- Ngày 4/3, UBND tỉnh An Giang và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhóm họp với các ngân hàng, Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do thiếu tiền mặt cho kinh doanh sản xuất nông nghiệp trong những tuần qua.
Người nuôi cá tra lao đao khi ngân hàng tăng lãi suất cho vay và cá tra rớt giá. Trong ảnh: Đánh bắt cá tra nuôi ở ĐBSCL (Ảnh: Q. Đông) |
Một loạt những kiến nghị đã được gửi đến Chính phủ yêu cầu phải có chính sách, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo duy trì nguồn vốn phục vụ sản xuất ở ĐBSCL. Nhiều ý kiến yêu cầu Ngân hàng Trung ương và kể cả ngân hàng thương mại “chi viện” nguồn vốn phục vụ doanh nghiệp (DN) thu mua sản phẩm cá, lúa đang tới kỳ thu hoạch.
Trước đó ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT cũng cho biết đã kiến nghị Ngân hàng Trung ương điều chỉnh lãi suất tăng đảm bảo đủ tiền chi cho nông dân vay vốn sản xuất.
Ông Thơ nói, hiện nay nông dân đang vào thời điểm thu hoạch lúa rộ, đang bán lúa để thanh toán nợ đúng kỳ hạn với ngân hàng. Nhưng khoảng 1 tháng sau, bà con sẽ lại cần vay vốn để sản xuất vụ hè thu, mà lượng tiền mặt để thỏa mãn vốn vay cho nông dân là rất lớn.
Con số này ở Cần Thơ, theo kế hoạch dư nợ sẽ tăng thêm 18% so với năm 2007 và ở An Giang - theo ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh An Giang là trên 14.000 tỷ đồng. Còn hiện tại trước tình hình biến động lãi suất ngân hàng, đô la giảm giá, hầu hết các ngân hàng đều hạn chế cho khách hàng nông dân vay vốn. Không riêng gì người trồng lúa, nông dân nuôi cá tra đang điêu đứng vì không vay được vốn ngân hàng để mua thức ăn cho cá ăn khi cá vào giai đoạn cuối kỳ thu hoạch.
HIện nay giá cá loại 1 đã giảm từ 15.200 đồng/kg xuống còn 14.000 đồng/kg; chất lượng các loại cá tra khác cũng giảm tương đương 1.000 đồng/kg. Điều đáng nói khi giá cá đã giảm đột ngột như vậy nhưng các DN vẫn từ chối không mua cá của nông dân. Lý do DN chèn ép nông dân được các chủ nhà máy giải thích là không vay được tiền của ngân hàng, nhưng khi nông dân chấp nhận bán trả chậm, bán tháo để ngừa rủi ro thì DN lại tìm cách thêm giá.
Thực tế khi ngân hàng hạn chế cho vay vốn, hoặc đẩy lãi suất lên cao 2,5%/tháng đến trên 3%/ tháng như ở Cần Thơ đã gây ra chuỗi thiệt hại cho cả doanh nghiệp, nhà phân phối và người sản xuất.
Bị khống chế vốn vay, người nuôi từ vài trăm đến 1000-2000 tấn cá tra bị rơi vào thế “nuôi tiếp thì không có tiền mua thức ăn, còn bán thì bị đè giá, mà bán cũng không được trả tiền mặt để trả nợ“. Theo một nông dân thì từ trước đến nay, ngân hàng lúc nào cũng giữ chữ tín với khách hàng nên nông dân đầu tư mạnh ngay từ đầu vụ, nhưng đến cuối vụ khi nông dân cạn vốn thì bất ngờ bị... bẻ kèo!
Hiện đã có hàng vạn nông hộ rơi vào cảnh bế tắc kéo theo nhều hệ lụy bất an ở vùng vựa lúa ĐBSCL.
-
Q. Đông