221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1080658
Forbes có đánh giá đúng môi trường kinh doanh Việt Nam?
1
Article
null
Forbes có đánh giá đúng môi trường kinh doanh Việt Nam?
,

 - Ngày 26/6, tạp chí Forbes của nhà tỉ phú truyền thông Steve Forbes đã công bố bản báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh hàng năm. Phải nhìn nhận độ chính xác và giá trị của bảng xếp hạng này như thế nào?

Trong bảng xếp hạng, vị trí của Việt Nam được cải thiện, nhưng vẫn ở vị trí 113 trong tổng số 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2007, vị trí của Việt Nam là 136 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng dường như không được xem xét đầy đủ trong bản báo cáo (Ảnh: Phạm Hải)

Bảng xếp hạng này là gì?

Đây là năm thứ ba tạp chí của nhà tỉ phú truyền thông Steve Forbes (người đã từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ) đưa ra bảng đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh. Báo cáo năm 2008 mang tên mới là “Các quốc gia tốt nhất cho kinh doanh” (Best Countries for Business), trong khi các báo cáo năm trước mang tên “Chỉ số thân thiện với vốn đầu tư” (Capital Hospitality Index).

Để thực hiện bảng xếp hạng, tạp chí Forbes đã tổng hợp và phân tích báo cáo của nhiều tổ chức khác. Trong đó gồm các báo cáo như “Chỉ số tự do kinh tế” của tổ chức Heritage Foundation; “Khả năng cạnh tranh toàn cầu” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới; “Chỉ số cảm nhận tham nhũng” của tổ chức Transparency International; “Chỉ số tự do cá nhân” của tổ chức Freedom House; “Các mức thuế trên thế giới” của tập đoàn Deloitte; “Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới… 

Việc cho điểm và xếp hạng của Forbes được căn cứ vào 10 tiêu chí: những qui định hạn chế đối với nước ngoài, lương và giá, luật pháp và quy định, khả năng cạnh tranh, công nghệ, thủ tục hành chính, mức độ bảo vệ nhà đầu tư, tham nhũng, tự do cá nhân, và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các chuyển dịch trong bảng xếp hạng

Năm nay, Đan Mạch đã nhảy 3 bậc để lên vị trí đứng đầu, nhờ chỉ số thấp về lạm phát, thất nghiệp, và thuế suất, chỉ số cao về sáng tạo, công nghệ, và tinh thần doanh nghiệp.

10 vị trí đầu

10 vị trí cuối

1. Đan Mạch
2. Ireland
3. Phần Lan
4. Mỹ
5. Anh
6. Thụy Điển
7. Canada
8. Singapore
9. Hồng Kông
10. Estonia
112. Mauritania
113. Việt Nam
114. Ethiopia
115. Venezuela
116. Camerun
117. Burundi
118. Tajikistan
119. Syria
120. Zimbabwe
121. Chad

Ireland đã nhảy 19 bậc để chiếm vị trí thứ nhì, với một trong những lý giải là do thuế thấp nên hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển từ Anh sang nước này. Phần Lan đứng thứ ba. Mỹ tụt ba bậc để còn đứng thứ tư. Anh cũng từ vị trí thứ 10 năm ngoái nhảy lên hạng thứ 5.

Hai nước đông dân nhất là Trung Quốc (hạng 79) và Ấn Độ (hạng 64) cùng tụt hạng. Forbes giải thích nguyên nhân là do lạm phát cao từ giá lương thực và nguyên liệu, những khiếu nại về tự do cá nhân, cũng như những gánh nặng tăng thêm đối với doanh nghiệp.

Đức (hạng 21) và Pháp (hạng 25) cũng tụt hạng do những bê bối trong khu vực ngân hàng và những rào cản tăng thêm đối với doanh nghiệp.

Nhật Bản đột ngột rớt từ hạng 3 năm ngoái xuống vị trí 24 năm nay. Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Nhật đã công nhận thuế thu nhập doanh nghiệp 40% ở nước này quá cao so với 17,5% của Hồng Kông và 25% của Hàn Quốc. Cơ chế sở hữu của Nhật cũng gây khó khăn cho sự thâm nhập của vốn nước ngoài. Vốn FDI vào Nhật chỉ chiếm 2,5% GDP, so với con số 13,5% ở Mỹ và 40% ở Anh.

Những khiếm khuyết của bảng xếp hạng

Forbes là một tạp chí có uy tín cao, nổi tiếng với các chương trình xếp hạng đủ loại, từ doanh nghiệp lớn nhất, công nghệ phát triển nhanh nhất… cho đến xe hơi dễ bị mất trộm nhất. Tuy nhiên, bảng xếp hạng lần này của Forbes thể hiện nhiều điều không chính xác.

Thứ nhất, tạp chí không tổ chức cuộc khảo sát của riêng mình, mà chỉ tổng hợp báo cáo của các tổ chức khác, trong đó dựa nhiều vào số liệu của năm 2007. Tuy nhiên tình hình kinh tế từ năm 2007 đến nay đã có những biến động rất lớn. Ví dụ nước Mỹ đang chấn động bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng và tín dụng bất động sản, nhưng những yếu tố này dường như không được xét đến trong báo cáo.

Thứ hai, các nước đứng đầu bảng xếp hạng đều là những nước phải lệ thuộc nặng nề vào nguồn dầu nhập khẩu. Dường như những biến động gần đây nhất của cuộc khủng hoảng giá dầu đã không được đánh giá đầy đủ trong báo cáo.

Thứ ba, việc xếp hạng thấp các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, và Việt Nam... cũng không nhất quán với hiện tượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước này liên tục tăng cao. Ví dụ như FDI vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2008 đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, FDI vào Ấn Độ tính đến tháng 3/2008 cũng tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Còn FDI đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2008 đạt kỷ lục 31 tỉ USD.

Thứ tư, độ dài của bảng danh sách cũng thay đổi theo năm. Năm 2006, bản danh sách gồm 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2007, con số này tăng lên 144 và đến năm 2008 lại giảm xuống còn 121. Trong khi đó, báo cáo năm 2008 chỉ xếp hạng mà không chấm điểm như hai báo cáo trước, nên khó khăn cho việc một quốc gia xem xét sự cải thiện hay xuống cấp của mình.

Cũng vì sự thay đổi độ dài của bảng xếp hạng, năm nay nếu xét từ trên xuống thì Việt Nam đã cải thiện từ vị trí 136 lên 113, nhưng nếu nhìn theo hướng khác thì Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 9 tính từ dưới lên.

Đó là chưa kể những sai số rất đáng kể. Ví dụ như thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2007 là hơn 14 tỉ USD, thì báo cáo của Forbes lại đưa ra con số chỉ là 1,2 tỉ USD. 

Phân tích trên cho thấy những thiếu sót của tạp chí Forbes trong đánh giá xếp hạng. Tuy nhiên, có lẽ cũng thấy tạp chí Forbes không có lý do để ác cảm với riêng nước nào. Còn chúng ta, lại có thêm một lần được nhắc nhở về vị trí rất cần cải thiện của Việt Nam.

  • Bùi Văn
    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;