- Việc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia TTCK và giao dịch ra sao đang được xem như là động lực lớn nhất để kéo VN-Index, HASTC- Index lên khỏi "vũng lầy”. Sau một phiên điều chỉnh giảm, ngày 12/3/2008, VN-Index tăng trở lại cũng được dẫn lý do từ việc SCIC sẽ mua cổ phiếu cầm cố. Có vẻ như nhà đầu tư (NĐT) đang kỳ vọng quá nhiều vào SCIC…
Đã 4 phiên SCIC mua vào cổ phiếu thông qua những tài khoản tại công ty chứng khoán SSI nhưng mua bao nhiêu, mua cổ phiếu gì thì vẫn trong vòng bí mật mặc cho thiên hạ đoán già đoán non!
Ngay cả những con số 3.000, 5.000 rồi 7.000 tỷ được cho là tổng số tiền mà SCIC sẽ đổ vào TTCK niêm yết để vực dậy giá chứng khoán cũng đã được ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC khẳng định là không chính xác.
Thật ra chẳng có gì ngạc nhiên khi SCIC để ngỏ mọi khả năng tiền vốn, số lượng, danh mục, thời gian mua… vì nhiệm vụ chủ yếu của họ là tham gia để bình ổn TTCK chứ mục đích kinh doanh chưa được đặt lên hàng đầu.
Việc SCIC tham gia TTCK và giao dịch ra sao đang được NĐT xem như là động lực để kéo VN-Index, HASTC- Index lên khỏi "vũng lầy". Ảnh minh họa của LAD |
Nói cách khác, SCIC đang đóng vai một “nhà đầu tư lớn” để kéo các NĐT khác khỏi cơn khủng hoảng và họ sẽ rút ra khi TTCK đã đủ “khỏe” nếu như tuyên bố và nhiệm vụ bình ổn của họ hoàn thành và thực sự SCIC không lấy lời lỗ làm tiêu chí số 1. Vì vậy hy vọng vào việc SCIC sẽ mua cổ phiếu dài dài để đẩy VN-Index về lại mốc 1000 như nhiều người kỳ vọng, các tổ chức tài chính mong đợi e rằng hơi mong manh.
Mặc dù SCIC khẳng định họ đủ khả năng để hỗ trợ thị trường nhưng với giá trị nhiều phiên giao dịch lên tới xấp xỉ 1000 tỷ đồng thì số vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng nếu SCIC được cấp đủ xem ra vẫn như “muối bỏ biển”. Hơn nữa là một Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước, SCIC vẫn phải tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật cho nên khó có chuyện SCIC sẽ “cứu” TTCK bằng mọi giá như nhiều người nghĩ.
Dù SCIC đặt nhiệm vụ bình ổn TTCK lên hàng đầu nhưng nguồn vốn của họ vẫn là vốn Nhà nước, nói cách khác thì đó là từ ngân sách, tiền thuế hay tài sản quốc gia cho nên họ vẫn phải tính toán lỗ lãi mà kinh doanh chứng khoán thì không phải lúc nào cũng mua rẻ chờ lên như mấy ngày qua. Và quan trọng nhất là SCIC không thể mua mãi mà không bán, lúc đó tâm lý NĐT có quay chiều như họ đã tranh nhau mua vào khi SCIC mua hay không?
Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam nói: “SCIC chỉ là giải pháp tạm thời mà TTCK muốn phát triển bền vững, không lặp lại cơn bão như vừa qua thì cần phải có rất nhiều những giải pháp khác”. Ông Nam còn cho rằng việc SCIC tham gia TTCK dù không kinh doanh như họ đã nói thì những “ưu đãi” đang dành cho họ như được mở nhiều tài khoản, danh mục và nguồn vốn đổ vào TTCK chỉ một số người biết và nhất là nhà đầu tư trông chờ quá nhiều vào đường đi nước bước của họ không phải là điều hay cho TTCK Việt Nam.
Hiện có 5 loại thông tin mà SCIC giữ kín : tổng khối lượng tiền SCIC có thể dùng để mua cổ phiếu, tên cổ phiếu SCIC sẽ mua, giá mua vào, thời gian dự kiến mua và tỷ trọng phân bổ.
Nhiều hy vọng, sàn chứng khoán bắt đầu xanh trở lại. Ảnh chỉ có tính chất minh họa của LAD |
Bên cạnh đó SCIC cũng cho biết tổ công tác gồm nhiều bộ ngành sẽ quyết định những việc “tuyệt mật” trên. Tuy nhiên trên các sàn đã bắt đầu râm ran về việc “bật mí” những thông tin “tuyệt mật” trên, có thể đó chỉ là tin đồn nhưng với những gì mà nhà đầu tư đã trải qua cũng như lợi nhuận quá hấp dẫn, ảnh hưởng quá nhạy cảm của các thông tin trên thì tổ công tác và SCIC cần phải xem xét kỹ những quyết định và cách làm của mình.
Trong nhiều năm qua, khi SCIC sắp rút vốn từ doanh nghiệp nào hay sẽ đầu tư ra sao thì thông tin hầu như đã được biết trước khi công bố. Một số chính sách của UBCKNN cũng đã được đoán chính xác từ khi còn nằm trên bàn của các cấp. Vì thế không có gì khó hiểu khi nhà đầu tư lo ngại mình chậm thông tin về SCIC hơn những người khác.
Mặc dù ông Lê Song Lai tiết lộ các cổ phiếu được SCIC lựa chọn mua vào phải đáp ứng yêu cầu là cổ phiếu loại tốt, có hiệu quả và tính thanh khoản cao. Nhưng những tiêu chí trên vẫn là bài toán khó với cả những nhà kinh doanh chứng khoán sừng sỏ, nhiều kinh nghiệm. Liệu thành công SCIC sẽ thoát khỏi “vòng kim cô” bình ổn dể kinh doanh thực sự và ngược lại nếu thua lỗ (hoàn toàn có thể xảy ra)?
Vì vậy nhà đầu tư nên bình tâm suy xét đừng quá trông chờ “có SCIC thì TTCK Việt Nam sẽ khởi sắc”.
Mới đây HSBC đã nhận định VN-Index sẽ lên tới 1.100 điểm vào cuối năm nay. Trước đây chúng ta cũng đã từng nghe nhiều điều này và không ít lần… sai. Hàng lọat chuyên gia cũng từng khuyến cáo mua vào khi VN-Index 1000, rồi 900, 800, 700… và kết quả là nhiều nhà đầu tư đã “ngửa mặt than trời” vì tin theo và thua lỗ.
Nhắc lại những chuyện trên để cho thấy SCIC cũng có khả năng mua, bán sai và rủi ro chực chờ, cho nên đừng quá kỳ vọng vào SCIC, nhất là khi SCIC có những điều kiện, tiêu chí, nhiệm vụ… khác rất nhiều nhà đầu tư.
- Hà Phan
Ý kiến của bạn?