Xung quanh việc Việt Nam thắt chặt việc xuất khẩu gạo thông qua hạn ngạch, ông Jonathan Pincus, chuyên viên kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu gạo để điều tiết giá gạo trong nước; vừa thu được thuế vừa có hiệu quả hơn so với hạn ngạch.
Lợi cả đôi đường
Gạo là mặt hàng nằm trong rổ hàng hoá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam. Hơn hai năm qua, chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng lương thực, trong đó có gạo, luôn tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng chung của CPI.
Việt Nam hiện vẫn đang điều tiết xuất khẩu gạo bằng chính sách hạn ngạch.
Chính vì vậy, hơn 2 năm qua, Chính phủ đã áp dụng biện pháp chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu gạo mà bản chất là hạn ngạch để điều tiết sản lượng gạo xuất khẩu, với mong muốn vừa kiểm soát được giá gạo trong nước không quá leo thang, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, ông Pincus cho rằng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa tính toán được tác động của chính sách điều chỉnh giá gạo bằng hạn ngạch; nhưng một điều chắc chắn là Chính phủ Việt Nam không thu được thuế từ xuất khẩu gạo để góp phần làm giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, do khủng hoảng thiếu hụt lương thực trầm trọng trên thế giới, nhiều nước xuất khẩu gạo chính ở châu Á đang thắt chặt xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo tăng mạnh.
Từ đầu năm tới nay, giá lúa trong nước dao động ở mức cao, khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, gạo thường hơn 6.000 đồng/kg, trên thực tế tại TP.HCM loại gạo "bình dân" có giá bình quân 8.000-10.000 đồng/kg. Còn gạo xuất khẩu giao tại cảng TP.HCM có giá bình quân 530 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm ngoái. Gạo Việt Nam hiện chào bán hơn 600 USD/tấn cho thời hạn giao hàng sau tháng 6 và còn nhiều khả năng tăng nữa.
Một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ đã quyết định hạn chế số lượng gạo xuất khẩu; còn Philippines đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo trầm trọng. Tại Việt Nam, cùng với tác động của mưa lũ ở miền Trung vào cuối năm ngoái, rét đậm rét hại ở miền Bắc đầu năm nay, đã làm biến động giá gạo trong nước gần như hàng ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đầu năm nay, hạn ngạch xuất khẩu gạo cho năm 2008 được dự kiến 4-4,5 triệu tấn, nhưng sau đó, Bộ Công thương điều chỉnh giảm xuống còn 3,5-4 triệu tấn. Mới đây nhất, theo yêu cầu của Chính phủ, hạn ngạch xuất khẩu gạo lại được điều chỉnh lần nữa. Thay vì tính bằng năm như mọi khi, nay chỉ trong 9 tháng đầu năm với chỉ tiêu 3,2-3,5 triệu tấn do tình hình lạm phát và khủng hoảng gạo trên thế giới.
“Với nông dân, áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo hay thu thuế xuất khẩu gạo đều giống như nhau”, ông Pincus nói và cho rằng, cả hai chính sách này đều nhằm mục tiêu điều chỉnh giá gạo nội địa để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, ông cũng nhận xét, thuế xuất khẩu gạo dễ dàng điều chỉnh và công bằng hơn cho DN. Khi giá gạo nội địa quá cao, Chính phủ có thể tăng thuế xuất khẩu để làm giảm lượng gạo xuất khẩu và ngược lại, khi giá gạo trong nước xuống thấp, có thể điều chỉnh giảm thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp tiêu thụ lúa gạo nội địa. “Thuế xuất khẩu gạo tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các DN kinh doanh gạo một cách công bằng và gián tiếp điều chỉnh giá gạo thị trường trong nước”, ông Pincus khẳng định.
Trong phần thuyết trình của mình, ông Pincus đưa ra 3 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát là chính sách tiền tệ, tài khoá và tỷ giá; trong đó, đánh thuế xuất khẩu gạo là một trong những biện pháp của nhóm giải pháp tài khoá của Chính phủ.
Doanh nghiệp đồng tình
“Khoa học hơn, hiệu quả hơn”, là nhận xét của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký VFA khi nói về việc áp dụng chính sách thuế xuất khẩu gạo thay cho áp dụng hạn ngạch.
TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ, nếu Chính phủ áp dụng chính sách thuế xuất khẩu gạo thì nên áp dụng bắt đầu vào năm 2009; vì hiện tại, các nhà xuất khẩu gạo chưa tính tới phương án áp dụng chính sách thuế, nên nếu áp dụng ngay sẽ khiến việc kinh doanh bị chao đảo.
Một DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL phàn nàn rằng, chính sách hạn ngạch xuất khẩu gạo hiện nay trên lý thuyết có vẻ đơn giản, chỉ cần đầu năm Chính phủ công bố hạn ngạch là xong, nhưng thực tế thì khá phiền phức. Bởi đi kèm với hạn ngạch sản lượng gạo là việc xác nhận hợp đồng của VFA, thủ tục công nhận lượng gạo còn trong kho của doanh nghiệp, rồi thời hạn giao hàng và nhiều thủ tục hành chính rối rắm khác.
Đó là chưa kể việc áp dụng hạn ngạch sẽ làm triệt tiêu phần nào động lực kinh doanh của nhà xuất khẩu. Chẳng hạn, DN ký hợp đồng xuất khẩu gạo có giá thấp hơn giá định hướng của hiệp hội là không được xác nhận để xuất khẩu, trong khi hợp đồng đó họ có những tính toán riêng. “Với chính sách thuế sẽ công bằng hơn vì DN nào cũng cố gắng ký hợp đồng bán gạo giá cao để có lợi nhuận nhiều hơn mà không cần tới giá định hướng của hiệp hội”, DN này cho biết.
Ngoài ra, một DN khác cho rằng áp dụng hạn ngạch nhưng điều chỉnh liên tục như hiện nay càng gây thêm khó khăn cho DN, có khi phải hoãn giao hàng, mất uy tín với nhà nhập khẩu; còn chính sách thuế, việc điều chỉnh vừa dễ dàng và chỉ tác động tới lợi nhuận của DN xuất khẩu mà phía đối tác nước ngoài (nhà nhập khẩu) không cần phải biết.
Mặc dù xuất khẩu gạo năm ngoái chỉ đạt 1,5 tỷ USD, thua xa các mặt hàng khác như da giày, dệt may hay dầu thô; song, xuất khẩu gạo lại liên quan tới 80% dân số sống ở nông thôn, liên quan tới an ninh lương thực quốc gia và hiện giờ là bài toán chống lạm phát của Chính phủ.
Do vậy, một chuyên viên của VFA cho rằng, Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế để vừa điều tiết được giá gạo trong nước, vừa thu được thuế mà lại giảm bớt các thủ tục hành chính hơn nếu so với áp dụng chính sách hạn ngạch.
Một yếu tố khác cũng cần phải nhắc tới là Việt Nam sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu gạo vào đầu năm tới, lúc đó các DN trong và ngoài nước đều công bằng trong việc xuất khẩu gạo. VFA sẽ phải làm thế nào buộc các DN khẩu gạo Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài (không phải là hội viên của mình) thực hiện các quy chế của VFA được? Đó là câu hỏi lớn dành cho chính sách hạn ngạch.
(Theo TBKTSG)