- Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 (CPI) cho biết, CPI tiếp tục đà giảm tốc. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,13% so với tháng 6. Đây là mức thấp nhất trong nhiều tháng gần đây.
Như vậy, tính từ đầu năm, chỉ số giá đã tăng đến 19,78% và so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng đến 27,04%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 đã tăng 21,28%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm trong tháng 7 là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, chỉ số này chưa tính đến đợt tăng giá xăng dầu tới 30% ngày 21/7 vừa qua. Vì thế, rất nhiều người cho rằng, đà giảm tốc của chỉ số giá tiêu dùng theo hướng "tháng sau thấp hơn tháng trước" từ nay đến cuối năm khó tiếp diễn.
Thống kê sơ bộ tháng 7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng giảm tốc, tuy nhiên, thống kê này chưa tính đến việc tăng giá xăng dầu 21/7 vừa qua. Ảnh: Đặng Vỹ.
Trong các nhóm hàng hóa dịch vụ, nhóm dược phẩm và y tế đã vượt lên dẫn đầu về tốc độ tăng giá, thay thế vị trí của lương thực - thực phẩm. Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống sau nhiều tháng liên tục đứng ở mức cao nay giảm xuống còn 0,99%. Trong đó lương thực giảm mạnh đến 0,37%, thực phẩm tiếp tục tăng 1,33%,ăn uống ngoài gia đình giảm 2,08%.
Các nhóm hành hóa - dịch vụ có mức tăng cao trên 1% là: nhà ở và vật liệu xây dựng 1,67%, thiết bị và đồ dùng gia định 1,55%, may mặc và mũ nón 1,40%, giáo dục 1.02%.
Những nhóm hàng tăng dưới 1% có: đồ uống và thuốc là 0,98%, văn hóa - thể thao và giải trí 0,85%; phương tiện đi lại và bưu điện 0,55% trong đó bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Trong tháng 7, ghi nhận sự tăng mạnh của giá vàng tới 3,20% so với tháng trước, giá USD tăng 1,83%.
Đón nhận thông tin chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục đà giảm tốc độ nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh bảo chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tới và nhất là những tháng cuối năm sẽ có nguy cơ tăng trở lại. Các yếu tố tăng giá xăng, chu kỳ tăng giá cuối năm sẽ khiến cho việc ổn định thị trường, kiềm chế tăng giá tiếp tục gặp nhiều thách thức.
-
Phước Hà