221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1058415
Bão giá lương thực - Nông dân được hưởng lợi gì?
1
Article
null
Bão giá lương thực - Nông dân được hưởng lợi gì?
,

 - Lương thực thế giới đột ngột khan hiếm khiến nhiều quốc gia nhập khẩu gạo đang lao đao chống chọi với nguy cơ thiếu lương thực và giá gạo cao ngất ngưởng. Từ mức giá hơn 300 USD/tấn gạo, đến nay giá gạo đã lên tới hơn 700 USD/tấn và dự báo có khả năng sẽ lên đến ngưỡng 1.000 USD/tấn. Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, vậy người nông dân sẽ được hưởng lợi gì từ cơn bão giá này?

Nông dân hết lúa hàng hoá

Trong những ngày cuối tháng 4/2008, đi ngang qua cánh đồng xã Mỹ Lộc - Tam Bình - Vĩnh Long, lúa hè thu xanh ngắt và đang chuẩn bị làm đồng. Ông Nguyễn Văn Năm, một nông dân có hơn 10 công ruộng (1 công ruộng bằng 1.000m2) trên cánh đồng lúa Mỹ Lộc cho biết: “Không quá hai tháng nữa là đến vụ thu hoạch lúa hè thu, vụ lúa tới sẽ không trúng bằng vụ đông xuân. Nếu vụ đông xuân làm được 30- 35 giạ lúa/công, tức là 6 đến 7 tấn/ công, thì vụ hè thu cao lắm cũng chỉ đạt 5 đến 6 tấn". 

Mô tả ảnh.
"10 người thì có đến 8 người rồi mùa đã bán hết lúa tại ruộng. Lúa lên giá nhưng nông dân đâu còn lúa mà bán"
Theo ông Năm, vụ hè thu đầu tư nặng hơn vụ đông xuân do nắng hạn phải bơm nước giữ cho lúa phát triển liên tục. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng nặng hơn. Ông cũng cho biết, lúc này là lúc lúa đang cần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, vậy mà mấy ngày cuối tháng tư này, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng vọt. Lúa thì cần các loại phân chính yếu như: DAP; Urê, lân, Kali…DAP hiện nay lên đến 1,2 triệu đồng/ bao(loại 50kg); phân Urê Trung Quốc cũng lên đến 460.000 đồng/bao; Urê Phú Mỹ lên đến 440.000 đồng/ bao…Thuốc bảo vệ thực vật loại nào cũng lên, có loại lên đến gấp hai lần cách nay 5-6 tháng, giá cả tăng đến chóng mặt. 

Khi được hỏi giá lúa tăng cao, hiện nay ông còn giữ bao nhiêu lúa để có thể bán giá cao hơn theo biến động của thị trường gạo thế giới, ông Năm nói: “Làm rồi bán hết đâu còn dự trữ, bán để trả nợ vay ngân hàng, nợ thuốc trừ sâu phân bón mua trả chậm… Nhà tôi chỉ còn giữa lại vài chục giạ (một giạ bằng 20kg - NV) lúa đủ ăn giáp hạt. Ở đây 10 người thì có đến 8 người rồi mùa đã bán hết lúa tại ruộng. Lúa lên giá nhưng nông dân đâu còn lúa mà bán”. 

Chị Nguyễn Thị Kiều, nông dân làm 12 công ruộng ở ấp Thạnh Trí, xã Hoà Hiệp- Tam Bình- Vĩnh Long tiếc hùi hụi khi thấy lúa lên 100 ngàn đồng giạ vì nhà chị đã bán hết lúa từ tháng trước rồi: “Anh biết không, lúc đó làm lúa xong được khoảng 350 giạ, thấy giá lên đến 80 ngàn/giạ mừng quá, bán trả nợ vay ngân hàng, nợ phân bón, kể ra cũng lời khoảng 1,5 triệu đồng/công. Hồi xưa tới nay đâu có lời nhiều vậy, ai mà không mừng”. Chị Kiều tặc lưỡi: “Nếu để tới bây giờ hơn 300 giạ lúa hàng hoá đó lời thêm 6-7 triệu đồng. Bán lúa sớm bị thiệt về giá, hiện nay giá cả hàng hoá cái gì cũng lên làm cho người làm ruộng hơi mệt lo”. 

Quả đúng là, với tình thế của người nông dân trong cơn bão giá lúa gạo hiện nay, bà con nông dân “mới vui hôm trước lại lo hôm sau”. Theo chị Nguyễn Thị Kiều, từ giá xăng dầu, chi phí cày xới, chi phí công mướn cắt lúa đều tăng gần gấp 2 lần so với cách đây một năm. Hàng tiêu dùng mỗi ngày cũng tăng giá vùng vụt, nhất là nhu yếu phẩm như thịt heo, thịt bò, cá, đường đậu, dầu ăn, bột ngọt. Tất cả đang là nỗi lo của nông dân.

Mô tả ảnh.
Giá như chủ động về vốn, người dân đã không phải bán lúa sớm để nhận phần thiệt thòi về mình...
Chưa kể, phần lớn nông dân hiện nay đều phải vay vốn ngân hàng để sản xuất, chính vì vậy họ phải cầm sổ đỏ vào ngân hàng. Ngân hàng mà nông dân gõ cửa để vay vốn là ngân hàng nông nghiệp. Trước đây nông dân vay vốn với lãi suất khoảng 1%/ tháng, thì nay ngân hàng đã nâng lãi suất cao hơn nhiều.

Anh Lưu Hoàng Sơn, Phó Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp Huyện Tam Bình cho biết: "Phần lớn chúng tôi cho vay theo mô hình tổng hợp, thời gian có thể là 4 tháng, 6 tháng, 1 năm… Mức vay cho 1 công đất là 1 triệu đồng. Lãi suất dao động từ 1,35 đến 1,5%/ tháng. Hễ nông dân thu hoạch vụ mùa xong thì trả tiền vay rồi lại làm đơn vay tiếp…".

Qui trình như vậy của ngân hàng khiến người nông dân không ai dám neo lúa chờ giá, vì vậy, khi giá lúa tăng vọt như hiện nay, thì hầu hết nông dân không còn lúa hàng hoá để bán. Lúa có tăng giá, nhìn bề ngoài tưởng nông dân hưởng lợi nhưng đi vào thực chất giá lúa tăng, mối lợi mà người nông dân được hưởng là không đáng kể, trong khi đó, lợi nhuận từ giá lúa lại rơi vào tay những người khác giới nông dân.

Giá gạo vẫn lên từng ngày

Theo dõi giá lúa gạo từ cuối năm 2007 đến nay quả là có nhiều biến động. Tổ chức Lương nông quốc tế FAO cho biết, năm 2007, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trung bình là 334 USD/tấn, trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam xuất khẩu đạt giá từ 610 - 700 USD/tấn, gấp hai lần giá gạo năm 2007. Giá gạo thời điểm hiện nay cao nhất kể từ năm 1974. 

Đây cũng là cơ hội và thách thách thức đối với nước ta, vì ngoài việc xuất khẩu theo kế hoạch để phát triển kinh tế, chúng ta phải đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 80 triệu dân trong nước. Hiện nay, xung quanh việc giới hạn gạo xuất khẩu có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên, nếu đẩy mạnh xuất khẩu lúc này, chúng ta sẽ có khoản ngoại tệ lớn gấp hai, thậm chí hơn nữa từ tiền xuất khẩu gạo. Số tiền này không phải chảy vào túi nông dân mà chảy vào túi doanh nghiệp xuất khẩu gạo và không loại trừ cả những đầu nậu lúa gạo đang găm hàng, đợi giá cao mới bán. 

Mô tả ảnh.
Giá gạo vẫn tăng từng ngày.
Theo một cán bộ lãnh đạo trong Công ty xuất khẩu gạo MêKông Cần Thơ, hiện nay chúng ta phải hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu số lượng đăng ký cho phép vẫn tiếp tục mua gạo xuất khẩu. Do ảnh hưởng của giá gạo thế giới quá cao, gạo trong nước trong các ngày qua tăng nhanh. 

Theo ông Nguyễn Văn Nhường, chủ nhiệm HTX Thanh phong ở phường Lê Bình, quận Cái Răng- Cần Thơ: “Hiện nay doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa, tuy nhiên, lúa hàng hoá trong dân gần như đã cạn nguồn. Về lúa, loại lúa dài xuất khẩu giá đã tăng lên 5.200 – 5.400đồng/kg, gạo 25% tấm giá bán cách nay 3 ngày 7.300, loại 10% tấm giá 7.900 đồng/kg, cao hơn trước đây một tháng khoảng 1.000-1.500 đồng”. 

Trong khi đó, các cơ sở cung ứng gạo phục vụ người tiêu dùng nội địa giá tăng rất nhanh. Anh Ba Tự - Cơ sở xay xát Tân Phát - Tân Phú Thạnh Châu Thành A- Hậu Giang cho biết: Hiện nay giá lúa đang tăng rất mạnh từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Các loại gạo mà người bình dân, dân lao động đô thị hay dùng là gạo tăng giá nhanh và hút hàng. Loại gạo Hàm Châu trước đây 7.000 đồng/kg, nay đã lên 10.000 đồng/kg. gạo thơm Mỹ trước đây 8.000 đồng/kg, nay tăng lên 9.500 đồng/kg. Tại đây các nhà máy thu mua lúa dài xay xuất khẩu giá tới 5.600-5.700 đồng/kg, cao hơn trước đây 1 tháng khoảng 1.300 đồng. 

Một đại lý gạo tại Phường Tân An, quận Ninh Kiều - Cần Thơ cho biết: “Hiện nay giá gạo lên từng ngày, có ngày lên 300 đồng/kg, 500 đồng/kg, tăng liên tục. Thấp nhất hiện nay là 8.000 đồng/kg, cao nhất là 12.500 đồng/kg. Gạo đầu vào tăng thì đầu ra tăng theo, vì vậy thị trường gạo tiêu thụ nội địa cũng nóng theo giá gạo thế giới.

Lợi lớn rơi vào túi người có tiền

Hiện nay lúa hàng hoá phần lớn nằm ở các kho chành, vựa của những đại gia lúa gạo. Không loại trừ những giới có tiền, nắm bắt thông tin giá lúa gạo khan hiếm mua dự trữ chờ giá cao bán ra thu loại. Chỉ tính từ đầu tháng 3/2008 đến nay, thời gian chưa quá 2 tháng, giá lúa tăng cao từ 4.300 đồng lên 5.700 đồng, chênh lệch 1.300 đồng/kg, mới thấy giới kinh doanh và đầu cơ lúa gạo năm nay hưởng lợi như thế nào. 

Theo anh Ba Tự, chủ nhà máy Tân Phát, nếu dự trữ 100 tấn lúa cách nay 2 tháng, đến lúc này sẽ có lời hơn 100 triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều vựa lúa đang găm hàng chờ giá, lúa chất đầy kho, đầy nhà máy nhưng để đó, không bán cũng không xay xát, không bán ra thị trường. 

Mô tả ảnh.
Chưa quá 2 tháng, giá lúa tăng cao từ 4.300 đồng lên 5.700 đồng, chênh lệch 1.300 đồng/kg.
Một chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở lộ Vòng Cung - Cần Thơ cho biết: “Lúa các chành, các vựa còn nhiều, tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nắm chắc trong tay là găm hàng có lời hơn bán ra, vì giá cao thế giới vẫn còn đang tăng theo kiểu phi mã nên họ chấp nhận năm im chờ giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá gạo tiêu dùng nội tăng nhanh vì khan hàng”. 

Trao đổi vấn đề trên với một cán bộ lãnh đạo Công ty MêKông- Cần Thơ, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo, ông này cho rằng: Thực tế, nhiều doanh nghiệp găm hàng chờ giá, tuy nhiên, luật pháp không cấm thì họ thấy có lợi họ làm là điều dễ hiểu. 

Theo giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, hiện nay nông dân sắp thu hoạch vụ hè Thu, vì vậy lúa hàng hoá phần lớn đã bán hết, giá lúa gạo có tăng lên nhưng phần hưởng lợi thì phần lớn đã lọt khỏi tay nông dân. Nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong cơ hội này thì sẽ thu về cho đất nước một khoản ngoại tệ gấp đôi so với số lượng gạo xuất khẩu tương đương vào năm 2007. 

Còn giới kinh doanh chế biến gạo xuất khẩu cho rằng: chưa bao giờ lúa gạo lại biến động trên qui mô lớn như năm nay, ngoài cơ hội cho các doanh nghiệp và nông dân, không ít người lệ thuộc vào gạo chợ nước ta và và giới kinh doanh xuất khẩu lúa gạo gặp lao đao do bão giá do hạn chế tiền mặt, do ký hợp đồng thấp hơn giá mua xuất khẩu…

Xưa nay chủ yếu chỉ có dầu hoả, vàng, đô la biến động. Năm nay lúa gạo cũng làm cho cả thế giới phải giật mình...

  • Bài, ảnh: Vĩnh Kim

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;