- TTCK Việt Nam đang trải qua giai đoạn đen tối, phần lớn các nhà đầu tư đều đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư đã viết “thư khẩn cấp” gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp. Cũng trong chiều ngày hôm qua (4/3/2008), tại cuộc họp khẩn giữa Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán gồm gần 100 công ty chứng khoán và quản lý quỹ, với đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở Hà Nội, 4 giải pháp cấp bách nhằm "cứu" thị trường đang tuột dốc đã được đưa ra. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Xin giới thiệu quan điểm của một chuyên gia trong lĩnh vực hoạch định chính sách tài chính về vấn đề này:
Thứ nhất, việc VN-Index tuột dốc phần lớn là sự biến động của thị trường thứ cấp (thị trường giao dịch) chứ không phải của thị trường sơ cấp (thị trường phát hành). Thực chất, việc giá cổ phiếu đang đi xuống chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, mà chính xác ra là các nhà đầu cơ chứng khoán chứ không tác động đến tình hình tài chính và kinh doanh của các công ty niêm yết.
Duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và chống lạm phát quan trọng hơn rất nhiều việc "giải cứu" TTCK. Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Các nhà đầu cơ chứng khoán đã thổi giá chứng khoán lên quá cao trong năm 2006 và 2007, đến nay, cổ tức thu được từ việc đầu tư không đáng là bao so với tiền lãi tiết kiệm (nếu họ mang số tiền đó gửi tiết kiệm) nên bây giờ mới chợt nhận ra là chứng khoán không phải là một thứ công cụ để "đổi đời" như nhiều người lầm tưởng. Việc thị trường điều chỉnh xuống sâu như hiện nay, nếu nhìn theo một khía cạnh khác, lại là điều không đáng lo vì mọi thứ cần được định giá đúng giá trị thật, kể cả chứng khoán.
Việc điều chỉnh thị trường như vậy, thậm chí, sẽ giúp tháo ngòi cho quả bom nổ chậm, giúp cho quả bong bóng của chúng ta an toàn hơn.Thứ hai, nhiều người cho rằng giá cổ phiếu giờ đây đã quá rẻ để mua? Xin thưa rằng giá cổ phiếu không quá rẻ như mọi người nghĩ. Theo ngân hàng HSBC, chỉ số PE trên thị trường Việt Nam bây giờ là 13, là lý tưởng để mua vào. Liệu điều này có đúng? Trên thị trường quốc tế, lãi suất đồng USD, EUR, JPY.. chỉ dao động ở mức từ 1 – 5%/năm. Như vậy, nếu gửi tiền ngân hàng thì phải sau khoảng 15-20 năm mới có thể được gấp đôi (tính lãi kép). Do đó, chỉ số PE vào khoảng 13 là lý tưởng (tức là nếu đầu tư chứng khoán thì sau 13 năm sẽ thu hồi được vốn gốc ban đầu và có lãi là chính chứng khoán chúng ta đang năm giữ). Tuy nhiên, với lãi suất VND luôn khoảng từ 9-12%/năm, chúng ta chỉ cần gửi tiền tiết kiệm trong vòng 8-9 năm là đã được gấp đôi.
Như vậy, chỉ số PE trên thị trường Việt Nam nói chung phải thấp hơn 8 thì đầu tư chứng khoán mới lợi hơn gửi tiền tiết kiệm.
Thứ ba, Việt Nam đang hướng theo nền kinh tế thị trường, vậy việc can thiệp để cứu thị trường có phù hợp các quy luật của một nền kinh tế thị trường dựa trên quan hệ cung cầu? Các giải pháp mà các nhà đầu tư đưa ra đều chỉ vì bảo vệ quyền lợi của chính mình và đi ngược lại quy luật của kinh tế thị trường.
TTCK cần phải được điều tiết theo đúng quy luật thị trường. Ảnh minh họa |
Thứ tư, chúng ta đang đối mặt với lạm phát. Lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người từ thành thị đến nông thôn và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Còn thị trường suy giảm chỉ tác động đến một bộ phận các nhà đầu tư. Do vậy, việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và chống lạm phát quan trọng hơn rất nhiều việc cứu thị trường thứ cấp nhất là khi hai việc này không thể làm cùng một lúc.
Chúng ta cần hiểu rằng việc các nhà đầu tư thua lỗ hiện nay chỉ đơn giản là việc người này móc tiền của người kia một cách hợp pháp chứ không phải do các công ty làm ăn thua lỗ trầm trọng. Như vậy cũng giống như trước đây mọi người cùng “thắng lớn” nhờ đầu cơ cổ phiếu chứ không phải là do các công ty làm ăn hiệu quả và do nền kinh tế phát triển đột phá
Thứ năm, trước khi sốt giá cổ phiếu, trong các năm 2002-2005, VN-index chỉ dao động trong khoảng 200-300 điểm nào có thấy ai kêu “cứu”. Giờ đây, VN-index vẫn còn cao gấp đôi thời điểm năm 2005. Vậy việc cứu thị trường thứ cấp có cần thiết? Trong thời điểm hiện tại nên ưu tiên "cứu" cái gì? Lạm phát hay TTCK?
-
Trịnh Đức Vinh
Bạn đọc Xuân Sơn:
Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Nếu như nhu cầu vốn đầu tư của toàn xã hội chỉ dừng ở đây thì Chính phủ không cần phải cứu chứng khoán. Rõ ràng điều đó là không thể. Mặc dù hiện nay chủ yếu chỉ là biến động của thị trường thứ cấp, tuy nhiên tác động của nó đến thị trường sơ cấp là không nhỏ. Thị trường thứ cấp bị tàn phá thì thị trường sơ cấp cũng sẽ không có cơ hội mở rộng và điều đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư của toàn xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Quan sát những động thái của Fed đang làm đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Rõ ràng một quốc gia với nền tài chính phát triển thì hành động của Fed chắc chắn phải có lý do xác đáng.
Nguyễn Huy Đông, email: dongnguyen6103@yahoo.com
Đừng bao giờ nói và bắt Chính phủ bảo hộ TTCK. Các đơn vị có IPO phải chứng minh sự minh bạch rõ ràng, thành quả hoạt động sản xuất kinh doanh hấp dẫn, đầy tiềm năng thì nhà đầu tư mới quan tâm IPO của đơn vị đó và gắn bó đến đơn vị đó. Các công ty chứng khoán nên chỉ có chức năng môi giới chứng khoán trên cơ sở kiểm toán độc lập bắt buộc đối với đơn vị có IPO và làm chức năng ký quỹ nhưng không cầm cố để tránh thao túng TTCK. Hiện nay phát hành IPO ra sàn trung tâm chứng khoán chỉ có 30% mà giá trị thật đã phóng đại lên gấp 10 lần (không minh bạch), cho nên giả sử giá sàn xuống 1 đồng đi nữa các doanh nghiệp cổ phần vẫn không sập tiệm, mà hoạt động kinh doanh vẫn bình thường, vẫn kinh doanh có lãi đều đều, thậm chí năm sau tăng doanh số cao hơn năm trước... Các đơn vị có IPO nên bắt buộc bán ra sàn 50%, khi đó nhà đầu tư mới có trách nhiệm quan tâm đến doanh nghiệp cổ phần và ngược lại doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm quan tâm đến nhà đầu tư.
Theo dự tính của tôi thì chỉ số VN-Index nếu hạ xuống điểm 500 lập đáy mới sau đó sẽ dao động hợp lý trong biên độ +/-5 đến +/- 10 , cho đến năm 2009-2010 khi Chính phủ công bố hoàn tất cổ phần hóa doanh nghiệp .
Đoàn Anh, 38 Bà Triệu-Hà nội, email: Doananhbigc@yahoo.com.vn
Tôi xin chia sẻ một số quan điểm trên đây của các bạn .Nhưng tôi thấy một số suy nghĩ về TTCK, các nhà đầu tư chứng khoán và việc cứu TTCK lại không đúng.Thứ nhất: TTCK là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ. Thứ hai: các nhà đầu tư chứng khoán không hoàn toàn là các nhà đầu cơ. Chính vì thế việc cứu và bình ổn TTCK là việc làm cần thiết của Chính phủ để làm tốt công tác điều hành vĩ mô của nền kinh tế quốc gia. Chứ không hẳn chỉ là cứu giúp các nhà đầu tư tránh thua lỗ. Tôi xin nhấn mạnh rằng:đây là một biện pháp cần thiết của công tác điều hành kinh tế của Chính phủ.
Nguyễn Tiến Long, 356 Phạm Văn Đồng - TP Plei Ku-Gia Lai, email: Long.nguyntinlong@yahoo. com
Thị trường chứng khoán tột dốc, suy giảm chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận rất nhỏ các Nhà đầu tư, Chính phủ không nên can thiệp vào, nên tập trung giải quyết về vấn đề lạm phát và tăng trưởng kinh tế vì nó gắn liền với toàn dân và toàn đất nước
Trần Quốc Hùng, TPHCM, email: quochung08vn@yahoo.com
Một điều quá rõ ràng là TTCK không hề khủng hoảng mà nó chỉ xì hơi, quả bom nổ chậm đang được tháo ngòi và lành mạnh hóa. Nếu xét về phát triển dài hạn thì mức 600 điểm hiện nay vẫn là quá cao, một mức phát triển trong mơ. TTCK đang được lành mạnh hóa, một điều rất tốt.
Nguyễn Thị Cúc, Hải Dương, email: nguyenthicuc_1988@yahoo.com
Tôi nghĩ cứu thị trường chứng khoán rất quan trọng nhưng nó chỉ đem lại lợi ích cho một số cá nhân còn cứu lạm phát là đem lại lợi ích cho toàn xã hội không chỉ vì lợi ích của một số người mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của toàn xã hội. Chúng ta nên xem việc nào làm trước việc nào làm sau thì sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ các nhà TCKT hãy nên nhìn thẳng vào một thực tế là Nhà nước còn có rất nhiều việc phải làm không thể vì mỗi TTCK mà đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội được vì thế thay bằng kêu Nhà nước cứu thì trước tiên là tự tìm lấy con đường cứu mình.
Nguyễn Minh Châu, Thanh Hóa, email: chaunm@yahoo
Tôi đồng ý với tác giả bài viết này. Thực ra hiện nay TTKK đang đi đúng với giá trị thực của nó. Chỉ các nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ do đã mua không đúng với giá trị của cổ phiếu. Lúc họ lời lớn thì không thấy ý kiến gì, đến lúc thua lỗ lại kêu Nhà nước cứu. Vấn đề quan trọng hiện nay của Nhà nước là phải giảm lạm phát để không để tăng số lượng người nghèo trong xã hội, vì lạm phát chỉ có những người nghèo là bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế.
Ý kiến của bạn?