- "Được phép điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và chuyển đổi hợp đồng là điều đáng mừng cho các nhà thầu, nhưng việc thực hiện chắc chắn còn đòi hỏi một quãng thời gian nữa..." - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nhận định mở màn buổi hội thảo "Vật liệu xây dựng tăng giá và nguy cơ phá sản của nhà thầu" do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 18/3/2008.
Đợi và chờ...
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, tuy Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao và Bộ Xây dựng kịp thời ra Thông tư hướng dẫn, song thực tế lúc này, các nhà thầu hầu hết vẫn đang "dài cổ" chờ đợi các bộ khác và địa phương hướng dẫn cụ thể, chờ bên A thỏa thuận chuyển đổi hợp đồng, chờ bên A được bổ sung vốn để thanh toán và mất thời gian xác định cơ chế giải quyết tranh chấp... Ngoài ra, các nhà thầu còn cần thuyết phục các chủ đầu tư tư nhân và nước ngoài chấp nhận việc điều chỉnh giá.
Chính thức được điều chỉnh giá vật liệu xây dựng - ngày ấy còn xa? (Ảnh: T.A.N) |
Cũng như vậy, KS Nguyễn Thành Phương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vinaconex cho rằng "thực tế để các văn bản này đi vào thực hiện còn rất nhiều vấn đề". Bằng kinh nghiệm thực tế 3 dự án Tổng Công ty này đang làm tổng thầu, ông Phương cho rằng theo Thông tư mới ban hành, chủ đầu tư và nhà thầu phải tự thỏa thuận với nhau về mức giá điều chỉnh trong khi chủ đầu tư thực chất chỉ quản lý về mặt tiến độ, chất lượng công trình, không đủ thẩm quyền và căn cứ để xác định mức giá điều chỉnh.
Do vậy, nếu thực hiện theo Thông tư 05/2008/TT-BXD, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải tự xây dựng cơ sở pháp lý để thương thảo nhằm đi đến đồng thuận một mức giá tạm tính, và ở đây dễ nảy sinh cơ chế "xin - cho" hoặc các mâu thuẫn do không cùng quan điểm. Đó là chưa kể, một số chủ đầu tư né tránh trách nhiệm, kéo dài và trì hoãn việc xác định mức giá điều chỉnh, gây khó khăn cho các nhà thầu!
Đối với các dự án vốn ngân sách Nhà nước, việc xác định giá điều chỉnh còn liên quan đến trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước (cơ quan quản lý và cấp phát vốn), thanh tra, kiểm toán (khi quyết toán công trình). Trong trường hợp có những ý kiến trái chiều với sự điều chỉnh giữa chủ đầu tư với nhà thầu, KS Phương đặt câu hỏi "Đơn vị nào sẽ đủ thẩm quyền đưa ra những quyết định cuối cùng?"!
Chưa hết, TS Nguyễn Văn Công - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Tư vấn Công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (Coninco) còn nêu một số nguy cơ tiềm ẩn báo hiệu chất lượng công trình có thể suy giảm do nguyên nhân giá cả. Theo TS Công, thi công trong điều kiện các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng từ 3 - 40%, không ít nhà thầu đã "bỏ của chạy lấy người" khi việc thương lượng bù lỗ giá vật liệu xây dựng với chủ công trình bất thành. Những chủ thầu còn đủ "can đảm" tiếp tục thi công nhưng coi lợi nhuận là trên hết thì tìm mọi cách giảm mác vữa xây, mác vữa bê-tông, giảm lượng thép, sử dụng những vật tư vật liệu kém chất lượng... để tránh "lỗ", khiến chất lượng công trình bị đe dọa.
Chấp nhận công trình đình đốn?
"Quyết định thay đổi giá của chủ đầu tư đôi khi phải mất hàng tháng để ban hành như vậy, dẫn đến tiến độ các công trình bị chậm, việc thanh toán cho nhà thầu cũng vì thế mà không thể thực hiện đúng kế hoạch. Trong khi đó, phần lớn vốn thi công của nhà thầu là vốn vay, chậm thanh toán là thêm lãi suất ngân hàng!" - Phó Tổng Giám đốc TCty Vinaconex Nguyễn Thành Phương cho biết.
TS Phạm Sỹ Liêm đi đến kết luận: "Vậy trong thời gian chờ đợi ấy, có nên để tiến độ thi công các công trình bị đình đốn không? Theo tôi, Chính phủ nên có sự chỉ đạo thêm về việc này theo hướng yêu cầu các chủ đầu tư tạm ứng tiếp tục để các nhà thầu có vốn kinh doanh và trả nợ ngân hàng. Nếu công trình có thầu phụ thì bên A nên trực tiếp tạm ứng cho cả thầu phụ chứ nếu qua tay thầu chính chắc chắn sẽ bị giữ lại vì họ đang khát vốn"!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Liêm cũng lưu ý, trong tình huống hiện nay, các nhà thầu phụ và nhà cung ứng vật tư thiệt thòi nhất do bị nhà thầu chính chiếm dụng vốn (nói cách khác là phải gánh phần lớn rủi ro).
Cơ chế tạm ứng này - theo ông Liêm, là vô cùng cấp bách. Nếu không, nước xa sẽ không cứu được lửa gần, nhà thầu e sớm đồng loạt phá sản trong cảnh đùn đẩy trách nhiệm của bộ máy quan liêu!?
Và, nếu điều đó xảy ra, thiệt hại lớn nhất lại chính là nền kinh tế quốc dân, vì các dự án đầu tư công về kết cấu hạ tầng đình trệ làm nền kinh tế không tiếp nhận nổi dòng vốn FDI kỷ lục đang hứa hẹn chảy vào nước ta, và hiệu quả đầu tư giảm sút cũng làm tăng hệ số ICOR thêm nữa...
Về mặt quản lý nhà nước, sau khi đưa ra 6 nội dung đang chờ giải thích quanh Thông tư 05 (kể trên), TS Nguyễn Ngọc Long - Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông nhận định trước hết cần sửa Điều 38 của Luật đấu thầu qui định "nhà thầu có giá thấp nhất và có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt là nhà thầu trúng thầu" và Điều 57 của Nghị định 111/2006/NĐ-CP qui định "trường hợp giá dự toán của gói thầu được duyệt thấp hơn giá gói thầu đã duyệt thì dự toán sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xem xét kết quả lựa chọn nhà thầu".
Nếu những qui định này không được sửa, nguy cơ đình trệ dự án là rõ ràng vì tình trạng phổ biến hiện nay là dự toán chỉ vừa mới lập xong (trên cơ sở báo giá không đủ độ tin cậy) chỉ vài tháng đã thay đổi. Một trong những mục tiêu của doanh nghiệp là kinh doanh chủ động và có lãi. Doanh nghiệp thua lỗ, dự án sẽ "chậm tiến", chủ đầu tư cũng không được lợi gì!
Không chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế điều chỉnh giá, chuyển đổi hợp đồng, KS Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Nam Định đề đạt: Để né tránh các bất cập không lường trước, chủ đầu tư nên ghi vào qui định đấu thầu khi lập hồ sơ mời thầu mục "Trượt giá" khi ký kết hợp đồng với nhà thầu sau khi đã thương thảo sao cho phù hợp quá trình thi công...
-
Hoàng Huy