- Theo Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP), việc nhập nguyên liệu không phải nguyên nhân chính là thiếu, mà là mục tiêu đưa ngành chế biến thủy sản lên hàng đầu thế giới.
VN đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ nhiều năm trước
Theo số liệu của ngành Hải quan, trong 3 năm qua Việt Nam đã nhập nguyên liệu thuỷ sản từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị không hề nhỏ, từ 200 - 250 triệu USD mỗi năm. Riêng năm 2007, tổng sản lượng nhập nguyên liệu và bán thành phẩm các loại xấp xỉ 122.196 tấn, chiếm hơn 3% tổng sản lượng thuỷ sản của Việt Nam (4,16 triệu tấn).
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch VASEP, cho biết: Từ nhiều năm nay hàng chục doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản để chế biến xuất khẩu. Đó là các DN: công ty Hải Việt, Incomfish, Cầu Tre, Long Simexco… Một doanh nghiệp quy mô rất nhỏ, ở một địa bàn khó khăn như Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình Định (Bidifishco) cũng đã tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu từ 5triệu USD (năm 2006) lên 17,8 triệu USD (năm 2007) nhờ nhập khẩu nguyên liệu biển để chế biến hàng xuất khẩu.
3 nhóm chính sẽ nhập là cá biển, tôm và nhuyễn thể chân đầu. |
Trong đó, 3 nhóm nguyên liệu nhập chính là cá biển với sản lượng 95.557 tấn giá trị 149,5 triệu USD; tôm với sản lượng 9.119 tấn, giá trị 49,1 triệu USD; nhuyễn thể chân đầu với sản lượng 8.185 tấn, trị giá 16,9 triệu USD.
Theo nhận định của VASEP, việc nhập khẩu này đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mức nhập khẩu này vẫn còn quá thấp đối với nhu cầu của đại đa số các doanh nghiệp, trong điều kiện công suất còn dư thừa tới 50% và đơn đặt hàng của khách ngày càng nhiều và đa dạng.
Khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu
Theo VASEP, hiện tại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ đã cạn kiệt, đội tàu khai thác xa bờ chưa phát huy được hiệu quả. Sản lượng tôm nuôi mấy năm gần đây chỉ duy trì ở mức 350.000 tấn/năm và dự kiến chưa thể tăng cao. Các nguồn nguyên liệu khác như nuôi biển chưa thể tăng nhanh. Theo các DN, nếu chỉ dựa vào nguyên liệu trong nước, khó có thể đưa xuất khẩu thuỷ sản vượt quá 4 tỷ USD mỗi năm.
Hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản ở VN phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác và nuôi trồng. Đại đa số các nhà máy chế biến thuỷ sản đều thiếu nguyên liệu, nhất là nguyên liệu khai thác từ biển. Hiện các nhà máy đông lạnh chỉ hoạt động dưới 50% công suất thiết kế, gây lãng phí lớn về đầu tư.
Bên cạnh đó, sản xuất của ngành thuỷ sản mang tính mùa vụ cao, các thời gian giáp vụ sự thiếu hụt nguyên liệu. Vùng thiếu nguyên liệu trầm trọng nhất là miền Trung và miền Bắc. Nhiều DN tôm và hải sản miền Nam cũng thiếu nguyên liệu nặng, nếu không nhập khẩu nguyên liệu thì nhiều nhà máy trong khu vực phải ngừng hoạt động.
Loại nguyên liệu phải nhập là cá biển (gồm cá ngừ, cá cờ, cá hồi, cá nục, cá bò, cá trích, cá cam...), tôm (tôm thẻ, tôm sắt, tôm sú, tôm càng, tôm hùm…), và nhuyễn thể chân đầu (mực và bạch tuộc). Nguồn sẽ nhập từ các nước xứ lạnh (Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương) và các nước chậm phát triển.
Nâng cao vị trí ngành chế biến thủy sản
Tuy nhiên theo VASEP, việc nhập khẩu không phải mục tiêu chính là giải quyết khâu thiếu nguyên liệu, mà là để đưa ngành chế biến xuất khẩu thủy sản lên một vị trí cao trên thế giới. Trong một công văn hồi cuối năm 2007 gửi VASEP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khuyến khích việc nhập khẩu nguyên liệu, tạo điều kiện cho các DN cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đánh giá của quốc tế, ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản VN đang có uy tín cao trên thế giới. Hiện đang có 147quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu nhập khẩu thủy sản của VN. Đây là thế mạnh để VN đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn, do uy tín chất lượng và an toàn thực phẩm của hàng thực phẩm Trung Quốc đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều công ty Nhật Bản và Châu Âu đang tìm cách chuyển dòng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam để chế biến xuất khẩu.
Theo kế hoạch đưa ra, nếu nhập khẩu được khoảng 1,0 - 2,0 tỷ USD nguyên liệu thuỷ sản mỗi năm, VN có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản thêm 1,8 - 3,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu lên 6,0 - 8,0 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Người nuôi trồng trong nước có bị o ép?
Theo ông Dũng, việc nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản sẽ không gây ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của nông ngư dân trong nước. Việc nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản sẽ tạo ra nguồn bổ sung cho nguyên liệu sản xuất trong nước, giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, khắc phục tính mùa vụ của cung ứng nguyên liệu tại chỗ. Do thiếu mới nhập, nên người nuôi trồng khó bị o ép.
Nguồn nguyên liệu trong nước có vẫn có ưu thế cạnh tranh nhờ giá rẻ. Ảnh minh họa: nuôi cá tra xuất khẩu |
Theo VASEP, nguồn nguyên liệu trong nước với giá rẻ sẽ là ưu tiên mua đầu tiên, vì giá của nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu bao giờ cũng cao hơn giá nguyên liệu trong nước. Đồng thời, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng tạo áp lực để ngành khai thác và nuôi trồng thuỷ sản trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo các DN chế biến, so với phương án đầu tư cho sản xuất nguyên liệu (khai thác và nuôi trồng thuỷ sản), việc nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản có ưu thế vượt trội, do không phải đầu tư lớn và tránh được các tổn thất về môi trường và hệ sinh thái trong nước do việc phát triển quá mức công nghiệp khai thác và nuôi trồng thuỷ sản gây ra.
Hiện nay, các nước đứng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới cũng đồng thời là những nước nhập khẩu nguyên liệu rất mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Malaixia …. Các quốc gia này đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 0 - 0,5% đối với nguyên liệu thuỷ sản để thu hút nguồn nguyên liệu này.
-
Đặng VỹÝ kiến bạn đọc: