- Tăng cường chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhằm hạn chế sự phá sản đồng loạt là một trong những kiến nghị được các DN đưa ra với Chính Phủ, song ông Vũ Viết Ngoạn - Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng: “Khi cần thiết, phải chấp nhận “nỗi đau” phá sản đối với DN hoạt động không hiệu quả, tránh lãng phí cho Nhà nước”.
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc cũng như các giải pháp, kiến nghị đã được các DN, hiệp hội DN nêu lên trong cuộc trao đổi các giải pháp kiềm chế lạm phát do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức chiều 14/4.
Chính phủ phải “không ngại” can thiệp
Tất cả giá nguyên phụ liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng, trả lương cho công nhân đều có xu hướng tăng nhanh trong khi giá sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thế giới đã không tăng mà nhiều khi phải giảm, theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN, thị trường đang có chiều hướng tăng giá bất hợp lý.
“Đồng ý chỉ có giá năng lượng và nhiên liệu tăng, giá thành sản phẩm tăng ở mức độ nào đó chứ không thể chấp nhận được mức tăng trên 100% của nhiều mặt hàng hiện nay”, ông Ân chia sẻ và nhấn mạnh: “Để chống việc ai cũng tăng giá cơ hội, Chính phủ cần không “ngại” can thiệp trực tiếp bằng các chỉ thị hành chính nhằm chữa trị căn bệnh của nền kinh tế, làm giảm nhiệt giá cả thị trường”.
Trong cơ chế thị trường, chỉ đạo về mặt hành chính kiềm chế tăng giá là không mong muốn nhưng nếu cứ để nhiều DN tranh thủ tăng giá một cách “vô tận”, “không có quy luật” như hiện nay, theo ông Nguyễn Chí Cường, đại diện Hiệp hội Thép VN, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Ông Cường minh chứng, trong 3 tháng của quý I, giá thép đã tăng gấp đôi so với mức giá trung bình của năm 2007 trong khi giá đầu vào trên thế giới mới tăng 65%.
Nhiều yếu tố “té nước theo mưa” của các công ty thương mại đã đẩy giá lên. Cụ thể như giá xuất xưởng từ nhà máy đến giá thị trường (có thể trong cùng một địa bàn) có lúc chênh nhau tới 2 triệu đồng/tấn thép. Xu hướng tăng “nóng” của thị trường luôn hứa hẹn “mua nhiều, lãi cao” và như vậy tạo thành cái vòng của sự đầu cơ, tăng giá ở các khâu trung gian.
Còn đại diện Hiệp hội Vật liệu xây dựng VN, ông Trần Văn Huynh góp ý, kiểm soát, ổn định giá cả ở đây, quan trọng nhất là chống độc quyền. Bên cạnh đó, cần sớm có luật chống đầu cơ tích trữ để đảm bảo giá cả ổn định.
Tăng năng lực sản xuất, vận động “dùng hàng nội địa”
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT - Tổng GĐ Công ty CP Traphaco - (Ảnh: N.N)
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT - Tổng GĐ Công ty CP Traphaco, đại diện ngành dược cho rằng, không được sự trợ giá của Nhà nước, người tiêu dùng có tâm lý “sính ngoại”, trong khi phụ thuộc 100% nguyên liệu của nước ngoài mà hầu hết giá thuốc nội địa hiện đều rẻ hơn thuốc cùng loại nhập ngoại..., việc kiềm chế tăng giá trong tình hình lạm phát hiện nay khiến “ngành dược còn khổ hơn cả nông dân”!
Để “cầm cự” được đến hết tháng 6, cắt giảm, tiết kiệm tiêu dùng, dịch vụ là những biện pháp được tính đến, nhưng về lâu dài, theo bà Thuận là phải phát triển sản xuất, tăng năng suất, giảm giá thành.
Trong đó, Nhà nước cần có hướng nghiên cứu, quản lý các loại thuốc nhập khẩu, giá cao, tạo một nguồn thu cho ngân sách; còn các loại thuốc thông thường, phổ biến sản xuất trong nước nên tạo điều kiện phát triển và hướng dẫn tiêu dùng cho người dân.
Tương tự, ông Chí Cường - đại diện Hiệp hội Thép nhận định, nếu còn mua phôi thép của Trung Quốc, giá thép trong nước rất khó giảm, chính vì vậy, để có thể giảm hoặc giữ nguyên giá, ngay năm nay các DN trong nước dự kiến sản xuất hết công suất phôi thép, tăng trên 50% sản lượng. Các năm tiếp theo sẽ có kế hoạch tăng sản xuất lên 70, 80%.
DN yếu kém: “Phải chấp nhận nỗi đau phá sản!”
Cuộc trao đổi các giải pháp kiềm chế lạm phát do VCCI tổ chức - (Ảnh: N.N)
Lạm phát tăng cao hiện nay theo ông Vũ Viết Ngoạn - Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho thấy năng lực cạnh tranh của DN VN còn nhiều yếu kém cũng như sự lúng túng trong công tác quản lý chính sách vĩ mô của Nhà nước thời gian qua.
Đánh giá về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năm 2006, VN được xếp thứ 116/125 nước, đứng sau cả Indonesia, Philippin, Campuchia. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của VN hiện chiếm đến 50% là xuất khẩu thô, 50% còn lại là xuất khẩu hàng công nghệ, giá trị thấp, do đó nhu cầu tiêu thụ của thế giới giảm thì mức độ ảnh hưởng đến VN cũng rất lớn.
“Đây cũng là cơ hội tốt để DN nhìn nhận lại chính năng lực, lựa chọn một quy luật phát triển. Khi cần thiết, phải chấp nhận “nỗi đau” phá sản đối với DN hoạt động không hiệu quả, tránh lãng phí cho Nhà nước” - vị đại diện Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, khẳng định.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại VN cũng đồng tình, lạm phát là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng quan trọng là sự thiếu tính cạnh tranh của các ngành kinh tế, các DN VN.
Do đó, “Chính phủ cần phải quan tâm và có chính sách chỉnh đốn các DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, hạn chế trợ cấp cho các đối tượng này, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá, phát triển nền kinh tế” - ông Alain Cany, khuyến nghị.
-
Nguyễn Nga