- Tình trạng bán tháo cổ phiếu diễn ra trên diện rộng kéo dài từ đầu phiên tới cuối phiên. Chỉ số VN-Index đã chính thức xuyên thủng ngưỡng 500 điểm, một điều mà cách đây vài tháng ít người nghĩ tới.
Ảnh minh hoạ: LAD
Mỗi ngày VN-Index mất 5%
Kết thúc đợt giao dịch thứ 1 phiên giao dịch sáng 25/03, chỉ số VN-Index giảm 23,82 điểm (tương đương giảm 4,57%) xuống còn 497,25 điểm.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, số lượng cổ phiếu được đặt bán ở mức giá sàn đã kín đặc bảng giao dịch điện tử. Trong khi đó, lượng đặt mua rất ít. Kết quả tất yếu là hầu như tất cả các cổ phiếu đã đồng loạt giảm giá hết biên độ cho phép và đây là phiên thứ 8 liên tiếp sàn chứng khoán TP.HCM chứng kiến tình trạng tồi tệ như vậy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Như vậy, giá hầu hết các cổ phiếu đã mất khoảng 50-70% so với đỉnh cao đã được thiết lập hồi tháng 3/2007. Chỉ số VN-Index đã trở về mức cuối tháng 3/2006.
Một dấu hiệu cho thấy tình trạng hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu có thể còn tiếp diễn là lượng dư bán luôn kín đặc trong khi dư mua hầu như không có. Khối lượng giao dịch liên tiếp đứng ở mức thấp trong nhiều phiên vừa qua cho dù giá cổ phiếu đã giảm đi quá nửa so với cách đây đúng 1 năm. Trong đợt 1 sáng nay, tổng cộng chỉ có 2,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh, trị giá 120 tỷ đồng.
Bước sang đợt giao dịch khớp lệnh liên tục (đợt 2), mức độ sụt giảm giá của các cổ phiếu tiếp tục gia tăng. Kết thúc đợt giao dịch này, chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn với 24,24 điểm (4,65%) xuống 496,83 điểm.
Không chỉ dừng lại ở đó, kết thúc đợt 3, chỉ số đại diện cho TTCK tập trung của Việt Nam chung cuộc giảm 24,43 điểm (tương đương 4,68%) xuống chỉ còn 496,64 điểm. Khối lượng giao dịch toàn phiên cũng rất thấp, chỉ đạt 6,9 triệu đơn vị, trị giá 317,8 tỷ đồng.
Hầu hết các nhà đầu tư tỏ ra bi quan tột độ sau 8 phiên TTCK liên tiếp giảm sâu. (Ảnh: LAD)
Thất vọng hoàn toàn
Liên tiếp giảm mạnh trong 7 phiên trước đó với chỉ số VN-Index mất tổng cộng hơn 19%, hầu hết các nhà đầu tư lớn nhỏ đều rất hoang mang, không còn đủ kiên nhẫn để nghĩ về sự hồi phục của thị trường. Nhiều người nhắm mắt tìm mọi cách bán ra để “thu được đồng nào hay đồng ấy”.
“Thị trường chứng khoán diễn biến điên loạn rồi. Tôi không còn niềm tin thị trường có thể sớm hồi phục. Giờ thì chỉ tìm cách bán cho bằng được số cổ phiếu đang nằm trong tài khoản. Mỗi ngày mất 5%. Nhìn chút vốn của mình bốc hơi hàng ngày sao mà chịu nổi”, một nhà đầu tư có mặt trên sàn chứng khoán An Bình sáng nay bày tỏ.
Tuy nhiên, bán cổ phiếu ở mức “rẻ không thể ngờ tới” như trong vài ngày qua đâu phải dễ.
“Chỉ trong có 5 phút mà có tới 3 triệu cổ phiếu SSI (Chứng khoán Sài Gòn) được bán ra. Các ngân hàng và công ty chứng khoán tranh nhau bán như thế này thì “dân đen” làm sao bán được”, anh Phạm Xuân Thắng, một nhà đầu tư nói.
Một số nhà đầu tư khác tỏ ra quá bi quan và chán nản. Cho tới thời điểm này họ đã buông xuôi hoàn toàn, mặc cho thị trường đưa đẩy giá cổ phiếu.
“Nhìn TTCK như này có thể hiểu thêm tại sao người Việt Nam không thể làm kinh tế giỏi được. Công ty thì vô cảm với cổ đông, cổ đông hỗn loạn bán tháo cổ phiếu giẫm đạp lên nhau mà chết. Tôi không hề nhìn thấy sự đoàn kết, đối thoại trong TTCK... phản ánh cao độ trình độ lạc hậu về kinh tế. Tôi vẫn còn cổ phiếu nhưng vài tuần nay đã chán không còn buồn nghĩ đến việc bán ra...”, một nhà đầu tư nói.
Ở chiều ngược lại, rất ít các nhà đầu tư đủ kiên nhẫn để nuôi hy vọng thị trường sẽ hồi phục. Và nếu có thì hy vọng của họ cũng khá mong manh. “Cái gì cũng vậy, giảm mãi rồi cũng phải tăng. Các doanh nghiệp niêm yết sẽ vượt được qua cơn bão lớn này. Hơn nữa, thị trường đã xuống dưới 500 điểm. Đây là một mốc điểm tâm lý rất quan trọng. Có khả năng Nhà nước sẽ có một liều kháng sinh mạnh”, một nhà đầu tư hy vọng.
25/3: HASTC-Index lao dốc, xuống dưới 170 điểm
Cũng giống như trên sàn chứng khoán TP.HCM, xu hướng bán tháo cổ phiếu diễn ra rất mạnh trên sàn Hà Nội khi mà niềm tin vào thị trường ngày càng mai một. Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục đua nhau giảm sàn.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (25/3), mốc 150 điểm của sàn Hà Nội sắp cận kề khi mà chỉ số HASTC-Index tiếp tục giảm mạnh thêm 11,99 điểm (tương đương giảm 6,71%) đóng cửa ở mức 166,57 điểm.
Bảng điện tử giao dịch tiếp tục bao phủ một màu đỏ rực khi mà chỉ có 2 mã tăng giá, 3 mã không có giao dịch, còn lại 128 mã tiếp tục giảm sâu.
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng nhẹ so với phiên liền trước đạt gần 5,4 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, giá trị giảm nhẹ, đạt 223,35 tỷ đồng.
Trong 128 mã giảm giá, số mã giảm sàn chiếm gần 50%. Ngoài ra, còn một loạt cổ phiếu có biên độ giảm mạnh từ 8% đến 9%.
Hàng loạt những cổ phiếu tên tuổi trên sàn Hà Nội tiếp tục chìm trong “cơn bão” giảm giá. Đại gia ACB giảm 7.900 đồng (-8,87%), BMI và KLS cùng giảm 2.700 đồng, BTS giảm 1.700 đồng (-8,17%), BVS giảm 8.600 đồng (-9,97%), BCC giảm 1.600 đồng -9,20%), NTP giảm 5.600 đồng (-9,67%), PVI giảm 4.000 đồng (-9,69%), PVS giảm 4.900 đồng (-9,70%), VNR giảm 2.600 đồng (-9,42%)…
Về khối lượng giao dịch, đại gia ACB phiên này tiếp tục vững vàng dẫn ngôi đầu bảng với khối lượng đạt gần 950.000 cổ phiếu. Tiếp theo PVI đạt gần 500.000 cổ phiếu. PVS là cổ phiếu đạt khối lượng trên 400.000 cổ phiếu. TBC và HPC là 2 cổ phiếu đạt trên 200.000 cổ phiếu. 3 cổ phiếu đạt trên 100.000 cổ phiếu lần lượt gồm NTP, NVC và KLS.
Tổng khối lượng và giá trị của nhà đầu tư nước ngoài phiên này tiếp tục được cải thiện đáng kể so với phiên liền trước đạt 324.300 cổ phiếu tương đương giá trị đạt hơn 15,4 tỷ đồng. Phiên này, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào.
-
Nhất Linh