- Mặc dù đã tiên liệu trước sẽ đến lúc xăng tăng giá, nhưng từ DN đến người dân đã không khỏi lo lắng khi giá xăng tăng.
Cảnh chen chúc mua xăng tại một cây xăng ở TP.HCM. Ảnh: Kim Toàn |
Tại trạm xăng dầu số 17 của Công ty CP Vật tư xăng dầu (ngã tư Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh), anh Trần Văn Thanh, một người đang chờ đổ xăng tại đây cho biết: "Cứ đà này, chắc phải chuyển qua đi xe đạp hoặc xe đạp điện thôi".
Bên hông cây xăng, bà cụ bán thuốc lá ven đường lo lắng cho biết, hoàn cảnh của bà, tuổi già đơn chiếc, trước giờ bà toàn bao xe ôm mỗi khi cần ra chợ hoặc lấy hàng. Nay xăng tăng mạnh thế này, giá cước lại tăng.
Với đa số người dân TP.HCM, việc xăng tăng giá dường như đã được dự báo trước nên tâm lý đã được chuẩn bị sẵn. Song, với việc tăng giá lúc 10 giờ sáng nay, nhiều người vẫn lo ngại cuộc sống sẽ thêm khó khăn vì phải gánh thêm khoản chi tiêu không ít cho việc đi lại. Điều đó đồng nghĩa với việc túi tiền của họ sẽ thu hẹp hơn.
"Không thể vì xăng tăng giá mà không đi lại, cho nên phải bấm bụng chịu đựng thôi, biết làm sao bây giờ?", ông Phan Phú Hải, một người dân trần tình.
Thời gian qua, nhiều người dân đã phải thắt chặt chi tiêu để chống chọi cùng "cơn bão" giá. Nay xăng tiếp tục tăng mạnh khiến người dân, nhất là lao động thu nhập thấp, người nghèo sẽ thêm khó khăn, bởi chắc chắn nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác cũng sẽ tăng theo như một hệ quả tất yếu do phí đầu vào tăng lên.
Dán bảng giá mới. Ảnh: Kim Toàn |
Các hãng vận tải lo lắng
Các hãng taxi tại TP.HCM bày tỏ lo lắng hơn cả bởi ngay trong ngày làm việc đầu tuần, xăng đã tăng giá và như vậy sẽ tác động đến thu nhập của tài xế taxi. Ông Võ Ba, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngôi Sao Tương Lai, đơn vị chủ của hãng taxi Future và ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Tổng giám đốc hãng taxi Vinasun cho biết, với giá xăng tăng như hiện tại, tài xế taxi sẽ giảm thu nhập. Tính bình quân một xe taxi chạy 20 lít xăng/ngày, tài xế phải mất thêm 90-100 ngàn tiền xăng. Nếu bù lại đúng số này, hãng Future của ông Võ Ba có 300 chiếc xe, sẽ phải chi ra 30 triệu đồng/ngày.
Ông Toàn không giấu được cảm xúc: “Trước đây, các hãng vận tải, taxi cũng đã có dự báo khả năng xăng sẽ tăng, nhưng chỉ nghĩ cao lắm là lên 16-17 ngàn đồng và cũng phải tháng 10-11, dịp cận Tết. Ai dè tăng ngay trong dịp này”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Các hãng taxi trên địa bàn TP.HCM cho biết, sẽ đề nghị Hiệp hội Taxi nhanh chóng tổ chức cuộc họp để thành viên đưa ra giải pháp đề nghị cho tăng giá cước vận tải. Ông Toàn ưu tư. “Tăng ít thì lỗ, mà tăng giá cao thì khách không đi”.
Tại Bến xe miền Đông, các hãng xe tư nhân cũng cùng tâm trạng. “Nhưng vẫn phải chạy cầm cự chứ không lẽ bỏ xe, trùm mền?” bà chủ hãng xe Trường Thành nói.
Điều các hãng xe lo lắng nhất là thông thường Bộ Giao thông vận tải xét duyệt cho tăng giá vé khá lâu sau thời gian tăng giá. Chủ một hãng xe cho biết, xe ca loại 46 chỗ chạy cứ 100km tiêu tốn 35 lít dầu diezen, tuyến TP.HCM - Pleiku gần 600km, mỗi xe phải thêm chi phí trên 400 ngàn đồng. Đội xe Trường Thành có 5 chiếc, nếu không tăng giá vận tải sớm, mỗi tháng sẽ mất thu nhập 60 triệu đồng.
Hàng không sẽ phải tăng chi phí lớn |
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, nhân viên phòng Marketing hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, thông thường giá xăng ngoài thị trường tăng thì xăng dành cho hãng hàng không cũng tăng. Do xăng dành cho máy bay là loại nhiên liệu đặc biệt hơn nên giá cao hơn và giá tăng cũng sẽ cao hơn. “Ngành hàng không là lĩnh vực dùng rất nhiều sản phẩm từ dầu mỏ, như xăng, dầu nhờn, mỡ… nên dự báo đợt này sẽ gánh thêm một khoản chi phí nữa”, ông Sỹ nhận định. |
-
Kim Toàn - Đặng VỹÝ kiến bạn đọc: