- Phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục chứng kiến sự bán tháo ở hầu như tất cả các mã cổ phiếu. Có một nghịch lý là giá càng giảm thì mức độ tháo chạy càng tăng lên.
Giảm gần 100 điểm trong tuần
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 21/03, chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam (VN-Index) giảm 19,14 điểm (tương đương giảm 3,38%) xuống còn 545,68 điểm, thấp hơn so với thời điểm giữa tháng 4/2006.
Tính chung trong cả tuần này, chỉ số VN-Index đã giảm cả 5 phiên với tổng cộng 98,12 điểm (tương đương giảm 15,24%) so với cuối tuần trước.
Trong tổng số 154 mã chứng khoán niêm yết, chỉ có 9 mã giữ giá tham chiếu, 8 mã tăng giá còn lại 136 mã giảm giá, với hầu hết các mã giảm sàn.
Tình trạng giá cổ phiếu giảm nhưng giao dịch cũng giảm theo lại tiếp tục xảy ra trong phiên giao dịch cuối tuần. Lượng đặt mua rất thấp, gần như toàn bộ lệnh mua giá sàn đều được khớp hết.
Tính chung trong toàn phiên, có tổng cộng 11,3 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh, trị giá 488,7 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, bên cột dư mua của hầu hết các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM lại xuất hiện tình trạng trống trơn, trong khi dư bán ở mức giá sàn vẫn kín đặc.
NĐT tuyệt vọng nhìn chứng khoán rơi tự do. (Ảnh: LAD)
NĐT tuyệt vọng nhìn chứng khoán rơi tự do
Không khí trên sàn giao dịch của nhiều công ty chứng khoán đã trở lên rất căng thẳng trong phiên giao dịch sáng nay. Nhiều người tuyệt vọng nhìn giá chứng khoán rơi tự do mà không thể bán được, cho dù đặt bán ở mức giá sàn.
“Đặt bán SSI giá sàn mấy phiên rồi mà không bán được. Giảm thì đã giảm mất 60% rồi nhưng cũng không có ai mua. Không biết có chuyện gì đang xảy ra với thị trường, với cổ phiếu này”, anh Đức Thắng, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán SeABank than vãn.
“Giờ thì không chỉ có các tổ chức tranh nhau bán cổ phiếu cầm cố để thu vốn hoạt động, mà các cá nhân lớn nhỏ cũng tranh nhau bán ra cho bằng được. Không còn khái niệm lướt sóng trong vài ngày qua. Cứ mua vào là “chết”. Mua hôm nay, hôm sau mất ngay 5%. Mà cũng không có khái niệm đáy nữa rồi. Mỗi hôm một đáy mới”, anh Thắng nói.
TIN LIÊN QUAN
“Buông xuôi thôi. Muốn trôi về đâu thi trôi. Giờ thì chả có cái cọc nào mà vớ đâu. Mà nếu có thì đen đủi như thế này có thể lại gặp cái cọc mục”, một nhà đầu tư đau xót nói.
Ít buồn thảm hơn là những người quyết định đầu tư cổ phiếu giá xuống trong vài ngày gần đây thì nhận xét thị trường đang rơi vào tình trạng cộng hưởng tuyệt vọng, làm cho họ tính nhầm. “Tôi đoán chệch. Lỡ lên chuyến tầu đang xuống dốc mà đứt phanh. Vài phiên cũng đã mất 15%. Tệ hại quá.”
Mặc dù tính cho tới ngày hôm nay, thị trường đã tụt giảm tới 625 điểm (tương đương giảm 53%) so với đỉnh cao thiết lập hồi tháng 3/2007 nhưng vẫn không thể kéo các nhà đầu tư mua vào. Trong tuần này, có tới 4 trong tổng số 5 phiên, các cột dư mua ở hầu hết các mã đều trong tình trạng trống trơn. Hầu hết các nhà đầu tư tỏ ra rất bi quan với thị trường.
“Giá cổ phiếu đã giảm quá nhiều nhưng giờ chưa phải thời điểm nhảy vào thị trường”, rất nhiều nhà đầu tư may mắn đã cắt lỗ vài tuần trước đây cho biết.
“Cần phải phân tích thật cẩn thận trong bối cảnh này. Khi nào kinh tế Mỹ thực sự khởi sắc, Việt Nam chặn đứng được lạm phát thì thị trường mới hồi phục được. Chí ít thì phải chờ xem Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 xem như thế nào đã. Lúc đó tham gia cũng chưa muộn. Nhảy vào khi này rất rủi ro”, anh Nguyên Hưng, một nhà đầu tư trên sàn APEC khuyến nghị.
“ếu không có gì sáng sủa trong 1-2 tháng tới, rất nhiều nhà đầu tư đơn lẻ sẽ hết vốn và buộc phải rời sàn. Nhiều công ty chứng khoán cũng sẽ phải đóng cửa”, anh Hưng nhận định.
21/3: Cổ phiếu blue-chips bị bán tháo nhiều nhất
Đúng như dự báo trước đó, các cổ phiếu được cầm cố nhiều nhất trước đây là những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất. Các cổ phiếu blue-chips liên tục sụt giảm trong tuần.
Trong phiên giao dịch sáng nay, nhiều mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới thị trường tiếp tục giảm sâu. Cổ phiếu FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT và VNM của Vinamilk tiếp tục giảm sàn, cùng giảm 5.000 đồng xuống tương ứng 109.000 đồng/cổ phiếu và 113.000 đồng/cổ phiếu.
Đại gia STB của Sacombank giảm 2.000 đồng xuống 38.200 đồng/cổ phiếu; SSI của Chứng khoán Sài Gòn lên tiếng cứu giá cũng giảm kịch sàn 3.000 đồng xuống 63.500 đồng/cổ phiếu; HPG của Hoà Phát giảm 3.500 đồng xuống 69.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra còn một số mã khác như VIC của Vincom, PVD của PV Drilling, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, DPM của Đạm Phú Mỹ.. là những cổ phiếu lớn cũng giảm khá mạnh.
Trong nhóm cổ phiếu tăng giá, có 2 mã tăng kịch trần và BT6 của CTCP Bê tông 620 Châu Thới và BTC của CTCP Cơ khí Xây dựng Bình Triệu cùng có mức tăng là 2.500 đồng lên tương ứng 60.000 đồng/cổ phiếu và 56.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra còn một vài mã khác tăng nhẹ như HAX, HMC, VTA, TRI...
Về khối lượng khớp lệnh, STB nhiều nhất với 2.739.960 cổ phiếu, DPM với hơn 1,5 triệu cổ phiếu, PRUBF1 với 565.510 ccq, sau đó là các mã như VSH, HPG, VFMVF1, FPT. SSI giảm mạnh và chỉ có 158.480 cổ phiếu được khớp lệnh.
-
Nhất Linh