- Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tây khẳng định là không có chuyện các dự án bất động sản triển khai ở Hà Tây có thể bị dừng lại khi có sự điều chỉnh quy hoạch khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội.
Như VietNamNet đã đưa tin ban đầu, trong một buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tây mới đây, ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây đã khẳng định với VietNamNet là "không có chuyện các dự án BĐS triển khai ở Hà Tây có thể bị dừng".
Ông Tưởng cho biết các dự án được cấp phép đầu tư đều dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, cũng như các quy hoạch riêng cho từng khu vực như quy hoạch phát triển đường Láng - Hòa Lạc đã được Chính phủ thông qua. Và UBND tỉnh Hà Tây đã bám sát các định hướng phát triển và quy hoạch phát được phê duyệt để kêu gọi và cấp phép đầu tư.
Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, xu hướng đô thị hóa sẽ mạnh hơn. (Ảnh: VNN)
Ông Tưởng cho rằng, việc cấp phép các dự án được thực hiện đúng các trình tự thủ tục, hoàn toàn không có chuyện "tháo khoán". Tuy nhiên, ông Tưởng cũng chia sẻ, các dự án đã bắt đầu có ý tưởng từ những năm trước nhưng do điều kiện và thời cơ chưa đến nên việc triển khai không được như mong muốn. Trong một hai năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, môi trường đầu tư trong nước và ở Hà Tây được cải thiện thì ngày càng thu hút đông đảo các nhà đầu tư. Đặc biệt, khi các thông tin về mở rộng Hà Nội thì tình hình đầu tư thêm sôi động. Tất cả là một quá trình chứ không phải là Hà Tây sáp nhập về Hà Nội mới cấp phép.
Theo ông Tưởng, các thông tin rà soát lại cũng cho thấy, các dự án triển khai đúng theo quy hoạch và định hướng phát triển đô thị chung của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hơn nữa, trong quá trình cấp phép đầu tư, Hà Tây luôn cập nhật thông tin và tôn trọng các dự kiến quy hoạch tương lai mà các bộ ngành đề xuất để có những quyết định mang tính dự báo dài hạn.
Điều đáng lưu ý là những người làm quy hoạch Hà Nội mới cũng chính là những người đã trình bản dự thảo Quy hoạch Vùng thủ đô, cũng là người làm quy hoạch đường Láng - Hòa Lạc và đó cũng là người xây dựng và tham gia phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Tây. Bây giờ, chính những người này làm quy hoạch phát triển Hà Nội mới chắc chắn họ nắm chắc và có sự kế thừa phát triển các đề xuất và quy hoạch trước đây.
Tốc độ đô thị hóa Hà Tây vào 2005 mới đạt 9,5%, đến nay khoảng 12,05%. Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ thì tốc độ đô thị Vùng kinh tế phía Bắc đạt 26% và Vùng thủ đô phải đạt trên 50% và Hà Tây khoảng 50-56% đến 2020. Tại thời điểm này mới có 12,05% thì trong tương lai, xu hướng phát triển đô thị vẫn cần tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ.
Tất nhiên, có thể sẽ có những điều chỉnh theo quy hoach mới nhưng về nguyên tắc đến bây giờ vẫn chưa có quy hoạch vùng Thủ đô và quy hoạch Thủ đô mới, các dự án được cấp phép đúng và hợp lý trên các quy hoạch và quy định hiện hành nếu cần thiết phải điều chỉnh để phục vụ quy hoạch mới vì mục tiêu phát triển chung thì chắc chắn sẽ có hướng xử lý phù hợp, đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư.
Về thông tin Hà Tây không đấu thầu khi thực hiện các dự án đô thị, lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Tây cho biết, theo quy định thì có hai hình thức là đấu thầu và chỉ định chọn nhà đầu tư triển khai các dự án bất động sản. Tuy nhiên, để đủ điều kiện đấu thầu thì địa phương phải đảm bảo đền bù GPMB đề có mặt bằng sạch, xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh... rồi mới kêu gọi nhà đầu tư đấu thầu. Trong hoàn cảnh Hà Tây, do ngân sách hạn hẹp không thể đáp ứng các yêu cầu về GPMB, xây dựng hạ tầng nên việc đấu thầu là rất khó khăn.
Các nhà đầu tư khi đến Hà Tây đề xuất vị trí triển khai dự án phù hợp quy hoạch, có phương án đền bù GPMB được phê duyệt và tại vị trí đó chỉ có duy nhất một nhà đầu tư thì được giao triển khai dự án. Việc này cùng phù hợp với quy định. Hơn nữa, trên địa bàn Hà Tây, hiện có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án giao thông theo hình thức BT và họ được giao khai thác các dự án đô thị để hoàn vốn đầu tư.
-
Phước Hà
Ý kiến bạn đọc: