221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1078704
ACB đề nghị chia sẻ, nhà đầu tư chưa chấp nhận
1
Article
null
Sự cố trên sàn giao dịch vàng:
ACB đề nghị chia sẻ, nhà đầu tư chưa chấp nhận
,

 - Các nhà đầu tư bị thiệt hại trong vụ trục trặc sàn giao dịch vàng Sài Gòn hôm 20/6 cho rằng giải thích của ngân hàng Á châu về nguyên nhân là không thỏa đáng. Nhà đầu tư cũng không chấp nhận giá khớp lệnh mà ngân hàng này đưa ra vì cho rằng họ bị lỗ quá đậm.

16g30 ngày 23/6, Ban Giám đốc ngân hàng Á châu (ACB), đơn vị chủ sàn giao dịch vàng Sài Gòn, đã tổ chức buổi gặp mặt các nhà đầu tư (NĐT) để lắng nghe ý kiến, yêu cầu và đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề thiệt hại của NĐT, trước sự chứng kiến của các cơ quan báo chí.

Buổi đối thoại công khai trước sự chứng kiến của cơ quan báo chí. Ảnh: Khắc Dũng

“Lỗi sự cố không thuộc trách nhiệm của ACB!”

Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ngân hàng ACB, khẳng định như trên. Ông Hải lý giải nguyên nhân sự cố trục trặc sàn giao dịch vàng ngày 20/6 là do lệnh nhập số lượng quá lớn nên bị nghẽn mạch. 

Tổng Giám đốc ACB cho biết: vào lúc 9g30’, các lệnh giao dịch tăng đột biến, lệnh chờ quá nhiều khiến mạng chạy chậm và việc khớp lệnh chậm. Lúc 9g35’, nhận thấy lệnh dồn quá nhiều, đơn vị điều hành quyết định chuyển sang sử dụng hệ thống dự phòng. Và sau đó, nghi ngờ có khả năng xảy ra trục trặc mạng, nên đến 14g5’ sàn vàng chính thức thông báo ngừng giao dịch. 

Đến thời điểm gặp mặt các nhà đầu tư chiều 23/6, đã có 89 đơn của nhà đầu tư gửi lên ACB đề nghị giải thích và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ông Hải cho biết, trục trặc mạng ngoài tầm kiểm soát của ACB. Đây là lý do khách quan nên lỗi này không thuộc trách nhiệm của ACB theo hợp đồng cung cấp dịch vụ mà hai bên đã cam kết.

Một nhà đầu tư lên tận bàn chủ tọa trao đổi với Tổng giám đốc ACB. Ảnh: Khắc Dũng

Tuy nhiên, TGĐ ACB vẫn gửi lời nhận lỗi đến NĐT. Ông cho rằng mặc dù lỗi xảy ra không thuộc trách nhiệm của ACB, nhưng ACB cũng thấu hiểu thiệt thòi và tâm trạng của NĐT, nên sẵn sàng chia sẻ một phần thiệt thòi.

Giải pháp mà bên ACB đưa ra là với những NĐT có vay USD, vàng và tiền đồng để giao dịch vàng, ACB sẽ không thu lãi trong 4 ngày kể từ 20/6. NĐT có giao dịch nhưng không bán được, ACB mua lại với giá 18.830.000 đồng/lượng, là giá khớp lệnh lúc 14g03’, trước giờ sàn đóng cửa ngừng giao dịch. Các nhà đầu tư được nhân viên thông báo sai tình hình khớp lệnh dẫn đến mua bán không chính xác, nếu có chứng cứ, sẽ được trả lại trạng thái ban đầu, tức lúc chưa mua bán.

Theo một NĐT khi phát biểu không nêu tên, việc ACB bắt khách hàng gánh chịu hết rủi ro ghi trong điều 17 của hợp đồng là không phù hợp. NĐT này nói rằng các thiết bị, con người đều do ACB cung cấp mà không chịu trách nhiệm là không hợp lý.

Điều 17 hợp đồng cung cấp tín dụng và dịch vụ:

“ACB không chịu trách nhiệm về các trường hợp: Trục trặc của mạng điện tử, của thiết bị, lỗi phần cứng, phần mềm của hệ thống trong quá trình vận hành và bất cứ lý do gì dẫn đến lệnh giao dịch của bên được cung cấp tín dụng không thể nhập được vào hệ thống, bị ngưng không thể xử lý, không khớp lệnh”.

Nhà đầu tư nghi ngờ không phải do sập mạng

Có 15 ý kiến của NĐT, tất cả đều phản đối nội dung giải thích về nguyên nhân. NĐT Kim Liên phát biểu, bà có 2 tài khoản, buổi sáng bà dùng tài khoản 1 bán với giá 19.170.000 đồng/lượng nhưng không được, và được nhân viên ACB giải thích là mạng trục trặc. Tuy nhiên buổi chiều bà dùng tài khoản 2 đặt thử lệnh mua, thì lại mua được ngay. 

“Nếu trục trặc mạng thì trục trặc hết, sao lệnh bán không thực hiện được nhưng mua thì lại được? Tôi đề nghị ACB giải thích!” - bà Liên nói.

Các NĐT khác khẳng định ý kiến bà Liên nêu ra là đúng sự thực. Họ khẳng định là sàn vàng vẫn giao dịch được, và từ đó đặt vấn đề là không phải lỗi sập mạng, mà là do đơn vị vận hành sàn vàng không chịu mua bán, không cho khớp lệnh. 

NĐT Phan Nhật Trường dẫn điều 14 trong hợp đồng cung cấp tín dụng: “Bên được cấp tín dụng được quyền đặt lệnh hoặc hủy bỏ một phần hoặc hủy toàn bộ lệnh”, và hỏi: “Ngân hàng không thực hiện được điều này, vậy ngân hàng chịu trách nhiệm gì?”.

NĐT này đề nghị cơ quan quản lý tổ chức đoàn kiểm tra, kiểm tra toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin, kiểm tra tài chính ngân hàng ACB.

Không chấp nhận phương án của ACB

Các NĐT không chấp nhận giá mua mà ACB đưa ra là là 18.830.000 đồng/lượng. Giá này so với giá buổi sáng 20/6, NĐT lỗ 300 ngàn/lượng. Một người nói rằng với việc không mua bán được vừa qua, NĐT mất có thể hàng chục tỷ?

NĐT Nguyễn Thị Yến nói rằng bà đặt bán khi giá trên 19 triệu/lượng không khớp lệnh được, sau đó giá hạ, bà bán giá 18.838.000 đồng/lượng. Nhưng nay ACB đưa ra giá mua 18.830.000 đồng/lượng, hóa ra bà bị lỗ 2 lần.

Các NĐT đề nghị, chấp nhận mất cơ hội kiếm lời, hủy bỏ mọi giao dịch, đưa trở về trạng thái ban đầu.

Tuy nhiên ông Lý Xuân Hải cho biết ACB không mua bán, mà do các nhà đầu tư mua bán với nhau, nên ACB không có quyền hủy bỏ.

Ông Hải cho rằng giá 18.830.000 đồng là giá trước khi ngừng giao dịch, nên lựa chọn đó là hợp lý. Vì nếu chọn giá khác, không có cơ sở nào để chọn.

Về nguyên nhân lệnh bán không khớp nhưng lệnh mua khớp được, ACB cho biết sẽ kiểm tra và trả lời.

Ngân hàng ACB khẳng định, họ sẵn sàng hợp tác với bất cứ nhà đầu tư nào, cơ quan chức năng nào để làm rõ nguyên nhân, để chứng minh sự vô tư của ngân hàng. 

“Nếu cơ quan chức năng kết luận ACB có gian dối, ngân hàng này sẵn sàng bồi thường tất cả thiệt hại. Còn nếu kết luận ACB không sai, các nhà đầu tư cũng nên thông cảm, không thể buộc ACB bồi thường” - ông Hải nói.

  • Đặng Vỹ

Ý kiến bạn đọc:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,