221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1089174
Xăng dầu tăng giá, khó khăn thêm cho chống lạm phát
1
Article
null
Xăng dầu tăng giá, khó khăn thêm cho chống lạm phát
,

 - Việc tăng giá xăng dầu trên thực tế đã được doanh nghiệp và người dân lường trước. Tuy nhiên, mức tăng giá như vừa qua khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Câu hỏi đặt ra là các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ đi về đâu trong những tháng cuối năm?

Cần có lộ trình điều chỉnh giá

Một chuyên gia về tài chính tiền tệ nói thẳng: bản chất của quyết định tăng giá lần này là nếu giữ giá xăng dầu thì ngân sách sẽ không chịu nổi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp cận dần với mặt bằng giá thế giới thì việc tăng giá là việc phải làm. Thậm chí việc tăng giá có thể làm sớm hơn.

Tuy nhiên, tăng giá cần phải làm từng bước để tránh gây sốc cho thị trường. Ví dụ, tăng 10% mỗi lần thì thị trường sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ thích ứng hơn.

Cần một lộ trình tăng giá phù hợp. (Ảnh: VNN)

Việt Nam hiện đang có 3 vấn đề lớn là lạm phát, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giữ mức giá xăng dầu như cũ thì ngân sách phải bù lỗ đến 72 ngàn tỷ đồng, chiếm 5% - 6% GDP, cho nên tăng giá là việc chẳng đặng đừng.

Tăng giá có tác động tích cực là giảm thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, tăng giá còn có những tác động khác như: tạo sức ép để tiêu dùng tiết kiệm hơn, đảm bảo các yếu tố đầy đủ cho giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường và chống buôn lậu.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường Giá cả cho rằng, ngân sách không thể bù lỗ mãi được và làm như thế về lâu dài sẽ mất cân đối vĩ mô, gây méo mó thị trường. 

Quan điểm chung là chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước và các đối tượng tiêu dùng, nhưng mức độ chia sẻ và lộ trình thực hiện là một vấn đề quan trọng. Có thể là tăng giá 10% - 15% và tăng nhiều lần theo biến động giá thế giới. Cố gắng giữ giá quá lâu thì mức lỗ càng lớn, kết quả là khi tăng giá phải tăng mạnh.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng giá xăng là cần thiết để người dân và doanh nghiệp cùng chia sẻ sức ép của thị trường thế giới. Việt Nam không thể như một ốc đảo êm đềm, tránh mọi ảnh hưởng của thế giới bên ngoài và tiêu xài như khi giá xăng còn rẻ. 

Tuy nhiên, theo ông Doanh, cũng nên có lộ trình về điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu, tránh làm giật cục, làm sao để người dân và doanh nghiệp có thể dự báo và có điều chỉnh nhất định.

Khó khăn thêm cho chống lạm phát

Thông tin sơ bộ từ các cơ quan chức năng cho biết, đến thời điểm này, chỉ số CPI tháng 7 đã tăng thấp hơn mức 2,14% của tháng 6. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, con số thống kê được thực hiện trước thời điểm tăng giá xăng, nên chỉ số giá tháng này hoàn toàn chưa thể hiện tác động của tăng giá xăng dầu.

Chuyên gia về tài chính - tiền tệ nói trên cho biết, theo tính toán của ông thì mức tăng giá xăng dầu lần này, tính cả tác động tác động trực tiếp và gián tiếp, có thể làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 3%.

Không ít người đặt câu hỏi các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ đi về đâu trong những tháng còn lại. Và giả sử nếu giá dầu thô lên đến 200 USD/thùng thì sao?

Dù trực tiếp hay gián tiếp, mọi hàng hóa và dịch vụ đều bị tác động của giá xăng dầu (ảnh: Trần Duy)

Tất nhiên, tất cả đấy chỉ là những lo ngại nhưng có một sự thật là 6 tháng cuối năm, mục tiêu giảm lạm phát của Chính phủ sẽ rất khó khăn. Chính phủ sẽ phải rất quyết liệt trong việc ổn định giá cả, chống đầu cơ tăng giá. Và đặc biệt cần có những biện pháp để ổn định tâm lý người dân. Tuy nhiên, những giải pháp như thế đưa ra quá ít trong cuộc họp công bố tăng giá xăng dầu hôm qua.

Ông Ngô Trí Long cho rằng, mức dự đoán tác động vào CPI khoảng 0,5 - 0,7% chỉ dựa trên lý thuyết tính toán quyền số của xăng dầu trong rổ hàng hóa chung. Trên thực tế phải tính đến sự tăng giá nhiều loại hàng hóa, qua nhiều vòng.

Chịu tác động trực tiếp là các ngành sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính, như vận tải, điện, đánh bắt xa bờ... Sau đó là sự tác động gián tiếp vào tất cả các loại hàng hóa. Ví dụ, ngành kinh doanh nào cũng phải sử dụng vận tải, khi ngành vận tải tăng giá thì tất cả đều chịu sức ép tăng giá theo.

Một vấn đề cũng rất quan trọng tác động tâm lý của người dân trong lạm phát. Để ổn định tâm lý đối với chính sách vĩ mô, chính sách phải mang lại những kết quả nhìn thấy được.

Để ổn định giá cả, nhiều biện pháp của Chính phủ mang tính hành chính, chủ yếu có tác dụng với những nhóm độc quyền Nhà nước giữ giá, còn những mặt hàng trên thị trường thì rất khó. Theo ông Long, tuy chưa thể dự đoán được con số cụ thể nhưng kỳ vọng kiểm soát mức tăng giá tiêu dùng tháng sau thấp hơn tháng trước như Chính phủ đã nói là rất khó. Mọi dự đoán trước đây đều trên cơ sở giá dầu ổn định, nhưng với cú tăng giá lần này thì rất khó cho mọi dự đoán.

Ông Lê Đăng Doanh dự đoán, tăng giá xăng sẽ làm CPI tăng thêm 1,5%. Các ngành vận tải hàng hóa, dệt may, đánh bắt thủy sản sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và cần có nỗ lực rất lớn.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng người dân và doanh nghiệp sẽ không đủ để bù đắp mức tăng 30% của giá xăng. Chính phủ cần xem xét một cách tỉnh táo các tác động và có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, không nên để họ phải tự bươn chải trước những sức ép. Các nước khác cũng đều làm như vậy.

Theo ông Doanh, các chính sách trợ cấp cần làm sao để tiền trợ cấp đến tay người dân. Chẳng hạn tiền trợ cấp giá xăng dầu cho ngư dân cần có chính sách để họ đến đăng ký, đi như thế nào thì được hỗ trợ như thế. Không nên làm theo cơ chế xin cho.

  • Phước Hà
    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;