- Tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động do tác động của lạm phát và USD giảm giá mạnh so với VND gây ảnh hưởng tiêu cực cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Ngày 20/3 các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM đã có buổi họp bàn để tìm giải pháp “tự cứu mình”, đồng thời đưa ra hàng loạt kiến nghị đối với các chính sách Nhà nước nhằm giúp ngành dệt may vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đông đảo doanh nghiệp dệt may tham dự buổi họp bàn tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn lúc này. Ảnh: Nguyễn Sa
Thu hẹp qui mô hoạt động
Theo các doanh nghiệp dệt may, ảnh hưởng trực tiếp nhất là hiện 1USD kiếm được từ xuất khẩu doanh nghiệp đã mất 1.000VND. Nếu công ty nào giữ nguyên lương công nhân thì mỗi ngày lỗ thêm 1USD. Một doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng trị giá 10 triệu USD thì lỗ mất 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng giá… Doanh nghiệp càng sản xuất càng lỗ dẫn đến phải tìm cách thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ bớt và điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến xã hội.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại hơn nữa là nguy cơ đình công từ phía công nhân rất cao. Trong bối cảnh giá cả tăng như thế này mà lương công nhân không tăng cũng không được, cho nghỉ việc thì tình hình càng xấu hơn. Đại diện Công ty may Bình Hòa đã “so bì” ngành dệt may với thị trường chứng khoán, theo ông này, dệt may cũng là ngành mũi nhọn, thu về ngoại tệ cao nhưng chưa được Chính phủ hỗ trợ, quan tâm.
Bà Phương Quang: "Hoạt động xuất khẩu tự nhiên mất tiền, lỗ lã mà không thể chỉ vào ai được". Ảnh: Nguyễn Sa
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Long An, trong bối cảnh hiện nay, nhẩm tính ra mỗi tháng công ty tôi tự nhiên mất đi 200 triệu đồng mặc dù số lượng, chất lượng hợp đồng vẫn được tiến hành giống như trước. Mất tiền, lỗ lã đau như bị “móc túi” mà không thể nói hay chỉ vào ai được.
Ông Hàn Phúc Sinh, Giám đốc Công ty May MaiKa cho hay ngành dệt may đang “mắc cạn” ở nơi toàn sỏi, đá. Do vậy, doanh nghiệp phải cố gắng làm cho mình gọn, nhẹ hơn. Nghĩa là thu gọn hoạt động tối đa để hạn chế lỗ lã và chỉ có gọn nhẹ thì con tàu mắc cạn mới dễ di chuyển, vượt qua.
Nói về tình hình của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, ông Ngô Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty may Saigon 2 (Sanding) cho hay: Tất cả chúng ta, nhất là các doanh nghiệp dệt may đang “thấm đòn” của nền kinh tế thị trường. Nếu như trước giờ luôn có màn chắn của Chính phủ che đỡ, như có một khoản tiền trợ giá xăng dầu chẳng hạn, thì nay đã đến lúc Chính phủ thả ra, buông thắng và doanh nghiệp phải “thấm đòn”.
Trận “bão” lạm phát và USD giảm giá này không diễn ra riêng ở vùng nào mà diễn ra trên toàn vùng, toàn ngành nên tất cả chúng tôi phải chịu chung cảnh tự nhiên mà bị giảm sút lợi nhuận, thậm chí xuất khẩu càng nhiều thì càng lỗ nặng.
Chính vì vậy, ông Kiên cho rằng những giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra trong lúc này chỉ nhằm giảm lỗ chứ không phải giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận.
Doanh nghiệp hiến kế như thế nào?
Ông Diệp Thành Kiệt: "Nên có chính sách hỗ trợ cho người lao động để giải quyết lo ngại về đình công’. Ảnh: Nguyễn Sa
Theo đó, các biện pháp giảm lỗ được ông Diệp Thành Kiệt, Tổng giám đốc Công ty May thêu WEC Sài Gòn kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtex) đưa ra là: Đề nghị các ngân hàng phải mua USD của ngành dệt may (có chứng từ thanh toán xuất khẩu) với biên độ cao nhất (biên độ do Ngân hàng Nhà nước qui định), ông Kiện nói rằng như vậy mới công bằng cho doanh nghiệp.
Đồng thời ông Kiệt cũng đề xuất Nhà nước nên áp dụng ngay chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2008 này và đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế để doanh nghiệp không bị chôn vốn, kẹt tiền ở cơ quan thuế. Theo ông Kiệt hiện tiến độ hoàn thuế rất chậm.
Về phần người lao động, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ người lao động (vì hỗ trợ doanh nghiệp thì dễ vi phạm luật quốc tế). Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng nên có đội ngũ chuyên môn tiếp xúc, lấy thông tin từ công nhân để hiểu được nguyện vọng, nhu cầu của người lao động, giảm thiểu rủi ro đình công.
Ông Ngô Trung Kiên: "Xem xét khả năng thay loại tiền thanh toán xuất khẩu bằng loại tiền khác, ổn định hơn". Ảnh: Nguyễn Sa
Còn theo giải pháp của ông Kiên thì doanh nghiệp có thể thay đổi đồng tiền thanh toán (trước giờ doanh nghiệp có thói quen thanh toán xuất khẩu bằng USD). Ngoại trừ xuất hàng vào Mỹ, còn nếu xuất vào châu Âu doanh nghiệp có thể chuyển sang đồng euro, hiện May Saigon 2 đang tìm hiểu xem các loại tiền khác ở nước sở tại của họ xem có ổn định không để tiến tới phương án chuyển loại tiền thanh toán.
Bên cạnh đó còn có nhiều đề xuất khác nữa như giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng giá thành đầu ra. Ông Võ Văn Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty may Toàn Cầu cho rằng “làm mà lỗ thì thà không làm” và đề nghị các công ty bạn cùng nhau tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu.
“Tôi được biết ở TQ tình hình cũng tương tự chúng ta, có dự báo hàng dệt may TQ sẽ tăng từ 30-40%. Do vậy tại sao chúng ta không tăng giá để chống lỗ?” - ông Ngân nói.
Còn theo ông Sinh, để con thuyền “mắc cạn” có thể vượt qua vũng lầy thì nỗ lực thu gọn từ phía doanh nghiệp không chưa đủ, doanh nghiệp rất cần một lực kéo, ông Sinh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên bảo đảm tỷ giá USD để các ngành xuất khẩu còn biết đường mà tính toán.
- Nguyễn Sa