- Sáng 27/4, giá gạo tại TP.HCM đã tăng trung bình từ 3.000-4.000đ/kg. Nhiều đại lý báo hết gạo, nhiều cửa hàng chật kín người mua, một số người không mua nổi gạo.
>>> Toàn cảnh cơn "sốt ảo" giá gạo
Giá gạo tăng chóng mặt
Theo một tiểu thương bán gạo ở số 115 Đề Thám, khu vực chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1), từ đầu giờ sáng đến trưa 27/4, các đại lý bán gạo 3-4 lần báo tăng giá gạo. Chiều 26/4, cũng có đến 3-4 lần đại lý báo tăng giá. Chị vừa bán vừa thắc thỏm lo giá tiếp tục tăng, phải đuổi theo giá.
"Với giá gạo tăng như hiện nay cầm chắc phải chịu lỗ, nhưng khách quen hỏi mua thì cứ bán" - chị cho biết.
Hiện tại, giá loại gạo phổ biến đã lên tới 18.000đ/kg. Có loại gạo đã lên tới 22.000đ/kg
Xếp hàng mua gạo tại số 25 Nguyễn Thái Học (quận 1) vào sáng 27/4. (Ảnh: P.Cường)
Chị cho biết, có người tung tin đồn nhiều xưởng chế biến gạo ở miền Tây đã ngừng hoạt động(!).
Tại cửa hàng gạo số 25 đường Nguyễn Thái Học (quận 1), từ 9 giờ sáng, người dân đã chen chúc mua gạo. Một người dân cho biết: Phải tranh thủ mua để tích trữ kẻo trong thời gian tới có thể giá gạo tiếp tục tăng.
Cũng tại khu vực này, có một số người dân đi mua hàng bao gạo, chất lên xe, chở về.
Tại siêu thị Maximmart nằm trên đường 3/2, quận 10, sáng 27/4, gạo đã được người dân mua hết, không còn lấy một túi. Theo một nhân viên, siêu thị đã không tăng giá bán trong ngày 26/4 và được bổ sung nguồn hàng kịp thời khi cần thiết, nhưng đến hết ngày 26/4 thì nguồn hàng dự trữ được mua hết sạch.
Lượng gạo bán ra trong ngày 26/4 tại siêu thị tăng gấp 8-10 lần so với ngày thường và hầu hết khách hàng đều mua 5-10 bao loại 5-10kg/lần.
Nhưng tại cửa hàng gạo số 33 Nguyễn Thái Học, một số người dân thấy giá gạo cao đã ngần ngại không mua.
Mua mì tôm thay gạo
Đứng tần ngần trước cổng chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), tay cầm nửa bắp cải và mấy cọng hành, chị Tuyền (bán vé số) nghẹn ngào: “Tôi tính vào mua mấy kí gạo về nấu cơm cho bọn trẻ mà giá đắt quá, tiền công bán vé số cả ngày không đủ mua 2 kí gạo. Bình thường tôi vẫn mua loại gạo rẻ chỉ khoảng 7.000/kg, giờ lên gấp đôi. Đành mua tạm mấy gói mì với bắp cải cho bọn trẻ lót dạ, đợi khi nào gạo giảm mới dám mua”.
Đại lý gạo đóng cửa. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Chiều 27/7, tại Chợ Hoà Hưng (quận 10), người dân xếp hàng đợi đến lượt mua gạo ngày một đông. Hầu hết người dân đều không biết lí do tại sao giá gạo lại đột nhiên tăng cao như vậy. Nhiều chủ cửa hàng gạo phải huy động thêm người nhà ra bán phụ nhưng vẫn đáp ứng kịp lượng người mua.
Không khí mua bán gạo "nóng" lên từng giờ. Nhiều người dân không giấu được vẻ hoang mang.
Chị Huyền chủ cửa hàng gạo số 181/185 chợ Hoà Hưng cho hay, từ sáng đến trưa bán được hơn 300kg gạo, trong khi bình thường chỉ bán được 50-70kg. "Chúng tôi không còn gạo để bán, gọi điện thoại tới "mối" yêu cầu cung cấp thêm thì không thấy trả lời, thậm chí thấy số điện thoại chúng tôi, họ tắt máy luôn. Chắc ngày mai phải nghỉ bán".
Tại ki-ốt gạo của chị Mười (chợ Hoà Hưng), mặc dù đã hết gạo, nhưng số người đến “đặt cọc” vẫn không giảm. Người dân tranh nhau gửi tiền trước với hy vọng ngày mai sẽ mua được gạo với giá rẻ hơn, mặc dù chị Mười luôn miệng “cảnh báo” rằng mình chỉ nhận tiền còn gạo ngày mai tăng hay giảm thì… tính sau.
Một số chủ đại lý gạo ở Bến Chương Dương, như chủ đại lý số 257/1, khẳng định hôm nay đã hết gạo, nguồn cung cấp gạo đã tạm ngừng, muốn mua phải chờ đến ngày mai.
Vựa gạo nghỉ bán chờ giá tăng
Mới 13 giờ chiều nhưng vựa gạo Tố Nga trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) đã nghỉ bán. Theo những người dân xung quanh, do người mua đông quá nên chủ vựa đóng cửa, đợi giá gạo tăng lên cao hơn nữa mới bán.
Giá gạo đã trở thành nỗi ám ảnh. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Trên đường Tô Hiến Thành, không khí mua bán gạo tại vựa gạo Tân Phong vui… như tết. Các loại gạo đều không có tên và giá dao động từ 19.000-25.000đ/kg.
Các ki-ốt gạo tại chợ Bà Chiểu cũng đông vui không kém. Giải thích về việc không ghi giá tiền từng loại gạo, các chủ ki-ốt cho biết, giá gạo tăng lên từng giờ nên không ghi giá kịp.
“Bình thường mỗi lần tôi đi chợ chỉ mua khoảng 5-10 kg gạo về ăn, hết lại mua tiếp. Thế nhưng hôm nay tôi phải bảo con trai đi cùng để chở gạo về. Thấy gạo tăng cao quá tôi quyết định mua 50-70kg về ăn dần, biết đâu mai giá gạo còn tăng cao hơn".
Chị Nguyễn Hồng Loan, chủ một cơ sở nấu cơm cho trường học tại quận 7, thổ lộ: Giá gạo tăng cùng với giá thực phẩm liên tục tăng trong thời gian qua khiến cho việc kinh doanh rất khó khăn. Theo hợp đồng đã ký với các trường học, giá cơm đã cố định, muốn tăng giá cơm để bù vào giá thực phẩm phải chờ một thời gian xem xét, thỏa thuận nữa.
Và từ nay đến thời điểm đó, cơ sở cơm của chị sẽ phải chịu lỗ hoặc hòa vốn.
Chị Loan tiết lộ, trong ngày hôm nay sẽ mua gom gạo vì nhiều đại lý cho biết nguồn cung cấp gạo đang cạn dần, tại một số đại lý, người dân phải xếp hàng mua gạo.
"Điều tôi không hiểu là nước ta vẫn có gạo để xuất khẩu mà giá gạo tăng vùn vụt, khan hiếm như thế. Hay có một số đại lý lớn chủ động ém hàng để tăng giá, thu lợi" - chị Loan thắc mắc.
Doanh nghiệp chủ động giữ gạo? Theo cộng tác viên của VietNamNet, khu vực lân cận TP.HCM, giá gạo cũng tăng chóng mặt trong 3 ngày gần đây. Tại chợ Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tăng cao nhất là loại gạo thơm Đài Loan giá từ 20.000-23.000đ/kg, loại rẻ nhất cũng đã lên 13.000-15.000đ/kg. Thậm chí có ngày giá gạo thay đổi 4-5 lần theo chiều hướng tăng. Cao điểm vào ngày 26/4, doanh thu mỗi sạp bán gạo tăng từ 15-20 lần so với ngày thường. Theo chị Thúy Chung, chủ một cửa hàng bán gạo tại khu vực này, giá gạo tăng cao là do mấy ngày nay, nguồn gạo từ các nhà máy xay xát và vựa gạo lớn rất hạn chế. Vì có tin giá gạo xuất khẩu tăng cao nên các doanh nghiệp dự trữ gạo để xuất khẩu.
-
Phạm Cường - Mai Linh - Nguyễn Dũng