lực như dầu thô, than đá, gạo, cà phê và cao su đã làm tăng kim ngạch lên thêm 4,5 tỷ USD tương đương 16,7% tăng trưởng xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả nước đạt khoảng 20% so với mức 36,8% chung mà chúng ta đã đạt được.
-
Phước Hà