- Từ 20/6 đến nay, giá VND/USD trên thị trường tự do theo đà giảm rất nhanh. Đến cuối tuần trước (4/7), giá bán ra chỉ ở mức 17.100 đồng/USD, nhưng đến 6h30 chiều 6/7, giá lại tăng lên 17.350 đồng. Diễn biến giá USD vẫn là một câu hỏi.
Lấy mốc ngày 19/6 (giá thị trường tự do ở mức cao nhất 19.400 đồng/USD) so với ngày 4/7, tỷ giá liên NH do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tăng 0,39%, tỷ giá của NHTM tăng 1,38% nhưng giá trên thị trường tự do giảm 11,9% và tỉ giá VND/USD kỳ hạn 12 tháng được niêm yết bởi Bloomberg so với mức cao nhất trong tháng 6/2008 đã giảm hơn 4.000 đồng/USD. Diễn biến này có vẻ như đã minh chứng của nhận định biến động của thị trường ngoại hối thời gian qua là do ảnh hưởng đến tâm lý, bị bóp méo bởi các nhà đầu cơ. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề không chỉ đơn giản như vậy…
Xác định giá trị tỷ giá: Tâm lý đóng vai trò quan trọng
Ngân hàng Nhà nước dùng biện pháp mạnh để quản lý ngoại hối. Ảnh minh họa |
Cộng thêm vào đó là tình hình giá cả trong xu hướng tăng, lãi suất của NH tăng mạnh, cán cân thương mại thâm hụt lớn, khả năng Chính phủ bỏ trợ giá xăng dầu, các tin đồn về mức dự trữ ngoại hối của quốc gia, hiện tượng gom USD của một số tổ chức… khiến cho niềm tin vào đồng nội tệ bị giảm sút.
Cũng thời điểm này, thị trường BĐS và TTCK sụt giảm, người dân và DN đổ xô mua USD để bảo toàn đồng tiền của mình, có người đầu cơ chờ giá lên. Bản thân các DN có USD cũng có tâm lý găm giữ USD hoặc bán hàng yêu cầu thanh toán bằng USD.
Cũng vì yếu tố tâm lý mà khi Chính phủ và NHNN công bố một loạt các thông tin tích cực về mức dự trữ ngoại hối, dự kiến cân đối cán cân thanh toán quốc tế, tốc độ tăng giá, thực hiện các giải pháp mạnh và đồng bộ để kiềm chế lạm phát v.v… đã khiến cho niềm tin vào đồng nội tệ được khôi phục trở lại và tâm lý bán nội tệ, mua ngoại tệ đã giảm hẳn.
NHNN thực hiện biện pháp mạnh
Theo một số đánh giá thì giá trị ngoại tệ giao dịch trên thị trường tự do chỉ chiếm chưa đầy 10% giá trị giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại hối quốc gia. Vì vậy, NHNN đã quyết định dùng quyền lực của mình để tái lập sự kiểm soát đối với thị trường ngoại hối. Trước hết bằng động thái nới biên độ lên 2% và cho phép các TCTD niêm yết, mua/bán USD với giá NHNN công bố và cộng thêm biên độ +/-2% để cho tỷ giá của thị trường chính thức sát hơn với diễn biến cung - cầu ngoại tệ.
Đồng thời, NHNN đã can thiệp bán ngoại tệ (thực sự) cho NHTM để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thuốc chữa bệnh, vật tư, nguyên liệu, phân bón). Đặc biệt NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối không được thu thêm phí giao dịch đối với các giao dịch hối đoái giao ngay, hoán đổi, kỳ hạn; không được thực hiện giao dịch mua bán giữa VND với USD thông qua ngoại tệ khác.
Vừa qua, bằng việc yêu cầu NHTMCP Quốc tế kỷ luật chức danh Giám đốc quan hệ khách hàng - Chi nhánh Sài Gòn do sai phạm về cho vay tín dụng, NHNN cũng bắn tín hiệu sẽ có những biện pháp xử lý nặng đối với bất kỳ cá nhân nào của hệ thống NH vi phạm những quy định của ngành (nhất là những vi phạm về lãi suất, ký quỹ, tỷ giá, phí...) đã khiến cho các NH hầu như không còn dám có những giao dịch USD “2 tỷ giá” nữa.
Bây giờ khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ, NH có thì bán theo giá niêm yết, không có thì thôi, ít còn hiện tượng môi giới hoặc bán cho khách hàng theo sát giá thị trường tự do nữa. Thiếu những “đơn đặt hàng” của các NH cầu của các đại lý thu đổi tư nhân đã giảm hẳn.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do vẫn là một ẩn số. |
Dầu và vàng tăng, giá USD giảm
Nói đến tỷ giá với USD không thể không nói đến tác động của tình trạng đồng USD trên thế giới và giá dầu, vàng. Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất liên tục trong thời gian qua (hiện đứng ở mức 2%), đồng USD của nước Mỹ đã mất giá (hay yếu đi) so với hầu hết các đồng ngoại tệ mạnh khác.
Giá dầu, giá vàng tăng, bên cạnh đó, NH Trung ương châu Âu lại vừa tăng lãi suất. Thông thường thì giá vàng và dầu hay tỉ lệ nghịch với đồng USD tức là cứ giá vàng và giá dầu tăng thì đồng USD giảm và ngược lại.
Trước những thông tin về giá dầu thế giới có thể tiếp tục tăng mạnh (nếu có xung đột ở Trung Đông) đã khiến nhiều NĐT cá nhân của VN chuyển sang đầu tư vào vàng thay vì nắm giữ USD. Cộng thêm vào đó, TTCK Việt Nam vừa có nhiều phiên tăng điểm liên tục, luồng tiền lại có dấu hiệu đổ vào chứng khoán. Đây cũng là một yếu tố khiến giá USD trên thị trường tự do vừa qua của VN giảm.
Tỷ giá: Vẫn còn là ẩn số
Dù tỷ giá USD trên các thị trường chính thức và phi chính thức hiện không có khoảng cách quá xa nữa. Tâm lý thích nắm giữ USD không còn “nóng” như trước, hiện tượng đầu cơ giảm… nhưng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về tỷ giá.
Phổ biến là hai quan điểm:
1. Tăng giá VND (hạ thấp tỷ giá so với tỷ giá hiện nay) để hạn chế nhập khẩu lạm phát. Lý luận của quan điểm này là VN vẫn phải nhập đến 90% nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu; luồng vốn nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam nhiều khiến cung USD vẫn lớn.
2. Làm mất giá thêm VND để hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì tỷ giá liên NH nên ở mức 17.000 đồng/USD và cho các NHTM mua/bán trong biên độ +/-2% là phù hợp. Lại có ý kiến nói nên nâng biên độ mua/bán của các NHTM lên mức +/-5%...
Vấn đề tỷ giá sẽ tiếp tục còn là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và NHNN trong thời gian tới. Với góc độ của các NĐT và người dân thì kỳ vọng tỷ giá sẽ khác nhau, còn đối với Chính phủ và NHNN chính sách tỷ giá phải điều hành trong mối quan hệ giữa nhập siêu, xuất siêu...
Vừa qua, tại công văn số 970/TTg-KTTH ngày 25/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chủ động thực hiện điều hành tỷ giá hối đoái với biên độ và bước đi hợp lý, bảo đảm tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ vận hành ổn định. Chính sách tỷ giá của NHNN trong thời gian tới khả năng còn có sự điều chỉnh và diễn biến tỷ giá USD trên thị trường tự do sẽ phụ thuộc vào mức độ can thiệp của NHNN.
-
Hoài Sơn
Ý kiến bạn đọc?