221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1082550
Nhà trọ thời "bão giá": Đoạn trường tìm chốn dung thân!
1
Article
null
Nhà trọ thời 'bão giá': Đoạn trường tìm chốn dung thân!
,

 - Vật giá leo thang còn có lúc  hạ. Nhưng ở TP.HCM, giá nhà trọ cứ mãi tăng cùng với lạm phát và sự gia tăng dân số cơ học. Tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước này, nhà ở đang làm nhiều người đau đầu.

Đỏ mắt tìm nhà trọ bình dân

Đã hơn một tháng ròng mòn mỏi với việc tìm nhà trọ nhưng Thu Thảo vẫn chưa tìm được một chỗ ở thích hợp cho mình. Thảo cho biết cô đang trọ tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh nhưng lại vừa tìm được một công việc thích hợp tận Gò Vấp. Cô đang muốn chuyển nhà đến gần nơi làm việc để tiện đi lại và đỡ mất thời gian, nhưng tìm mãi mà vẫn chưa có được một chỗ thích hợp. "Chỗ vừa tiền thì lại quá đông đúc và chật chội, còn nơi vừa ý thì giá cả lại quá cao, không thuê nổi".

 Một phòng trọ thế này, giá cho thuê đã lên tới 1,5 triệu đồng. Ảnh: K.Toàn

Cũng như Thảo, anh Nguyễn Thái Long, một kỹ sư trẻ, sắp lập gia đình nhưng chưa có nhà riêng. Trước khi chấm dứt tình trạng độc thân, anh muốn chọn một chỗ trọ đàng hoàng hơn để ở sau khi cưới.

Anh Long tính toán, nếu thuê nhà nguyên căn thì ít nhất cũng phải mất khoảng 3-4 triệu mỗi tháng. Vị chi một năm mất hơn ba chục triệu. Đó là số tiền không nhỏ. Thế nên anh quyết định thuê một phòng trọ đủ rộng cho nhu cầu sinh hoạt của một gia đình nhỏ. Hiện nay, một phòng trọ như thế khoảng 1,5 -2  triệu đồng.

"Số tiền thuê nhà trong mấy năm cộng lại có thể mua được một phần của căn nhà, nhưng với khả năng hiện tại, mình không có lựa chọn nào khác", anh Long tâm sự.

Với tình hình hiện nay, để tìm một căn phòng tươm tất tại TP HCM, giá khoảng 400-600 ngàn đồng là không dễ.

Tại khu vực đường Nơ Trang Long, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, những căn phòng lầu đúc, diện tích khoảng 9 -12m2 có giá 800.000 đồng đến 1 triệu đồng tuỳ nơi, chỉ cho ở 1 -2 người, không được nấu ăn. Những phòng rộng khoảng 16-20m2 có giá khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng, ở cũng không quá được 3 người.

Thế nhưng, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, khu vực tập trung khá đông sinh viên các trường: ĐH Dược, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế, cũng với giá tiền như trên, sinh viên chỉ có thể thuê phòng gác gỗ, may mắn lắm mới kiếm được phòng đúc. Bởi lẽ, những chủ nhà có khả năng xây nhà đúc đẹp đều dành phòng cho sinh viên người nước ngoài thuê với giá 200-300 USD/tháng.

"Với giá như thế này, người đi làm như mình thuê cũng không nổi, huống gì sinh viên", Chi, một người bạn mà chúng tôi vừa mới quen trên hành trình tìm nhà trọ nhận xét. Chi cho biết, chỗ cô đang thuê hiện tại nằm trong một xóm lao động, quá ồn ào và phức tạp nên cô muốn chuyển đến một nơi yên tĩnh hơn. Tuy nhiên, với mong muốn được ở một mình, Chi tìm mãi mà vẫn chưa có phòng phù hợp.

Giá nhà đắt đỏ là vậy nhưng hầu như rất ít phòng còn trống, bởi ai đã thuê được nhà rồi đều không muốn chuyển đi để lại bắt đầu lại một hành trình tìm nhà đầy mệt mỏi.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Vật giá đua nhau leo thang đã góp thêm một cái cớ "chính đáng" để các chủ nhà trọ vin vào đó tăng tiền cho thuê nhà. Một nhóm 5 sinh viên Trường ĐH Luật, quận Thủ Đức cho biết, ít tiền nên cả nhóm rủ nhau thuê chung một căn phòng nhỏ ở gần trường. Lúc đầu, chủ nhà tính giá 600 ngàn đồng/tháng. Sau hai lần nâng giá, giờ đây, căn phòng nhỏ, nơi mà chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học hầu như không có ranh giới của nhóm sinh viên này đã lên đến một triệu đồng.

Chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học hầu như không có ranh giới. Ảnh: K.Toàn

Có khách, Thanh, một trong 5 sinh viên, ngượng ngùng giải thích: "Phòng chật quá nên khó thu xếp cho gọn gàng hơn được. Thế nên tụi em hạn chế đưa bạn bè đến chơi, còn người nhà đến thăm thì không thể ở lại". Thanh cho biết, chủ nhà làm thầu xây dựng nên phải thuê nhà cho công nhân ở. Vì thế, cứ mỗi lần nhà trọ công nhân bị tăng tiền, chủ nhà lại về nâng giá phòng cho sinh viên thuê để "gỡ gạc".

Tại hẻm 45 đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện Trường ĐH KHXH&NV, các chủ nhà còn cho thuê "kiểu bộ đội" là kiểu trọ tập thể trong cùng một căn gác suốt. Toàn bộ không gian, tài sản riêng của mỗi người chỉ được phép gói ghém trong một chiếc chiếu đơn, không hơn không kém. Cứ thế, mỗi "cháu" vui lòng đóng đủ 280 ngàn mỗi tháng, nếu muốn ở giường tầng thì 350 nghìn đồng.

Đồng thời, do trong nhà có hàng chục người thuê nên đi đứng, ăn nói phải tuyệt đối khẽ khàng. Sáng sớm, nếu không muốn trễ làm, trễ học, phải dậy từ bốn rưỡi, năm giờ để chen chân vào nhà vệ sinh...

Người thì đông trong khi số phòng có hạn. Cho nên, các chủ nhà không sợ phải đề phòng thất thu. Nhà đẹp, cho sinh viên nước ngoài hoặc người đi làm thuê. Nhà xấu, sinh viên thuê. Mùa hè, phòng nào trống, cho sĩ tử đi thi thuê, tính tiền theo ngày. Giá cho thuê theo ngày cũng được tính "trên trời dưới đất", từ 40-100 ngàn đồng/ngày.

Nhà trọ kiểu "bộ đội".  Ảnh: K.Toàn

An ninh phòng trọ: "sống chết mặc bay.."

Kiếm tiền từ việc cho thuê nhà không khó nên nhiều nơi, dù nhà không rộng, chủ nhà cũng cơi nới, tận dụng triệt để mọi không gian để cho thuê. Phần đông những trường hợp thuê phòng như thế chỉ làm hợp đồng miệng. Cho nên, bên cạnh việc chủ nhà tăng giá tuỳ tiện, còn có nhiều xui rủi khác xảy ra mà người thuê nhà bị thiệt chỉ biết than trời!

Trà My, một sinh viên trọ khu vực Bình Triệu, quận Thủ Đức cho biết, cách đây mấy tháng, cô bị mất một chiếc xe mà gia đình mua cho để làm phương tiện đi lại khi ra trường. Dù đã được khoá cổ cẩn thận nhưng chiếc xe mới mua, chưa kịp làm biển số, chưa đăng ký đã không cánh mà bay giữa thanh thiên bạch nhật cùng với toàn bộ hợp đồng mua bán xe để ngay trong cốp.

Chưa hết, cách đây chưa lâu, một phòng trọ khác trong nhà này cũng bị mất một chiếc xe mới. Riêng hai bạn cùng phòng My cũng vừa bị trộm đột nhập ban đêm và mang theo hai chiếc điện thoại di động. Đáng nói là, những chiếc xe bị mất do chủ nhà ra ngoài quên khép cửa nhưng khi sự việc xảy ra, chủ nhà vẫn không chịu một trách nhiệm nào để khắc phục hậu quả.

Không hợp đồng, không cam kết, người thuê nhà đành cắn răng chịu đựng rủi ro mà không còn cách nào khác.

TP.HCM đang quá tải với lượng người từ các địa phương khác đổ về sinh sống, học tập và làm việc ngày một nhiều. Không ít người trong số họ đang mệt mỏi với câu chuyện về nhà trọ, mà chỉ "ai có qua cầu mới hay".

  • Kim Toàn

    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,