221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1079046
Vẫn xuất khẩu phôi thép dù thuế tăng
1
Article
null
Vẫn xuất khẩu phôi thép dù thuế tăng
,

 - Các doanh nghiệp (DN) sản xuất phôi thép khẳng định họ vẫn tiếp tục xuất khẩu phôi cho dù thuế xuất khẩu tăng lên đến mức 10% từ ngày 28/6.

Việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép vào thời điểm này được cho là một động thái nhằm hạn chế sự ồ ạt xuất khẩu phôi thép hiện nay sẽ khiến cho nguồn phôi thép trong nước bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến khả năng bình ổn giá trong nước.

Doanh nghiệp: Không tiêu thụ được phôi thép ở trong nước

Tuy nhiên, theo các DN sản xuất phôi thép thì dù thuế suất thuế xuất khẩu có tăng lên 10%, họ vẫn cứ phải xuất khẩu phôi. Lý do chính là không tiêu thụ được phôi thép tại thị trường trong nước.

Thời gian vừa qua, các DN cán thép trong nước không mua phôi thép do không có vốn và thị trường thép tiêu thụ chậm, vì vậy lượng phôi thép sản xuất ra đang tồn đọng nhiều.

 Sản xuất phôi thép (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tuổi Trẻ)

Hiện nay, giá thép trong nước thấp, chỉ khoảng 17 triệu đồng/tấn, trong khi đó giá phôi xuất khẩu của các DN đang ở mức từ 1.100-1.150 USD/tấn, có trừ đi 10% thuế thì còn khoảng 1.000 USD/tấn tính ra với tỷ giá USD thì giá phôi xuất khẩu vẫn cao hơn giá thép bán trong nước.

Bên cạnh đó, phôi thép không bán được trên thị trường trong nước, nếu không xuất khẩu, DN sẽ không có vốn để tiếp tục sản xuất.

Theo Công ty Gang thép Vạn Lợi, hiện DN này đang tồn tới trên 30.000 tấn phôi thép, trị giá trên 400 tỷ đồng, trong khi đó số tiền nợ là trên 300 tỷ đồng. Nếu không xuất khẩu sẽ không có tiền thanh toán nợ. Hạn mức tín dụng vốn lưu động các ngân hàng dành cho Vạn Lợi chỉ là 200 tỷ đồng/năm đã sử dụng hết không thể vay thêm được nên bắt buộc phải xuất khẩu phôi thép thu ngoại tệ. Nếu không xuất khẩu thì chỉ còn cách tạm ngừng sản xuất.

Còn theo tính toán của một DN cung cấp thép phế liệu thì với thuế suất 10% các DN xuất khẩu phôi vẫn có lãi, chỉ có điều lãi sẽ ít hơn trước đây. Theo DN này, thép phế các DN đang sử dụng luyện phôi mua từ thời điểm giá chỉ 500-600 USD/tấn, chi phí để luyện ra 1 tấn phôi với DN thấp nhất là 140 USD/tấn còn cao nhất là 250 USD/tấn, tính ra chưa đến 900 USD/tấn. Trong khi đó, giá phôi thép chào bán trên thị trường thế giới hiện nay là 1.200 USD/tấn, giá phôi của Việt Nam xuất FOB thấp hơn khoảng 100 USD/tấn. Giá này trừ đi 10% thuế, DN cũng thu về khoảng 1.000 USD/tấn và như vậy họ vẫn có lãi. Vì vậy mức thuế trên vẫn chưa cản được các DN xuất khẩu phôi.

Hiện đã có một số DN ký hợp đồng mua thép phế ở mức 700 USD/tấn, nhưng những lô hàng này phải đến quý IV/2008 mới đưa vào sản xuất và vào thời điểm đó thì chưa chắc giá phôi thép trên thị trường thế giới đã dừng lại ở mức 1.200 USD/tấn như hiện nay.

Thiếu vốn, doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất?

Mới đây, ngày 18/6, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn số 28/HHTVN gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh thép.

Hiệp hội Thép cho biết giá thép bán trong nước hiện nay thấp hơn cả giá phôi nhập khẩu. Trong khi các DN nhà nước đang phải bán với giá quy định thì các liên doanh được điều chỉnh theo giá thị trường. Điều này đã làm cho giá thép của các DN như Gang thép Thái Nguyên, Thép miền Nam thấp hơn giá thép của các DN liên doanh tới 2 triệu đồng/tấn. Nhưng giá bán thấp này lại không đến được tay người tiêu dùng vì các DN chỉ phân phối đến đại lý cấp I.

Hiệp hội Thép đã có kiến nghị cho được nâng giá bán thép dần dần sát với giá thị trường khu vực và thế giới để đảm bảo DN không lỗ, đồng thời tạo điều kiện để DN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhằm phục vụ sản xuất thép đảm bảo ổn định thị trường, bên cạnh đó là giải ngân kịp thời cho các công trình đầu tư để có tiền mua thép tạo đầu ra.

Theo các DN thép, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Thép tiêu thụ chậm, tồn đọng nhiều trong khi vốn tín dụng đang bị thắt chặt. Không có vốn để sản xuất thì nguy cơ phải ngừng sản xuất rất dễ xảy ra.

  • Trần Thuỷ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,