- Mặc dù thừa nhận có lỗi, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn cho rằng tình trạng thiếu điện và sự cố cắt điện liên miên vừa qua là bởi lý do khách quan.
Sáng 18/7, Bộ Công thương tổ chức buổi giao ban trực tuyến giữa hai đầu Hà Nội và TP.HCM bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng còn lại của năm 2008. Các DN, các Sở Công thương và Bộ ngành đều công nhận rằng, nếu không tháo gỡ được những khó khăn hiện nay, sẽ rất khó lòng hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 62 tỷ USD.
Lắp ráp tuốc-bin trong nhà máy điện. Ảnh: www.giaothuongnet.vn |
Thiệt hại không kể xiết!
Khó khăn lớn nhất , tất cả các DN sản xuất đều kêu là thiếu điện và cắt điện không báo trước. Đây là "thủ phạm" chính làm vỡ kế hoạch sản xuất, đe dọa chỉ tiêu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Tổng Giám đốc Công ty Giày Thái Bình và là Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, nói rằng việc cắt điện một cách tắc trách của ngành điện khiến không những bị vỡ kế hoạch sản xuất, mà còn tổn hại rất lớn đến kinh tế. “Những công ty cả trăm, cả ngàn người đang làm việc mà cắt điện thì để ở lại cũng dở mà cho về cũng không xong và công ty vẫn phải trả tiền công”, ông Thuấn nói. “Đề nghị ngành điện chấm dứt kiểu cắt điện bất tử ấy đi, cắt cũng được nhưng phải thông báo cho DN”.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ, rồi Tổng Công ty thép, Hiệp hội Thủy sản… đều ca cẩm việc cắt điện tràn lan, bất kể giờ giấc, cắt không báo trước đã làm tổn hại cho DN tính không xiết. Kể cả Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương là Bùi Xuân Khu cũng sốt ruột về sự kêu ca cắt điện của các DN.
Đại diện Tổng công ty Thép cho biết, luyện thép phải duy trì thời gian liên tục 24/24, nếu giữa chừng mà bị cúp điện, thì không những hư mẻ thép, mà còn có khả năng xảy ra những sự cố kỹ thuật không lường.
Tuy nhiên giải thích cho việc cắt điện liên miên vừa qua, ông Huỳnh Văn Thanh, đại diện EVN vẫn đổ lỗi cho khách quan, ngoài ý muốn của ngành điện lực. Theo ông Thanh, từ 15/6 đến 16/7 một loạt nhà máy tách ra khỏi hệ thống như Cà Mau, Cà Mau 2, Nhơn Trạch…, rồi hàng loạt nhà máy bị trục trặc kỹ thuật và vận hành, khiến bị mất 2.600 - 2.700 MW, gấp rưỡi thủy điện Hòa Bình. Rồi nữa, hàng loạt nhà máy đưa vào vận hành chậm tiến độ, mùa mưa chưa đến, các hồ thiếu nước… khiến thiếu điện trầm trọng.
Quá sốt ruột, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cắt ngang hỏi: “EVN có mấy nhà máy vào chậm?” thì ông Thanh lại lòng vòng về chuyện nhà máy Pleikrông bị hỏng tuốc-bin, nhưng đối tác nước ngoài cứ “lờ lớ lơ không khắc phục”.
Xin lỗi không giải quyết được gì!
“Dù là lý do khách quan, nhưng trong đó cũng có lỗi của ngành điện lực”, ông Thanh cũng thừa nhận một phần. Ông cho biết, EVN vừa rồi đã gọi 12 ông Giám đốc các Công ty điện lực lên, "răn đe" nếu để xảy ra cắt điện không báo trước, sẽ bị xử lý.
Hơn 10 giờ, khi cuộc họp giao ban đã quá nửa, ông Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chạy tới. Ông Cường xin lỗi đến trễ vì đang phải giải trình với Cục trưởng Cục điều tiết EVN. Cũng như ông Thanh, ông Cường lại lặp lại "bài ca" kể khổ vì những lý do lịch sửa chữa, mùa khô thiếu nước, thiếu điện. Hiện theo tính toán, lượng điện thiếu đến 30%.
Tuy nhiên những giải thích của ngành điện vẫn khiến các DN không hài lòng. “Chủ tịch tập đoàn xin lỗi cũng không giải quyết được gì, mà bản chất ở đây là cơ chế độc quyền đã gây ra sự tùy tiện này”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến Thủy sản (VASEP), nói. “Bao nhiêu thiệt hại không ai giải quyết được. Không có điện thì nói được gì đến tăng trưởng”.
Còn Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, giải thích gì thì giải thích, đây vẫn là thiếu sót của ngành điện. “Phó thủ tướng Hoàng Trung hải đã nói sinh ra ngành điện để cung cấp điện, thì phải lo. Chứ đến lúc đó tất cả mới đứng lên xin lỗi thì cũng muộn” - ông nói.
-
Đặng VỹÝ kiến bạn đọc: