- Sau một phiên giảm điểm khá mạnh, hầu hết các cổ phiếu đã quay đầu tăng giá trong bối cảnh chứng khoán Mỹ, đặc biệt chứng khoán châu Á vừa có một phiên tăng điểm rất ấn tượng.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 12/3, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam tăng 5,19 điểm (tương đương tăng 0,81%) lên 643,9 điểm.
Như vậy, chỉ số VN-Index tính cho tới thời điểm này giảm 45% so với đỉnh cao được thiết lập cách đây đúng 1 năm là 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007.
Khá nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân khiến chứng khoán đã liên tục đi xuống trong 1 năm qua là giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, lạm phát đứng ở mức cao; sự mất cân bằng về cung-cầu cổ phiếu; kinh tế Mỹ suy thoái kéo theo chứng khoán Mỹ và châu Á xuống mạnh…
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều nhà đầu tư khá tin tưởng vào sự hồi phục của thị trường trong bối cảnh các cơ quan chức năng đã có những biện pháp khá mạnh để kiềm chế lạm phát; giảm lượng cung và tăng cầu cho thị trường chứng khoán…
Ảnh minh hoạ: LAD
Chứng khoán thế giới tăng mạnh mẽ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3 (5h sáng 12/3 giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ đã bất ngờ bùng lên mãnh liệt, với tất cả các chỉ số chứng khoán chính tăng gần 4%, mức mạnh nhất trong vòng 5 năm qua cho dù giá dầu tiếp tục đứng ở mức cao kỷ lục, khoảng 107 USD/thùng.
Chứng khoán châu Á trong phiên hôm qua 11/3 cũng đã tăng khá mạnh trở lại với một số chỉ số chính như Hang Seng tăng 1,28%; chỉ số Straits Times tăng 0,83%; chỉ số Nikkei 225 tăng 1,01%...
Mở đầu phiên giao dịch sáng nay (12/3), hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á cũng đang tăng rất mạnh. Chỉ số Nikkei 225 tăng 230 điểm; Topix tăng 1,92%; Hang Seng tăng 2,08%; Singapore Straits Times tăng 2,36%...
Chứng khoán thế giới tăng điểm rất mạnh như vậy là nhờ hiệu ứng của việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cho biết sẽ quyết định bơm thêm 200 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính nước này để giúp họ thoát khỏi suy thoái vì bóng ma khủng hoảng tài chính gây ra từ sự suy giảm trên thị trường nhà đất và thị trường cho vay thế chấp.
SCIC tiếp tục hỗ trợ thị trường
Diễn biến trên sàn chứng khoán TP.HCM sáng nay đã khác khá nhiều so với 2 phiên trước đó. Lượng bán ra do mua được cổ phiếu khi VN-Index ở mức thấp (dưới 600 điểm) vào cuối tuần trước đã giảm hẳn.
Trong khi đó, lượng đặt mua cổ phiếu tăng khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, dư mua ở mức giá cao hơn giá tham chiếu ở hầu hết các mã vẫn còn khá nhiều.
Các nhà đầu tư sáng nay đón thêm một thông tin hỗ trợ là việc Tổng công ty Quản lý và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã được đặc cách mở nhiều tài khoản để hỗ trợ thị trường có hiệu quả.
Bên cạnh đó, để giải quyết sự bế tắc trong việc giải quyết bế tắc cho các công ty chứng khoán, SCIC sẽ hiện giao dịch thoả thuận các loại chứng khoán nằm trong danh mục giải tỏa cầm cố do các công ty này cung cấp.
Đây được coi là những động thái rất cụ thể mở đường cho SCIC giúp ổn định thị trường.
12/3: Cổ phiếu “xanh” trở lại
Trở lại với phiên giao dịch ngày 12/3, trong đợt 1, nối tiếp xu hướng mất điểm hôm qua chỉ số VN-Index đã giảm 6,63 điểm xuống 632,08 điểm.
Tuy nhiên, bước sang đợt khớp lệnh liên tục, dấu hiệu tăng trở lại của thị trường rõ dần khi các mã cổ phiếu bắt đầu “xanh” trở lại, và có lúc VN-Index đã tăng đến hơn 15 điểm, nhưng đến cuối phiên VN-Index tăng nhẹ 0,81%. Khối lượng giao dịch đạt hơn 13 triệu đơn vị.
Trong số 154 mã chứng khoán niêm yết trên sàn, có 80 mã tăng giá, 20 mã giữ giá tham chiếu và 53 mã giảm giá.
Trong các cổ phiếu lớn nhất trên sàn, ngoại trừ ITA của Itaco giảm 3.000 đồng xuống 95.000 đồng/cổ phiếu, các mã còn lại đều giữ được mức an toàn khi đều tăng nhẹ nhàng.
Cụ thể, FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT và PVD của PV Drilling cùng tăng 3.000 đồng lên 137.000 đồng/cổ phiếu và 118.000 đồng/cổ phiếu; DPM của Đạm Phú Mỹ và HPG của Hoà Phát tăng 1.500 đồng lên 57.000 đồng/cổ phiếu và 82.000 đồng/cổ phiếu.
Các mã còn lại như STB của Sacombank, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, SSI của Chứng khoán Sài Gòn cũng có mức tăng từ 500 - 2.000 đồng.
Trong nhóm các cổ phiếu tăng giá, đã có 12 mã tăng trần như các mã TAC, VIP, SMC, SJ1, BT6, DRC....Đã có 15 mã giảm sàn trong đó có một vài mã góp mặt gần đây trên sàn như DQC, DXV, ASP.
Về khối lượng khớp lệnh, STB nhiều nhất với 1.831.430 cổ phiếu, SSI với hơn 1,7 triệu cổ phiếu, DPM với 1.467.140 cổ phiếu, sau đó là VFMVF1, PRUBF1, FPT, HPG, DQC, PPC...
-
Nhất Linh