221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1077056
Việt Nam nhìn từ bảng xếp hạng môi trường thương mại
1
Article
null
Việt Nam nhìn từ bảng xếp hạng môi trường thương mại
,

 - Ngày 18/6, lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra bảng xếp hạng về môi trường thuận lợi cho thương mại. Việt Nam đứng ở vị trí 91 trong số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Bản báo cáo của WEF công bố ngày 18/6.
Báo cáo nghiên cứu của WEF (trụ sở tại Thụy Sĩ) có tên là Môi trường Thương mại Toàn cầu (Global Enabling Trade Report 2008), được thực hiện phối hợp với các tổ chức nghiên cứu của các nước tham gia danh sách. Tại Việt Nam, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và Viện Kinh tế TP. HCM là đối tác tham gia cuộc khảo sát.

Bản báo cáo nêu rõ mục tiêu là phân tích các yếu tố có tác động đến môi trường thương mại quốc tế của các nước, để mỗi nước có thể cải thiện chính sách và hội nhập tốt hơn với nền kinh tế toàn cầu, từ đó đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng của quốc gia.

Tâm điểm của bảng báo cáo là danh sách xếp hạng 118 quốc gia và vùng lãnh thổ về các điều kiện thuận lợi cho thương mại. Trong nhóm 10 vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng, Hồng Kông và Singapore giành 2 vị trí cao nhất. Trong 6 vị trí tiếp theo, ngoại trừ Canada và New Zealand thì các nước châu Âu chiếm hết các vị trí còn lại.

Việt Nam ở đâu trong bảng xếp hạng?

Về tổng quan, vị trí thứ 91 của Việt Nam trong số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ là một điều không đáng lạc quan. Trong các nước ASEAN thì chỉ duy nhất Campuchia đứng thấp hơn Việt Nam. Nhưng cụ thể vì những yếu tố nào chúng ta bị xếp hạng thấp?

Bản khảo sát phân tích 4 nhóm chỉ số phụ: tiếp cận thị trường, quản lý cửa khẩu, hạ tầng giao thông - thông tin, và môi trường kinh doanh.

Trong 4 nhóm chỉ số phụ trên, điểm thấp nhất của Việt Nam là ở chỉ số “tiếp cận thị trường” với vị trí xếp hạng 112/118. Riêng về hàng rào thuế quan và phi thuế quan, Việt Nam xếp hạng 114. Đây là vị trí thấp nhất trong các nước ASEAN. Nếu xét toàn bộ châu Á thì Việt Nam chỉ đứng trên được 2 nước Trung Á là Uzbekistan và Cộng hòa Kyrgyz.

Việt Nam cũng có những vị trí xếp hạng đáng lạc quan như chỉ số về an ninh (hạng 46); dịch vụ vận tải (hạng 48); hiệu quả của dịch vụ bưu điện (hạng 33); độ tin cậy của dịch vụ cảnh sát (hạng 45); khả năng tiếp thu công nghệ ở cấp doanh nghiệp (hạng 43)... 

Hạ tầng giao thông của Việt Nam bị xếp hạng thấp, nhưng dịch vụ vận tải lại đứng ở hạng khá cao (ảnh: Cảng Đà Nẵng)

Những nghịch lý trong bản báo cáo

Có những điểm tưởng như đối nghịch nhưng lại được WEF chỉ ra đối với Việt Nam. Thứ nhất, trong khi hạ tầng giao thông và thông tin của Việt Nam bị xếp hạng thấp (100/118) thì hiệu quả của dịch vụ vận tải lại đứng hạng khá cao (48/118).

Thứ hai, trong khi Việt Nam đứng hạng khá cao về hiệu quả của thủ tục xuất nhập khẩu (hạng 50/118), thì lại đứng hạng rất thấp về tính minh bạch trong quản lý tại cửa khẩu (100/118), và thậm chí thấp hơn nữa (104/118) về các khoản chi được gọi là “bất thường” trong xuất nhập khẩu.  

Thứ ba, trong khi Việt Nam đứng hạng khá cao về đa dạng hóa thị trường (hạng 47 về tiếp cận theo bề rộng của thị trường quốc tế; hạng 49 về giao thương với khu vực), tuy nhiên lại đứng rất thấp (100/118) về độ mở với luật lệ thương mại đa phương.

Báo cáo của WEF cũng nêu ra những điểm đáng lưu ý về mức độ đa dạng trong quan hệ thương mại của Việt Nam. Theo số liệu năm 2006, trong tổng xuất khẩu của Việt Nam thì có đến 18.3% xuất sang Mỹ, còn trong tổng nhập khẩu của Việt Nam thì có gần 30% nhập từ Trung Quốc (gồm cả Đài Loan).

Thứ tư, bảng khảo sát được dùng chung cho cả thế giới, nhưng riêng khi áp dụng vào Việt Nam có hai tiêu chí được ghi là “không có thông tin”, đó là chỉ tiêu chí “dịch vụ Hải quan” và “đường sá tắc nghẽn”. Trong khi đó, có lẽ đây là hai tiêu chí được nhiều người đánh giá thấp. Nếu hai tiêu chí này được tính điểm, liệu vị trí của Việt Nam có bị tụt xuống thấp hơn nữa?

Bảng tóm tắt xếp hạng một số tiêu chí chính

Xếp hạng tổng thể (trên 118 nước)

91

Tiếp cận thị trường

112

  Hàng rào thuế quan và phi thuế quan

114

  Xu hướng thương mại

66

Quản lý tại cửa khẩu

76

  Hiệu quả của Hải quan

79

  Hiệu quả của quy trình xuất nhập khẩu

50

  Minh bạch về quản lý tại cửa khẩu

102

Hạ tầng giao thông và thông tin

75

  Chất lượng hạ tầng giao thông

100

  Chất lượng dịch vụ giao thông

48

  Áp dụng công nghệ thông tin

71

Môi trường kinh doanh

62

  Môi trường chính sách

83

  An ninh vật chất

46

 
Những nghịch lý lớn hơn ngoài bản báo cáo

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2007 là 14,12 tỉ USD. Mức thâm hụt thương mại năm 2007 tăng đến 70% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 48,56 tỉ USD và nhập khẩu lên đến 62,68 tỉ USD.

Nếu như khảo sát của WEF chỉ ra môi trường thương mại quốc tế của Việt Nam còn thấp, thì con số thâm hụt thương mại của chúng ta lại quá cao, lên đến 20% so với tổng thu nhập quốc dân.

Từ đây có thể thấy hai giả thiết. Thứ nhất, những yếu kém trong thương mại quốc tế có thể đã hạn chế khả năng xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, nếu hàng rào quan thuế hạ thấp (tất yếu theo cam kết gia nhập WTO) thì nhập khẩu của Việt Nam có thể còn cao hơn nữa và mức thâm hụt thương mại còn khó khắc phục.

Cũng theo phân tích trong báo cáo của WEF, những nước như Việt Nam có bờ biển dài và lợi thế hơn nhiều so với những nước không có biển (land-lock). Xếp hạng thấp hơn Việt Nam, hầu hết là những nước bị bất lợi về vị trí như vậy. Phải chăng nếu không vì vị trí địa lý, có thể nhiều nước trong số đó chưa chắc đã thấp hơn Việt Nam trong bảng xếp hạng?

Bản báo cáo mới nhất này của WEF, cũng như những đánh giá xếp hạng khác, có thể không hoàn toàn chính xác, có thể không đưa Việt Nam vào vị trí đẹp. Tuy nhiên, đây là thêm một cơ hội nữa để chúng ta nhận thức được vị trí của mình trên thế giới, và từ đó xác định những chính sách để cải thiện vị trí.

  • Bùi Văn
    Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,