- Dù được phép điều chỉnh giá và hợp đồng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng các chủ đầu tư, nhà thầu phải thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh này và đặc biệt không để ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng vừa ký công văn đề nghị các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư, hợp đồng xây dựng theo qui định tại Thông tư 05/2008/TT-BXD.
Việc điều chỉnh này cần được phối hợp thực hiện sao cho không ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng các công trình.
Trước đó, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi trao đổi với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng đã ra Thông tư (kể trên) hướng dẫn điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng cùng hợp đồng xây dựng do biến động giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được áp dụng đối với các gói thầu đã và đang triển khai thực hiện theo hình thức giá hợp đồng trọn gói, hình thức giá hợp đồng theo đơn giá cố định. Đồng thời, Thông tư hướng dẫn điều chỉnh hình thức giá hợp đồng đối với các hợp đồng đã lỡ thực hiện hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thành giá hợp đồng theo giá điều chỉnh.
Phương pháp cụ thể: Điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định cho từng hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án. Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Căn cứ vào nội dung từng hợp đồng cụ thể, dự toán chi phí xây dựng bổ sung có thể xác định bằng hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu hoặc bằng cách tính bù trừ chi phí vật liệu trực tiếp.
Mặc dù phía Bộ Xây dựng cho rằng Thông tư này đã hướng dẫn khá chi tiết và đầy đủ, có thể coi như "cầm tay chỉ việc", giao quyền cho các chủ đầu tư cứ theo đó mà thực hiện - song khá đông nhà thầu vẫn cho biết công trình "giậm chân tại chỗ", đình trệ, thậm chí họ có nguy cơ phá sản vì thiếu hướng dẫn từ các sở, ngành liên quan và vì sự chậm trễ, lúng túng, nấn ná, chưa dám "quyết" của các chủ đầu tư.
-
Hoàng Huy