- Lần đầu tiên trong lịch sử, giá phân DAP trên thế giới đã đạt tới mốc 1.000 USD/ tấn. Trong nước, giá phân bón hai tuần nay cũng nóng lên, đặc biệt là phân urê và DAP, bởi nguồn nguyên liệu sản xuất đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Với mức giá 1.000 USD/tấn, FOB, Tập đoàn PhosChem của Mỹ đã bán 16.000 tấn DAP/MAP với giá này cho khách mua Trung Mỹ, giao hàng trong tháng 5-6/2008. Các nhà sản xuất từ các nước khác dự đoán cũng sẽ sớm đòi tới mức giá trên.
Giá phân bón thế giới leo thang (Ảnh TT).
Thị trường phân DAP đang sốt cao khi tuần qua có tới 3 cuộc gọi thầu mua 700.000 tấn DAP của Etiopiah, Iran và Ấn Độ mà không một đơn hàng riêng lẻ nào được thực hiện.
Tuần qua, các công ty nhập khẩu Việt Nam cũng phải trả mức giá 1.100 USD/tấn, CFR, để mua một lượng nhỏ DAP của Hàn Quốc.
Các nhà nhập khẩu đang lo ngại không biết giá DAP có thể sẽ tiếp tục tăng trong bao lâu nữa. Hiện thị trường phosphate chịu ảnh hưởng rất nhiều vào nguồn sulphure, trong khi nguồn nguyên liệu này đang thiếu hụt và giá tăng rất nhanh. Ngoài ra, những chính sách từ Chính phủ Trung Quốc cũng đang tạo sức ép lên thị trường DAP/phosphate toàn thế giới. Ước tính, nguồn cung cấp DAP sẽ giảm khoảng 700.000-800.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2008.
Trong nước, theo Ban Kế hoạch - Kinh doanh Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem), đến nay, giá nhiều loại sản phẩm và nguyên liệu sản xuất phân bón vẫn đang biến động và có xu hướng tiếp tục tăng, trong đó có một số nguyên liệu sản xuất có khả năng tăng giá đột biến.
Giá lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunfuric - một trong những nguyên liệu đầu vào sản xuất quan trọng của sản xuất phân supe phosphate) đến nay đã tăng trên 10% so với cách đây 1 tháng và đạt trên 600 USD/tấn.
Điều này làm cho một số đơn vị sản xuất supe phosphate gặp rất nhiều khó khăn. Dù giá supe phosphate Lâm Thao đã được nâng lên 2.400 đồng/kg, song, Vinachem tính toán với mức giá này nhà sản xuất vẫn bị lỗ khi các chi phí đầu vào cũng tăng. Hơn nữa, năm nay vấn đề vận tải đủ quặng apatit cho sản xuất vẫn là nỗi lo thường trực của các đơn vị.
Với việc tiếp tục tăng giá các loại nguyên liệu như urê, kali, DAP..., các nhà sản xuất phân NPK cũng phải tính toán rất thận trọng trong sản xuất và tiêu thụ để tránh bị lỗ hoặc đọng vốn.
Do vậy, Vinachem đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngay từ đầu năm phải tranh thủ tập trung nguyên liệu cho sản xuất ở mức tối đa. Các đơn vị phải đảm bảo giữ vững thị trường trong nước, tiếp tục tăng và điều chỉnh xuất khẩu phân bón ở mức hợp lý.
Thậm chí, ngay cả Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ từ tháng 4 tới phải ngừng hoạt động một tháng để bảo trì nên từ đầu năm đến nay, Phú Mỹ đã nhập tổng cộng khoảng 86.000 tấn phân bón các loại, trong đó 22.000 tấn đã được đưa ra thị trường và 64.000 tấn sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Hai tuần qua, giá phân bón trong nước tăng cao và vẫn trong xu hướng tăng. Giá urê tăng khoảng 300-500 đồng/kg, giá DAP tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Đồng Nai, giá phân DAP Trung Quốc tăng 1.300 đồng, lên 16.500 đồng/kg; phân urê tăng 300 đồng, lên 7.300 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, phân DAP tăng thêm 1.000 đồng, lên 16.700 đồng/kg. Tại Tiền Giang, DAP tăng 3.000 đồng, lên 17.000 đồng/kg.
-
H.Yên