- Theo một số chuyên gia, việc giá xăng dầu tăng sẽ không tác động nhiều tới chứng khoán như nhiều người nghĩ. Tốp 20 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất trên thị trường sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí xăng dầu cao.
Ảnh: Phạm Hải
VN-Index tuột dốc
Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/7, gần 100% mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM giảm giá hết biên độ cho phép hiện nay là 3%.
Một lượng lớn cổ phiếu đã được đổ ra bán tháo nhưng hầu hết không được khớp lệnh do không có người mua.
Khối lượng giao dịch thành công trong phiên giao dịch sáng 22/7 đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, bằng chưa tới 10% so với mức trung bình của tuần trước.
Phiên giao dịch kết thúc với việc chỉ số VN-Index tụt giảm 12,94 điểm (tương đương giảm 2,74%) xuống 457,88 điểm với dư mua trống trơn ở tất cả các mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trong khi dư bán kín đặc ở cả 2 hình thức giao dịch khớp lệnh và giao dịch thoả thuận.
Trước đó, chỉ số VN-Index đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 2 phiên. Tuy nhiên, mức giảm mạnh bắt đầu xuất hiện từ cuối phiên giao dịch ngày 21/7 khi mà thông tin giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh từ 10h sáng cùng ngày lan rộng.
Nhiều nhà đầu có mặt trên các sàn chứng khoán SeABank, An Bình, Kim Long tại Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin điều chỉnh giá xăng, dầu họ đã yêu cầu đặt bán gần như toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ để thanh lý toàn bộ danh mục đầu tư với lo sợ chi phí đầu vào sẽ tăng cao theo giá dầu và kéo tụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp
Tuy nhiên, một số chuyên gia về chứng khoán thì cho rằng, giá xăng dầu tăng đợt này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới giá chứng khoán.
Không ảnh hưởng nhiều tới chứng khoán
Giá dầu tăng sẽ không ảnh nhiều tới chứng khoán? (Ảnh: LAD)
Trong một buổi toạ đàm chiều 22/7, đại diện của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đã đưa ra nhận định về tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 21/7 tới thị trường chứng khoán tập trung trong thời gian tới.
Theo TS. Phạm Thành Thái Lĩnh, chuyên viên Phòng phân tích BVSC: “Hiện tại thị trường chứng khoán giảm chủ yếu là do vấn đề tâm lý lo lắng giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế 20 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất trên sàn TP.HCM sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu lên”.
“Có những cổ phiếu thậm chí còn có lợi thế sau đợt tăng giá xăng dầu này. Ví dụ như DPM của Đạm Phú Mỹ do giá đầu vào gần như không thay đổi”, ông Lĩnh nói.
“Trong khi đó, biến động giá của 20 cổ phiếu nói trên gần như quyết định xu hướng của chỉ số VN-Index. Hiện tại, thị trường đang có xu hướng đi xuống nhưng phân tích kỹ thuật dựa trên sức cung-cầu cổ phiếu cho thấy có 2 ngưỡng hỗ trợ khá vững chắc cho chỉ số VN-Index là 440 điểm và dưới nữa là 410 điểm. Tại 2 mức điểm này, lực cầu rất mạnh và áp đảo hoàn toàn sức cung”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, có một thông tin có thể khiến tâm lý của các nhà đầu tư bị dao động đó là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều khả năng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này (sắp được công bố) sẽ không tốt.
Về mối quan hệ giữa vàng, ngoại tệ và thị trường chứng khoán, anh Tuấn, chuyên viên Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô của BVSC nhận định, việc một dòng tiền nhất định chảy sang vàng và ngoại tệ là có thể nhận thấy khá rõ. Tuy nhiên, vàng đang đứng ở mức cao trong khi tình hình ngoại hối của Việt Nam đang rất ổn định. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy, các ngân hàng thiếu USD và điều này đồng nghĩa với việc giá USD trên thị trường tự do chỉ có thể tăng do tâm lý.
Trên thực tế, giá USD trên thị trường tự do chiều 22/7 đã giảm xuống 16.680 - 16.700, thấp hơn khá nhiều so với 17.500 đồng chiều tối 21/7.
Trong một bản phân tích thị trường hàng ngày của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), công ty này cũng nhận định ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu ngày 21/7 tới thị trường chứng khoán không lớn. Tác động chủ yếu là tâm lý.
Trao đổi với VietNamNet về tác động của đợt tăng giá xăng dầu vừa qua tới chứng khoán, Ths Phạm Nguyễn Hoàng - Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu mới đây chắc chắn làm căng thẳng thêm sức ép lạm phát do tăng chi phí đầu vào trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, dù với mức tăng mới này thì giá xăng dầu tại Việt Nam vẫn rẻ hơn so với một số nước trong khu vực. Mặt khác, dưới góc độ kinh tế vĩ mô thì việc tăng giá này giúp giảm bớt thâm hụt ngân sách vì Nhà nước không phải bù lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng hàng năm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, gián tiếp hỗ trợ cho cán cân thanh toán quốc gia và về lâu dài giúp giảm sức ép lên lạm phát, ông Hoàng nói. Và thị trường chứng khoán có vẻ như đã phản ứng tức thì trước thông tin tăng giá xăng dầu ngày 21/7. Mặc dù tâm lý đầu tư không ổn định vẫn là một vấn đề lớn, song rõ ràng đã thể hiện sự liên hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa thị trường hàng hoá và thị trường tài chính.
-
Hà LinhÝ kiến của bạn đọc: