221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1053195
Các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay
1
Article
null
Các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay
,

 - Nếu như vào tháng 2 vừa rồi các ngân hàng tích cực tăng lãi suất huy động và không đặt nặng nhu cầu cho vay vì đang cần tiền, thì nay đã bắt đầu có cuộc cạnh tranh mới về việc cho vay. Các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Đông Á cũng đã giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Đặng Vỹ

Ngân hàng Eximbank tại TP.HCM hôm nay cho biết, lãi suất của ngân hàng này đã được giảm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, mức giảm từ 0,05% đến 0,2%/tháng tùy vào nội dung vay.

Cùng với Eximbank, một số ngân hàng khác tại TP.HCM cũng đã bắt đầu thực hiện giảm lãi suất cho vay như 
ACB, ABBank, Đông Á, Sacombank, SeAbank, BIDV… 

So với mặt bằng chung mà trước đây các ngân hàng cho vay ngắn hạn đến 1,8%/tháng, mức hạ lần này cũng tương đối mạnh để khách hàng có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn. Mức lãi suất khá thấp có thể kể đến BIDV với khoản vay ngắn hạn và trung hạn bằng nhau là 1,36%/tháng. Kế đến là ABBank, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn dao động trong khoảng 1,35% đến 1,5%/tháng.

Cũng đã có giảm nhưng cao hơn một chút là ACB, SeABank. ACB cho vay trung hạn tùy loại nhưng bình quân khoảng 1,5%; lãi vay trung hạn năm đầu tiên là 1,55%, năm tiếp theo điều chỉnh bằng lãi suất huy động cộng với 0,57%. Ở khoản vay dài hạn của ACB, năm đầu tiên sẽ là 1,65%/tháng, năm sau bằng lãi suất huy động cộng với 0,63%, sẽ điều chỉnh bất cứ lúc nào khi lãi suất huy động thay đổi. SeABank, với lãi suất cho vay ngắn hạn là 1,2% cộng với phí thu xếp vốn 2,5% (chỉ thu một lần duy nhất); lãi suất trung và dài hạn 1,27% cộng với phí thu xếp vốn 4,5%. 

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), nhận định việc hạ lãi suất tín dụng cho thấy hoạt động của ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu bình ổn hơn so với thời gian trước đây. Trong tháng 2 vừa rồi, các ngân hàng phải ráo riết hút vốn để thực hiện nghĩa vụ mua tín phiếu và tăng dự trữ bắt buộc, rất cần tiền, nên chưa chú trọng nhiều đến việc cho vay.

Theo ông Phạm Văn Thiệt, một lãnh đạo của ngân hàng Eximbank, việc các ngân hàng cạnh tranh hạ lãi suất sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn được lợi khi vay lãi suất thấp. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được duy trì. Điều này sẽ xóa đi lo ngại doanh nghiệp thiếu vốn phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất.

Tuy nhiên cũng theo các ngân hàng, mặc dù giảm lãi suất nhưng vì mới áp dụng nên ngân hàng cũng chưa đánh giá hết. Ông Lưu Đức Khánh cho biết, lượng khách hàng đến vay vẫn bình thường, chưa tăng đột biến.

Lý giải điều này, ông Phạm Văn Thiệt cho rằng vì nhu cầu vay vốn là thường xuyên, nên việc hạ lãi suất chỉ mang tính cạnh tranh giữa các ngân hàng chứ không thể tăng đột biến.

Hiện tại ở TP.HCM, vẫn còn một số ngân hàng chưa hạ lãi suất, với mức duy trì vẫn là 1,7% đến 1,8%/tháng.

Trong khi đó, tại Hà Nội, hôm nay (10/4), Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) cho biết đã tính toán và xây dựng một bảng lãi suất cho vay mới theo hướng giảm mạnh so với mặt bằng hiện nay.
Theo đó, từ 15/4 tới BIDV sẽ thực hiện giảm đồng loạt lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn so với mặt bằng hiện nay khoảng từ 1,8 - 2,5%/năm. Cụ thể, trần lãi suất dự kiến cho vay đối với sản xuất là 15,25%/năm, trung và dài hạn là 15,75%/năm. Riêng đối với DN xuất khẩu, mức vài ngắn hạn được ưu đãi còn 14,75%/năm. Đối với USD mức cho vay là 8,5%/năm. 

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, việc giảm lãi suất cho vay là để hỗ trợ và chia sẽ khó khăn với chính khách hành của mình và hoàn toàn không tham vọng sau động thái cắt giảm này lãi suất trên thị trường sẽ cắt giảm theo. Bởi vì, việc cắt giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào các yếu tố lãi suất đầu vào, dự trữ bắt buộc, lợi nhuận kỳ vọng... của từng ngân hàng.

Liên quan đến việc hỗ trợ vốn cho các DN, nhất là các doanh nghiệp khu vực sản xuất trực tiếp hàng nhu yếu phẩm và xuất khẩu. BIDV cho biết sẽ khuyến khích cho vay xuất khẩu thông qua việc ưu tiên giới hạn tín dụng cho các chi nhánh với tỷ trọng cho vay xuất khẩu cao, tăng tín dụng cho DN xuất khẩu tốt, có thị trường ổn định. Đáp ứng tối đa nhu cầu mang tính thời vụ ngắn hạn và ưu đãi lãi suất đối với nhóm khách hàng xuất khẩu.

Việc cho vay nhập khẩu sẽ được ưu tiên theo các nhóm hàng. Trong đó, tập trung cho vay nhập khẩu các nhóm hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất và các nhóm hàng đảm bảo cân đối cho nền kinh tế. Cụ thể, nhóm ưu tiên số 1 là phôi thép, phân bón, xăng dầu, nguyên liệu dệt may, thức ăn gia súc, thuốc... Đặc biết, không cho vay để mở L/C nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng là ôtô nguyên chiếc dưới 12 chỗ ngồi, linh kiện ôtô và linh kiện xe máy.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn vốn cho việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế, ngân hàng sẽ xây dựng một danh mục ngành nghề và khách hàng ưu tiên và khu vực hạn chế cấp tín dụng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân như: lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng.

 

  • Đặng Vỹ - Phước Hà
     
    Ý kiến bạn đọc:
     

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,