- Từ chiếc mũ bảo hiểm chỉ thuần tuý tính bảo vệ đến những chiếc có thêm tác dụng tránh nắng nóng, thời trang, thể hiện rõ nét nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Song, cũng chỉ vì thiếu an toàn, chính những người sản xuất, kinh doanh cũng phải thừa nhận, đây là bước “đệm”… không lâu bền.
Buôn bán mũ tại chợ Đồng Xuân những ngày đầu hè - Ảnh: N.N
Khi nhu cầu về chiếc mũ bảo hiểm chỉ thuần tuý chức năng bảo vệ tại Hà Nội đã gần như bão hoà thì mặt hàng được bày bán rộng rãi, ăn khách nhất tại các cửa hàng khu vực phố Huế, Ô Chợ Dừa, chợ Đồng Xuân,… hiện nay là các loại mũ cách điệu.
Chưa tính các phụ kiện riêng lẻ đi kèm như vành, mũ bằng vải hoặc nhựa mềm (có vành rộng) để gắn kèm hoặc bao trùm lên chiếc mũ bảo hiểm thông thường, có tác dụng che nắng, từ vài tháng nay sự xuất hiện nhiều loại mũ bảo hiểm hoàn chỉnh có hình dáng: lưỡi trai, mũ nữ vành nhỏ... đã khiến thị trường trở nên sôi động.
Khắc phục được hạn chế dễ bị lật lên hay cụp xuống khi gặp gió ở các loại vành, mũ trùm rời, điểm chung của những chiếc mũ cách điệu hoàn chỉnh là lớp vỏ bao bọc phần cối xốp chịu lực đóng vai trò định dạng nên chiếc mũ (kể cả phần vành hay lưỡi trai) đều được làm bằng chất liệu nhựa khá cứng.
Với các màu sắc đa dạng nhờ lớp áo bằng vải hoặc da, các loại mũ đa phần được sản xuất, gia công bởi các cơ sở tư nhân tại Sài Gòn này thường được bán với giá từ 70, 80.000 đến hơn trăm ngàn đồng/chiếc.
Ngoài ra, cũng có hình dáng lưỡi trai hoặc vành hơi loe, trên thị trường còn nhiều loại mũ “bảo hiểm” nhẹ, mát, rẻ với cấu tạo hết sức đơn giản: không hề có cối xốp chịu lực mà chỉ hoàn toàn bằng nhựa cứng. Giá bán là vài ba chục ngàn đồng.
Biết không có tương lai nhưng vẫn phải cầm cự
Anh Nguyễn Văn Phán, chủ một cơ sở sản xuất thuộc làng nón Tân Hưng, thuộc quận 12, TP.HCM chia sẻ, ngay trong thị trường nón cách điệu hiện nay cũng không thể liệt kê hết được các loại, kiểu và chất lượng bởi mỗi cơ sở sản xuất lại có quy mô, trình độ, cách làm khác nhau.
Có nơi đặt mua phần vỏ nhựa, cối xốp từ các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm về lắp ráp hoặc nhận gia công khâu bọc vải, da; khi hoàn thiện, được dán tem (tem CS: chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng) của nhà máy. Nhưng do đa phần nguyên liệu từ công ty thường đắt, giá bán không cạnh tranh nên các cơ sở phải đặt mua vỏ nhựa “ở một nơi khác”. Thậm chí, không ít hộ tìm mua vỏ nhựa trôi nổi ngoài chợ về gia công.
“Chất lượng nhựa làm sao đảm bảo như chiếc nón môtô chính hãng được nhưng do thị hiếu thời trang, thanh niên khoái đội, bán được nhiều nên họ vẫn làm”, anh Phán thừa nhận.
Tiền thân là một nhà sản xuất mũ vải, từ ngày bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cơ sở mà lúc cao điểm có hàng chục nhân công của anh Phán cũng không tránh khỏi cảnh lao đao.
Từ chỗ làng nón vải trước kia ước chừng 1.000 gia đình thì 999 hộ làm nón, đến nay, số hộ bỏ nghề đã lên tới 85%. 15% trụ lại được như gia đình anh Phán đa phần là những hộ làm nghề lâu năm, nhiều tâm huyết và chịu khó xoay sở.
Ngoài việc kiên trì sản xuất mũ vải phục vụ trẻ em, người già, các hợp đồng quảng cáo, thể thao trong nước cũng như Campuchia, hiện tại gia đình anh Phán cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng bọc vải cho các loại mũ bảo hiểm kể trên.
Dù nhiều lúc làm không kịp, nhưng về triển vọng của hình thức này, anh Phán không ngần ngại khẳng định: “Chỉ là cầm cự, ăn theo nhu cầu thị trường thôi, còn không phát triển được lâu”.
Những lý do mà anh đưa ra là loại mũ này chỉ phục vụ được cho số ít những người ưa thích thời trang, trong khi mũ vành nhựa rất nguy hiểm, phần lớn thị trường không chấp nhận.
Làm ăn chộp giựt có lãi nhưng không bền
Vành vải cho mũ bảo hiểm đang hút khách - Ảnh: N.N
“Đây không phải là hướng đi lâu dài. Cùng lắm cũng chỉ “sống” qua vụ hè này thôi” - ông Lê Đức Thuấn, GĐ Công ty TNHH Á Long, một nhà sản xuất mũ bảo hiểm tại Hà Nội phát biểu.
Ông Thuấn phân tích, mũ cách điệu cố làm cho mỏng đi thì tính an toàn không cao, tuổi thọ ngắn, gây phiền hà cho người sử dụng, kể cả trường hợp người đội những chiếc mũ này sẽ bị xử phạt khi các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn.
Đồng tình với quan điểm trên, GĐ một Công ty sản xuất kinh doanh mũ vải lâu năm tại Hà Nội cho biết thêm, mặc dù ngay từ đầu anh đã nắm bắt được thị trường đang có nhu cầu lớn về các loại mũ cách điệu, nếu kinh doanh chộp giựt trong hiện tại sẽ đem về nhiều lợi nhuận nhưng anh không chọn cách làm đó.
“Tôi nghi ngờ chất lượng và không hiểu nổi việc dán tem kiểm định của tất cả loại nón đấy” - anh tâm sự: “Trong kinh doanh, nếu mục đích để kiếm được nhiều lời lãi thì không ít cơ hội, con đường tắt. Mũ bảo hiểm cách điệu hiện nay cũng là một bước đi như vậy nhưng mình không chọn”.
Rõ ràng, từ nhà sản xuất lớn đến các cơ sở gia công nhỏ lẻ đều ý thức được sự không an toàn của sản phẩm cũng như sự thiếu bền vững của hướng đi nhưng do hoàn cảnh, vị trí của mình, mỗi người lại có sự lựa chọn khác nhau. Người vừa làm vừa nghe ngóng, người kiên quyết đoạn tuyệt, người đang ấp ủ nhiều dự định. Nhưng trên hết, họ đang chờ đợi những tiếng nói và hành động mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý đối với thị trường này.
-
Nguyễn Nga