- Tiếp tục đón nhận thêm 1 loạt thông tin hỗ trợ mới nhưng phản ứng của TTCK Việt Nam lại ngược hoàn toàn với mong đợi. Cổ phiếu đồng loạt giảm hết biên độ cho phép trong buổi sáng 24/3.
Giảm mạnh phiên thứ 7 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 24/03, chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam (VN-Index) giảm thêm 24,61 điểm (tương đương giảm 4,5%) xuống còn 521,61 điểm.
Như vậy, sau đúng 1 năm trời ròng rã xu hướng đi xuống từ đỉnh cao thiết lập hồi giữa tháng 3/2007, tưởng chừng TTCK tập trung của Việt Nam sẽ hồi phục đi lên sau khi đã mất tới 50%. Tuy nhiên, câu trả lời lại ngược lại hoàn toàn. Tính đến hết phiên giao dịch sáng nay, chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận 7 phiên giảm cực mạnh liên tiếp. Đây có thể được coi là một đợt giảm sâu kỷ lục với chỉ số VN-Index đã trở về mức đầu tháng 4/2006.
Tính chung trong 7 phiên giảm liên tiếp vừa qua, chỉ số VN-Index tổng cộng mất 122,73 điểm (tương đương giảm 19,06%).
Trong phiên giao dịch đầu tuần, sáng nay (24/3), trong tổng số 153 mã chứng khoán niêm yết, chỉ có 5 mã giữ giá tham chiếu, 4 mã tăng giá còn lại 144 mã giảm giá, với hầu hết các mã giảm sàn.
Tình trạng giá cổ phiếu giảm nhưng giao dịch cũng giảm theo lại tiếp tục xảy ra trong phiên giao dịch cuối tuần. Lượng đặt mua rất thấp, gần như toàn bộ lệnh mua giá sàn đều được khớp hết.
Tính chung trong toàn phiên, tổng cộng chỉ có 7,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh, trị giá 358,8 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, bên cột dư mua của hầu hết các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM lại xuất hiện tình trạng trống trơn, trong khi dư bán ở mức giá sàn vẫn kín đặc.
Ảnh minh hoạ: LAD
Lại một “mớ” tin tốt: Bão giảm giá vẫn giật
Ngay trước khi phiên giao dịch sáng nay diễn ra, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ tại sàn chứng khoán SeABank đã nghĩ tới khả năng lượng bán cổ phiếu sẽ giảm và thị trường sẽ ấm lên vào cuối phiên sau khi cuối tuần qua các ngân hàng thương mại họp bàn và công bố một số thông tin có tác động khá tích cực tới TTCK.
Tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với các thành viên sáng 22/3, hầu hết các ngân hàng cho biết vốn khả dụng không căng thẳng như nhiều nhà đầu tư lo ngại, thậm chí ngay sau khi phải mua tín phiếu bắt buộc vốn khả dụng của toàn hệ thống vẫn còn hơn 14.000 tỷ đồng và trong trạng thái dư thừa ngắn hạn.
Đây là lý do khiến các nhà đầu tư này hy vọng cơn bão bán tháo cổ phiếu sẽ suy giảm trong phiên đầu tuần.
“Nếu ngân hàng không căng thẳng về vốn thì áp lực hồi vốn, trong đó có việc bán chứng khoán cầm cố và thúc nợ sẽ giảm bớt. Lượng bán cổ phiếu sẽ suy giảm và đà lao dốc của chứng khoán sẽ giảm bớt”, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán SeABank nói.
Bên cạnh thông tin tốt nói trên, thị trường còn chứng kiến khá nhiều thông tin hỗ trợ khác như giá vàng đã chững ở mức giá khoảng 920 USD/ounce; chứng khoán thế giới hồi phục nhiều phiên liên tiếp; đồng USD cũng đang hồi phục nhẹ, một tin hiệu tốt cho kinh tế Mỹ…
TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, thực tế diễn biến giao dịch lại hoàn toàn khác với kỳ vọng của các nhà đầu tư nói trên. Ngay từ đầu phiên giao dịch, lệnh đặt bán đã được tung ra ồ ạt với mức giá bán sàn. Lượng bán của các lệnh được tung vào cũng rất lớn. Tình trạng này kéo dài từ đầu cho tới cuối phiên khiến bảng giao dịch chứng khoán điện tử luôn luôn được bao trùm hầu hết bởi một màu đỏ.
“Giá cổ phiếu đã giảm quá mạnh. Các ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn đang tiếp tục bán cổ phiếu cầm cố để thu hồi vốn. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân thì gần như buông xuôi. Nhiều người chấp nhận bán lỗ để rút ra khỏi thị trường”, một nhà đầu tư vừa thoát ra khỏi cơn lốc xoáy chứng khoán nói.
24/3: SSI, FPT, STB tiếp tục giảm kịch sàn
Mặc dù đã từng là những cổ phiếu hấp dẫn nhất trên thị trường và không thể thiếu được trong danh mục của các nhà đầu tư lớn, nhưng trong đợt bão này đây lại là những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/3, trong số 144 (trong tổng số 153) mã chứng khoán giảm giá, hầu hết giảm kịch sàn. Các cổ phiếu blue-chips trên sàn đều có mặt trong nhóm này.
Cụ thể, có 4 mã cùng có mức giảm 5.000 đồng là FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT xuống 104.000 đồng/cổ phiếu; PVD của PV Drilling xuống 104.000 đồng/cổ phiếu; SJS của Sudico 113.000 đồng/cổ phiếu; VNM của Vinamilk xuống 108.000 đồng/cổ phiếu.
HPG của Hoà Phát và SSI của Chứng khoán Sài Gòn cùng giảm 3.000 đồng xuống các mức tương ứng là 66.000 đồng/cổ phiếu và 60.500 đồng/cổ phiếu; Đại gia STB của Sacombank và PPC của Nhiệt điện Phả Lại cùng giảm 1.900 đồng xuống lần lượt 36.300 đồng/cổ phiếu và 36.600 đồng/cổ phiếu; DPM của Đạm Phú Mỹ giảm 2.500 đồng xuống còn 47.500 đồng/cổ phiếu.
Về khối lượng khớp lệnh, DPM đứng đầu với 1.436.350 cổ phiếu; STB với hơn 1 triệu cổ phiếu; PVD với 441.410 cổ phiếu; PPC với 361.350 cổ phiếu, sau đó là các mã VFMVF1, DPR, VNM, VTO, VIC...
-
Nhất Linh