Giá phân đè oằn vai nông dân
Trong mấy ngày qua, giá phân bón trên thị trường đột ngột tăng giá, tuy không gây ồn ào như cơn sốt gạo, âm thầm và không kém phần mạnh mẽ tác động đến nông dân.
Anh Huỳnh Văn Nhâm, một nông dân ở ấp Thạnh Trí, xã Hoà Thạnh, Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay giá phân DAP của Trung Quốc tăng lên cao hơn vụ lúa trước khoảng gần 900.000 đồng/bao, các loại khác cũng có mức tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/bao. Anh nói: "Đang lúc lúa vụ hè - thu cần phân, mà giá tăng cao đột ngột như vậy thật là khó khăn".
Anh Nhâm đang làm 7.000m2 đất ruộng, nhẩm tính phải cần tới 4 bao phân, trong đó 1 bao DAP, một bao Urê, một bao NPK 20-20-15 và một bao kali. Vào thời điểm này, bao nhiêu phân đó thêm với một số thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật cũng gần hết 3 triệu đồng. Cùng lượng đó, vào vụ đông - xuân vừa qua, anh chỉ cần mua khoảng 1,5 triệu đồng…
Giá vật tư nông nghiệp và phân bón tăng, tuy nhiên thu hoạch lại thấp đi. Vụ hè - thu bình quân chỉ thu hoạch khoảng 4-5 tấn/ha, trong khi lúa đông - xuân có thể lên 6-7 tấn/ ha.
Tại Mỹ Tú, Sóc Trăng, do ảnh hưởng việc ruộng đồng bị khô hạn, thiếu nước, phần lớn nông dân đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 mới xuống giống. Vì vậy lúa đang hết sức cần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vậy mà vật tư nông nghiệp, phân bón đang nóng bỏng giá làm cho nhiều nông dân đang lo ngại.
Giá tăng, đại lý không muốn bán trả chậm
Ông Nguyễn Văn Năm, một nông dân làm 20 công ruộng ở xã Mỹ Hương, Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng than thở: “Lúa sạ mới hơn 20 ngày thôi, năm nay tôi cũng tưởng như các năm trước, tới mùa ra đại lý mua trả chậm. Thế nhưng, giá phân tăng vọt bất ngờ, đại lý phân bón quen biết xưa nay mà năm nay cũng không chịu bán trả chậm. Vậy mới khó..."
Hiện nay mua phân đủ cho 20 công ruộng cũng phải mất từ 8-9 triệu đồng. Nếu bán chịu, thì các chủ phân bón cơi giá cao hơn giá hiện nay từ 50 tới 100 ngàn đồng bao, tùy loại. Giá hiện tại đã đắt đỏ, cơi nữa thì lên cao lắm. Thế nhưng nhiều người không có tiền mặt mua phải bấm bụng chịu. Không có phân, nguy cơ lúa chết lớn hơn.
Lúa hè thu ở Mỹ Tú chỉ mới gieo sạ
Theo anh Nguyễn Minh Chiến, đại lý phân bón ở Mỹ Tú - Sóc Trăng: "Bán trả chậm dễ bị lỗ vốn lắm". Trước đây 6 tháng, anh bán phân bón cho nông dân có đến 80% là hàng trả chậm. Mua xong mùa thu hoạch lúa ra trả tiền. Nay thì số lượng phân bán trả chậm chỉ còn khoảng 20%, còn lại 80% kia là bán tiền mặt. Phải bán như vậy vì giá phân tăng liên tục.
Người mua hỏi: tại sao Nhà nước không điều tiết giá?
Ông Nguyễn Văn Nẫm, chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Tam Bình- Vĩnh long cho rằng: “Nhà nước phải có biện pháp nhập khẩu, điều tiết vĩ mô để thị trường phân bón bình ổn. Nếu không, rất khó khăn cho nông nghiệp và bà con nông thôn”.
Trong khi đó, ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Khi nông dân đang vào vụ lúa hè - thu, phân bón tăng cao bất thường là điều hết sức đáng ngại. Tại Đồng Tháp, trong 195.000 ha gieo sạ vụ hè - thu , hơn 80% diện tích đang cần phân bón. Trước tình hình này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã lập đoàn kiểm tra về số lượng phân bón tại các đại lý trên địa bàn, giá mua, giá bán. Tỉnh sẽ nghiêm cấm, xử phạt việc nâng giá phân bón, đầu cơ lũng đoạn thị trường.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có biện pháp nhập phân bón kịp thời, bình ổn và giảm giá phân bón để phục vụ nông dân sản xuất vụ hè - thu đạt kết quả cao, trong điều kiện cả thế giới khủng hoảng lương thực.
Tiến sĩ Phạm Văn Kim, giảng viên Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Các nhà nhập khẩu phân bón hiện nay phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước nên Nhà nước có thể điều tiết thị trường được. Chính phủ cần sớm có biện pháp mạnh để bình ổn giá phân bón, nếu không, người nông dân không được hưởng lợi mà còn bị bão giá đè oằn vai trong cuộc sống".
Nhà cung cấp cho biết: giá có thể còn tăng nữa
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho biết giá phân bón máy ngày qua đột ngột gia tăng là do Trung Quốc đã đánh thuế nguyên liệu xuất khẩu làm phân bón lên 135%. Quyết định này đã tác động lên toàn thị trường phân bón thế giới, vì nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc chiếm ¼ lượng xuất khẩu toàn thế giới.
Trong tháng 3/2008 tại Công ty phân bón Miền Nam và Công ty phân bón Bình Điền, giá nhập khẩu các loại nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất phân NPK gồm DAP 1150 USD/tấn; MAP 1000 USD/tấn; urê tùy loại 430 - 450 USD/tấn; SA 330-310 USD/tấn; MOP (kali) tùy loại 530-600 USD/tấn; lưu huỳnh 680-690 USD/tấn. Tuy nhiên vào giữa tháng 4/2008 giá các nguyên liệu trên đã tăng trung bình 10-15%. Riêng DAP tăng 20-30% lên đến 1400-1500 USD/tấn. Sunphur là nguyên liệu dùng để sản xuất DAP hiện đang rất hiếm nên giá tăng quá cao. Dự báo vì vậy trong những ngày tới giá DAP có khả năng lên tới 1,5 triệu đồng/bao.
Các nhà máy sản xuất phân lân cũng đang đối mặt với tình trạng tăng giá. Giá nguyên liệu lưu huỳnh đã lên đến 700 USD/tấn, tức là tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2007.
Theo tính toán của công ty phân bón Bình Điền, vào giữa tháng 4 khi giá nhập nguyên liệu còn thấp, chi phí để sản xuất 1 tấn phân NPK 16-16-8 hết 12 triệu đồng, và nay có thể đã lên đến 13 - 14 triệu. Nếu với giá bán như trước đây nhà sản xuất bị lỗ 1 - 2 triệu đồng/tấn. Vì vậy nhà sản xuất buộc phải tăng giá bán.
Dự báo trước tình hình giá phân bón sẽ tăng cao, công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), ngoài sản lượng urê sản xuất 197.825 tấn, đã ký hợp đồng nhập 106.000 thêm tấn để góp phần làm dịu cơn sốt giá.
Tuy vậy, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Theo PVFCCo, tổng cầu cho đến hết vụ hè - thu trong cả nước khoảng 660.000 tấn phân bón, trong khi đó lượng cung chỉ mới khoảng 500.000 tấn.
Nên dùng lân thay cho DAP |
Theo TS. Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, năm nay ĐBSCL vào hè thu với diện tích gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha. Viện lúa đã khuyến cáo bà con nông dân với giá phân bón tăng cao như hiện nay, không nên tiếp tục tập quán sử dụng loại phân hỗn hợp DAP (đạm, lân, kali) có giá nhập khẩu quá cao. Thay vào đó nên dùng urê và các loại phân lân đơn nội địa như phân lân nung chảy, phân lân Văn Điển… Tuy nhiên, TS Bảnh cũng cho biết, các loại lân nung chảy rất hiếm trên thị trường miền Nam, nhất là khu vực ĐBSCL. |
-
Vĩnh Kim - Đặng Vỹ - Kim ToànÝ kiến của bạn đọc: