- Từ cuối tháng 3/2008 đến nay, trên miền Bắc, hiện tượng cắt điện kéo dài đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành. Cắt điện không còn diễn ra vào giờ cao điểm nữa mà cắt liên tục từ sáng tới tối.
Tại Hà Nội, nhiều nơi đã phải chịu cảnh cắt điện từ 5 giờ sáng tới 7-8 giờ tối. Theo thông báo của Công ty Điện lực Hà Nội, với mức tăng sử dụng điện bình quân 20% trong hai tháng đầu năm, lượng điện thiếu trên toàn thành phố tháng 3 vừa qua trên 10 triệu KWh. Với mức dự báo thiếu hụt điện trong tháng 4 cũng ít nhất là 10 triệu KWh, việc cắt điện sẽ còn nhiều hơn.
Việc cắt điện không chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm như ngành điện thông báo nữa mà là cắt cả ngày. Theo phản ánh của người dân và một số DN thì tại Hà Nội, việc cắt điện đã tiến hành không đúng theo lịch. Một số nơi bị cắt nhầm ngày hoặc cắt sớm, đóng muộn hơn thông báo. Nhiều khu phố đã chìm trong bóng tối do thiếu điện. Sinh hoạt của các gia đình đã bị đảo lộn. Nhiều cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động, công nhân nghỉ việc do thiếu điện. Nhiều tuyến phố cũng tối om do chủ trương tiết giảm 50% số bóng đèn chiếu sáng và quảng cáo ngoài trời của Công ty Điện lực Hà Nội.
Nhiều tuyến phố tại Hà Nội đã chìm trong bóng tối khi ngành điện tuyên bố phụ tải tăng vọt. (Ảnh minh hoạ - Phạm Hải) |
Tại hầu hết các tỉnh miền Bắc, hiện tượng cắt điện cũng diễn ra thường xuyên và kéo dài. Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và 32 tỉnh phía Bắc ngày 2/4, lãnh đạo một số tỉnh đã phản ánh hiện tượng cắt điện kéo dài trong những ngày qua và nhiều DN không được đảm bảo đủ điện cho sản xuất.
Tại Thái Nguyên, theo nguồn tin của các DN thì trong 10 ngày cuối tháng 3, lượng điện phải tiết giảm lên tới 30% tổng nhu cầu. Ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết: Gang thép Thái Nguyên không bị cắt điện nhưng đang sản xuất thì bị nhảy điện, gây ra thiệt hại lớn. Các máy cán thép đang hoạt động bị ngừng lại phải mất nhiều giờ để cắt dỡ sản phẩm dở dang và khởi động lại.
Với các DN khác thì điện bị cắt kéo dài. Ông Tòng cho biết 2 DN là Công ty cổ phần Cơ khí gang thép và Công ty cổ phần Thép Gia Sàng đã bị cắt điện liền từ 24/3-31/3, mỗi ngày cắt trên 10 tiếng. 2 DN này đang sản xuất phôi 3 ca/ngày chỉ còn làm được 1 ca, công nhân phải nghỉ việc.
Theo thông tin từ một số tỉnh như Thanh Hoá, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc... thì việc cắt điện kéo dài cũng diễn ra liên tục từ cuối tháng 3 đến nay. Nhà máy ôtô Xuân Kiên (Mê Linh -Vĩnh Phúc) cuối tháng 3 vừa qua cũng bị cắt điện trong 3-4 ngày. DN này cho biết đã phải đầu tư 1 tỷ đồng để mua máy phát điện phục vụ cho sản xuất.
Đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn từ chối không cho biết lượng điện thiếu hụt là bao nhiêu trong thời điểm này và khẳng định đảm bảo đủ điện cho sản xuất, chỉ cắt điện sinh hoạt, nhưng thực tế thì không đúng như vậy.
Theo một số nguồn tin, nước về các hồ thuỷ điện vẫn thấp mặc dù mấy ngày qua có mưa. Lượng nước về các hồ hiện chỉ đạt 500m3/giây. Bên cạnh đó các nguồn điện mới đưa vào phục vụ cho mùa khô năm nay như Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau I ( 750MW), Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300 MW), Thủy điện Tuyên Quang, Ðại Ninh còn đang trong giai đoạn chạy thử, vận hành chưa ổn định, sản lượng điện phát ra chưa đạt mức dự kiến. Trong tháng 3 các nguồn điện kể trên đã nhiều lần phải ngừng lại để khắc phục, trong khi công suất dự phòng trên toàn hệ thống không có đã gây nên tình trạng thiếu điện.
Sang tháng 4, theo thông báo của EVN thì việc cắt điện sẽ tiếp tục nếu phụ tải tăng cao. Thực tế thì tháng 4 và tháng 5 mới là thời điểm căng thẳng nhất về điện trong mùa khô, do thời tiết nắng nóng dẫn đến nhu cầu điện tăng cao, trong khi lượng nước về các hồ thuỷ điện thấp. Theo dự báo thì hiện tượng cắt điện kéo dài và thường xuyên là khó tránh khỏi.
Nhiều DN, cơ quan hành chính và các hộ gia đình đã phải đối phó với thiếu điện bằng việc đầu tư mua máy phát điện. Một cán bộ thuộc một cơ quan hành chính ở Hà Nội cho biết, năm vừa qua do bị cắt điện quá nhiều nên cơ quan này đã phải chi ra 400 triệu đồng để mua máy phát điện phục vụ cho công việc, rồi nhiên liệu để chạy máy phát điện, nếu tính chạy đủ 8giờ/ngày phải mất khoảng vài chục lít dầu, tốn kém hàng trăm ngàn đồng/ngày. Tiền đó lấy ở đâu? Đương nhiên là tiền từ ngân sách. Trên cả nước nếu ngày càng nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp mua sắm máy phát điện mà dùng tiền ngân sách thì con số này không biết lên đến bao nhiêu? Cuối cùng ngân sách Nhà nước phải gánh chịu thêm khoản thiệt hại do cắt điện gây ra.
Phân tích ở trên mới chỉ dừng lại ở các cơ quan, đơn vị sử dụng tiền ngân sách Nhà nước. Còn khu vực dân doanh, tổ chức kinh tế khác sẽ như thế nào nếu vì công việc làm ăn buộc lòng phải mua sắm máy phát điện? Đương nhiên sẽ làm cho chi phí đầu tư sản xuất tăng cao, đồng nghĩa với việc thu nhập chịu thuế sẽ giảm, tức mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước giảm, Nhà nước cũng bị thiệt hại do không thu được thuế. Đó là thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế.
-
Trần Thuỷ
Ý kiến của bạn?