- Ngày 3/6 Liên hiệp quốc sẽ tổ chức phiên họp thượng đỉnh 4 ngày tại Rome (Italia) với lãnh đạo các quốc gia để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. VietNamNet xin giới thiệu bài viết với 10 điểm đề xuất của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick đưa ra ngày 29/5.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã đến Rome để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực. Nhiệm vụ của chúng ta rất rõ ràng, nhưng không hề đơn giản: đó là hỗ trợ những người đang trong cơn nguy khốn và đảm bảo rằng người nghèo sẽ không phải chịu một cuộc khủng hoảng tương tự nữa.
Ông Robert B. Zoellick (ảnh: WorldBank)
Cuộc khủng hoảng được xem như một cơn sóng thần thầm lặng, nhưng không phải do thiên nhiên, mà là con người gây ra. Mối quan hệ giữa giá năng lượng và giá thực phẩm khó có thể tách rời, và càng trầm trọng thêm do sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Kết quả là chi phí sản xuất và chuyên chở nông sản cao hơn, dự trữ lương thực thấp hơn và đất đai chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất các sản phẩm thay thế năng lượng. Đây là cuộc khủng hoảng "đổi lương thực lấy dầu" của thế kỉ 21.
Vào tháng tư vừa qua, các bộ trưởng của 150 nước đã họp tại Ngân hàng Thế giới, và phê duyệt một kế hoạch mới về chính sách lương thực toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc vào tuần tới tại Rome, hội nghị bộ trưởng tài chính G8 vào tháng sáu và hội nghị thượng đỉnh G8 vào tháng 7 là những cơ hội để hành động. Chúng ta cần phối hợp hành động, với nguồn lực hỗ trợ. Tôi xin đề xuất một kế hoạch gồm 10 điểm.
Đầu tiên, tại Rome, chúng ta cần nhất trí cung cấp tài chính đầy đủ cho nhu cầu khẩn cấp của Chương trình Lương thực Thế giới, hỗ trợ hoạt động của tổ chức này để mua thực phẩm cứu trợ tại từng địa phương, và đảm bảo tiếp tục các hỗ trợ nhân đạo.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới (ảnh: WorldBank)
Thứ hai, chúng ta cần hỗ trợ các mạng lưới an sinh, ví dụ như cung cấp lương thực tại trường học, hay đổi công lấy lương thực, để có thể nhanh chóng hỗ trợ những người khó khăn nhất. Ngân hàng Thế giới, cùng với Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), đã đánh giá nhanh nhu cầu tại hơn 25 nước. Tại Rome, chúng ta phải nhất trí phối hợp hành động.
Thứ ba, chúng ta cần hạt giống và phân bón cho vụ mùa tới, đặc biệt là cho các nông hộ nhỏ ở những nước nghèo. FAO, Quỹ quốc tế Phát triển Nông nghiệp, các ngân hàng phát triển khu vực và Ngân hàng Thế giới có thể đẩy mạnh nỗ lực này, thông qua hợp tác với các tổ chức xã hội phủ và các nhà tài trợ song phương. Điều quan trọng không chỉ là tài chính, mà còn là hệ thống phân phối nhanh chóng.
Thứ tư, chúng ta cần tăng nguồn cung lương thực và tăng tài trợ cho nghiên cứu, bù lại cho nhiều năm nông nghiệp không được đầu tư đầy đủ. Chúng ta không nên quá bảo thủ hay quá ủng hộ một giải pháp khoa học đơn lẻ. Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế trong những năm qua chỉ nhận được tài trợ khoảng 450 triệu USD mỗi năm. Chúng ta phải tăng gấp đôi con số này cho nghiên cứu và ứng dụng trong 5 năm tới.
Thứ năm, cần phải đầu tư thêm vào các doanh nghiệp nông nghiệp để có thể huy động khu vực tư nhân vào toàn bộ chuỗi giá trị: phát triển đất và nước bền vững; chuỗi cung ứng; giảm lãng phí; cơ sở hạ tầng và hậu cần, giúp những nhà sản xuất ở các nước đang phát triển đạt chuẩn an toàn lương thực; kết nối từ bán lẻ tới nông dân ở các nước đang phát triển; và hỗ trợ tài chính cho buôn bán lương thực.
Thứ sáu, chúng ta cần sáng tạo những phương thức quản lý rủi ro và bảo hiểm mùa màng cho nông hộ nhỏ. Tuần sau, Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới sẽ xem xét việc bảo hiểm thời tiết cho các nước đang phát triển, và Malawi có thể là khách hàng đầu tiên. Nếu Malawi bị hạn hán, nước này sẽ được thanh toán để bù cho chi phí nhập khẩu ngô.
Thứ bảy, chúng ta cần Mỹ và châu Âu thay đổi chính sách trợ giá, quy định và thuế lên nhiên liệu sinh học chiết xuất từ ngô và hạt có dầu. Sản lượng ngô trên toàn cầu đã gia tăng trong 3 năm qua, nhưng chương trình chiết xuất ethanol của Mỹ đã tiêu tốn 75% số gia tăng đó. Các nhà lập chính sách nên xem xét những “chiếc van an toàn” để xả chính sách này khi giá tăng cao. Vấn đề không phải là chọn lương thực hay nhiên liệu. Giảm thuế nhập khẩu ethanol vào thị trường Mỹ và châu Âu có thể sẽ làm tăng sản xuất nhiêu liệu sinh học từ mía, sẽ không cạnh tranh trực tiếp tới sản xuất lương thực, đồng thời tạo cơ hội cho các nước nghèo hơn như ở châu Phi. Chúng ta cần tìm cách nâng nhiên liệu sinh học lên thế hệ thứ hai, sử dụng xen-lu-lo.
Thứ tám, chúng ta cần bãi bỏ việc cấm xuất khẩu, đã dẫn tới giá cả leo thang mạnh hơn. Ấn Độ gần đây đã nới lỏng hạn chế xuất khẩu. Nhưng 28 nước khác còn kiểm soát như vậy. Bãi hạn chế xuất khẩu sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất lớn. Hiện chỉ có 7% tổng sản lượng gạo toàn cầu được đưa ra thị trường, và nếu Nhật có thể cung cấp một phần kho dự trữ của mình vì mục đích nhân đạo, và Trung Quốc bán 1 triệu tấn gạo, chúng ta có thể ngay lập tức giảm giá gạo trên thị trường.
Thứ chín, chúng ta cần kết thúc vòng đàm phán Doha, để loại bỏ những biến dạng thị trường do trợ cấp và thuế nông sản, để tạo ra một thị trường lương thực toàn cầu linh hoạt, hiệu quả và công bằng hơn. Những quy tắc đa phương đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Thứ mười, cần phải có hành động tập thể để hóa giải những rủi ro toàn cầu. Những thách thức về năng lượng, lương thực và nước có mối liên quan lẫn nhau, sẽ là những yếu tố thúc đẩy kinh tế và an ninh toàn cầu. Chúng ta có thể tìm hiểu khả năng các nước G8 và các nước đang phát triển cùng tạo ra kho “sản phẩm toàn cầu” theo mô hình Cơ quan Năng lượng Quốc tế, với những quy định rõ ràng và minh bạch. Đây có thể sẽ là nguồn bảo hiểm cho người nghèo nhất, nhằm cung cấp thực phẩm ở giá chấp nhận được.
Để hỗ trợ cho kế hoạch này, Ngân hàng Thế giới đang chuẩn bị một quỹ phản ứng khủng hoảng lương thực thế giới. Chúng tôi sẽ cung cấp nhanh 1,2 tỉ USD để giải quyết các nhu cầu trước mắt từ cuộc khủng hoảng, cho các nước đặc biệt rủi ro như Haiiti, Djibouti hay Liberia để mua hạt giống, phân bón, cho các chương trình an sinh xã hội và hỗ trợ ngân sách. Về tổng thể, Ngân hàng Thế giới sẽ tăng hỗ trợ cho nông nghiệp và các hoạt động có liên quan đến lương thực và thực phẩm từ 4 tỉ USD lên 6 tỉ USD trong năm tới.
Nguy cơ là rất rõ ràng với tất cả mọi người. Hội nghị Rome và hội nghị G8 cần có kế hoạch để giải quyết nguy cơ này.
-
Robert B. Zoellick