- Hôm nay (8/4/2008) tại Hà Nội, các hợp đồng nhằm thực hiện dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương 4.400MW và cảng trung chuyển nước sâu tại quần đảo Nam Du với tổng vốn đầu tư khoảng 7,7 tỉ USD được ký kết...
Chủ đầu tư toàn bộ các dự án này - Tập đoàn Tân Tạo (ITA Group) sau một thời gian lựa chọn đối tác và thương thảo đã quyết định ký kết các hợp đồng quan trọng này với Công ty Black & Veatch (Mỹ), Công ty FHDI (1 trong 50 công ty hàng đầu thế giới về cảng biển) và Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2).
Qui hoạch tổng mặt bằng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương 4.400MW, lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này (Ảnh tư liệu dự án). |
Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương là dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam (tính đến thời điểm này) do doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách làm chủ đầu tư. Được sự thống nhất về mặt chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ITA Group vừa là chủ đầu tư Trung tâm nhiệt điện, cụm cảng biển (kể trên) và khu công nghiệp đô thị Kiên Lương.
Theo Phó Tổng giám đốc ITA Group Nguyễn Tuấn Minh, dự án qui hoạch Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương đã được Tân Tạo phối hợp các tư vấn trong, ngoài nước lập và thông qua Bộ Công thương ngày 27/2/2008. Trước đó, các hợp đồng tư vấn đã được Tân Tạo ký với PECC 2 để lập qui hoạch tổng thể Trung tâm này cũng như ký với FHDI (Trung Quốc) nhằm khảo sát, đánh giá điều kiện xây dựng cảng cho Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương.
Cũng theo ông Minh, hệ số đàn hồi của tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện tại Việt Nam thời gian qua ở mức cao so với các nước trong khu vực (khoảng 1,5-2 lần). Cân bằng năng lượng sơ cấp cho thấy việc tận dụng hết tiềm năng thuỷ điện, tận dụng các nguồn khí cho nhà máy TBKHH, tận dụng nguồn than tại chỗ cho nhiệt điện than miền Bắc và với kế hoạch nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc thì sau 2015 Việt Nam sẽ phải nhập thêm năng lượng sơ cấp và năng lượng nguyên tử.
Mặt khác, các loại nhiên liệu mỏ và khí đốt hiện nay đang ở mức rất cao so với mặt bằng giá trước đây và ngày một khan hiếm. Trong điều kiện ấy, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy dầu F.O hoặc TBKHH sử dụng dầu D.O, F.O là không kinh tế và không thể cạnh tranh với nhiệt điện than.
Như vậy, cùng với chiến lược đa dạng hóa các loại nhiên liệu trong lĩnh vực điện, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than nhập vào giai đoạn sau 2010 là cần thiết.
-
Tràng An Nguyễn