221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1046055
Đất lúa màu mỡ đang bị "nuốt chửng"
1
Article
null
Đất lúa màu mỡ đang bị 'nuốt chửng'
,

 - Ở nhiều địa phương, KCN có thể mọc lên bất cứ chỗ nào, bất chấp đất trồng lúa màu mỡ, "bờ xôi ruộng mật". Nhiều nhà khoa học lo ngại, nếu Chính phủ không mạnh tay, Việt Nam sẽ bất ổn về an ninh lương thực khi không giữ được đất trồng lúa.  

Mô tả ảnh.

Hơn 10.000ha đất trồng lúa mỗi năm bị xà xẻo cho công nghiệp (ảnh minh họa)


Đã làm công nghiệp, khó mà trồng lại lúa 

Một trong những điển hình về việc đất nông nghiệp bị xà xẻo, phục vụ cho công nghiệp là Hưng Yên. Đến thời điểm này, tỉnh đã quy hoạch tới 20 KCN tập trung, cần tới 6.155ha đất vào năm 2015 và 9.305ha năm 2020.  Bốn KCN thuộc các huyện Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và Thị xã Hưng Yên, có tổng diện tích bị thu hồi là 500ha, vừa được tỉnh này quy hoạch và đang mời gọi đầu tư. Điều này đồng nghĩa, hàng chục nghìn hecta đất màu mỡ của bà con dần biến mất (báo Nông nghiệp).

Tại Hải Dương, chỉ riêng huyện Bình Giang đến nay cũng đã thu hút được 52 dự án, với tổng diện tích gần 830.000m2. 

Hay Bắc Ninh, 10 năm sau khi “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, 3.000ha đất nông nghiệp bị “xén” mất. Theo thống kê, cứ 5 hộ dân có 1 hộ mất đất canh tác. Có những thôn, xóm 90- 95% diện tích đất nông nghiệp đã “khai tử”. 

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, bình quân mỗi năm thu hồi hơn 1.000ha đất, trong đó chiếm 80% đất nông nghiệp, để phục vụ các dự án công nghiệp. Theo dự kiến năm 2008, Hà Nội sẽ thu hồi 1.500ha, trong đó 904ha đất hai vụ lúa. Điều này ảnh hưởng đến gần 40.000 hộ dân vốn sống phụ thuộc vào nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN
Thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, trong vòng 5 năm, từ 2001 -2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp tới trên 366.000ha, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm thu trên 73.000ha. 

Cục HTX - Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tính toán, mỗi hecta đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay. Trong đó, vùng ĐBSH có số hộ bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300.000 hộ, kế đến là vùng Đông Nam Bộ với khoảng trên 100.000 hộ. 

PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng, gần 4 triệu ha đất trồng lúa, trước xu thế ồ ạt mời gọi đầu tư của địa phương như hiện nay, sẽ khó mà giữ được nếu Chính phủ không có những biện pháp mạnh tay. 

"Địa phương thấy trồng lúa không có lời nên đổ xô làm công nghiệp hết. Nguy hại ở chỗ là KCN có thể mọc lên bất cứ chỗ nào, nhất là những vùng ven đường lớn, bất chấp đất trồng lúa màu mỡ "bờ xôi ruộng mật". Tỉnh nào cũng chạy đua trải thảm đỏ nên tốc độ mất ruộng lúa rất lớn, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tây... Trong khi đó, để thành đất ruộng trồng lúa phải mất hàng nghìn năm. Đất phục vụ công nghiệp giờ có muốn quay lại trồng lúa là không được nữa", ông Hoàn lo lắng.

Theo ông Hoàn, điều nguy hiểm là các tỉnh được trao quyền quá lớn trong việc bố trí, quy hoạch đất đai nên DN chỉ đâu, tỉnh cắm đất ngay ở đó. Lẽ ra, các vùng trọng điểm trồng lúa như ĐBSCL, duyên hải miền Trung, Bắc Bộ phải giữ lại và lấy công nghiệp bù cho trồng lúa, bởi đơn giản đây là vấn đề xã hội, an ninh lương thực. 

Viện Nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn (IRARD) cảnh báo, những thôn, xã có diện tích thu hồi chiếm hơn 1/3 đất nông nghiệp đều không đảm bảo lương thực. Nghịch lý khác là trong khi hàng triệu nông dân đang lao đao vì mất tư liệu sản xuất thì các KCN, sau khi giải phóng mặt bằng xong, lại không được nhòm ngó tới.

Có giữ được 3,8-4 triệu ha đất lúa?

Mô tả ảnh.

Những nông dân mất đất, "bơ vơ" cạnh KCN (ảnh nong nghiep.vn)

PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn thông báo, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án về Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, dự kiến sẽ hoàn thành vào 8/2008. Trong đó, yêu cầu đặt ra trước tiên là đảm bảo diện tích lúa ít nhất là 3,8-4 triệu ha. Con số này là cố định, bất khả xâm phạm. Trên thế giới, ngay các nước giàu còn bỏ tiền ra giữ đất trồng lúa, huống chi Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp. 

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, mới đây cũng cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang chủ trì phối hợp Bộ NN-PTNT tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất lúa ở các địa phương, trong đó có việc chuyển đổi đất màu mỡ sang làm đô thị và phát triển công nghiệp. 

Ông nhấn mạnh, nơi nào nhất thiết phải lấy đất nông nghiệp thì cố gắng lấy đất xấu, ở mức tối thiểu; hoặc lấy đất ở vùng cao hơn, không phù hợp trồng lúa. "Chúng ta làm công nghiệp trước mắt nhưng phải tính đến lâu dài", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phát cho rằng, nguồn tài nguyên của đất nước có hạn. Các địa phương cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi sử dụng tài nguyên, gồm cả đất, nước... , sao cho hiệu quả nhất. Đối với việc quy hoạch "treo", tỉnh nào có dự án như vậy cần phải sớm điều chỉnh, rút kinh nghiệm.  

Tuy nhiên, việc giữ đất lúa không dễ khi Việt Nam vẫn đang thiếu một bản quy hoạch cụ thể về đất nông nghiệp. Chính vì không có cái khung cụ thể, được phê duyệt ở cấp cao, mang tính chất pháp lý cho chính quyền địa phương nên nhiều nơi vẫn tự tung tự tác, xà xẻo đất lúa để làm công nghiệp, với cái nhìn ngắn hạn "ngân sách đầy hơn nhờ nguồn thuế".

Chưa kể, diễn biến về khí hậu đang rất cấp bách. Khi nước biển dâng một phần rất lớn đất lúa ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng mà chúng ta cần đề phòng gấp cho thế hệ mai sau.

Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, TS. Nguyễn Văn Tuất, lo ngại, trái đất ấm lên, việc sử dụng lương thực làm nguyên liệu khác, hiện tượng sa mạc hoá... đang là những nguy cơ hiện hữu đe dọa an ninh lương thực. Việt Nam cần làm sao đảm bảo 35-36 triệu tấn gạo/năm, xuất khẩu 5 triệu tấn và đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

Theo ông, diện tích đất lúa có thể giảm hơn 10.000ha/năm nhưng phải đảm bảo tổng sản lượng bằng cách tăng năng suất, nâng cao giá trị lúa trên một đơn vị diện tích.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,