- Trong số một loạt các biện pháp kiềm chế lạm phát mà Thủ tướng chỉ đạo hôm 3/3, có việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thắt chặt chi tiêu. Đối với Ngân hàng Nhà nước, chính sách lãi suất dương theo cơ chế thị trường và việc mua ngoại tệ cho các nhà đầu tư sẽ tiếp tục được thực hiện.
Thắt chặt chi tiêu
Trong công văn số 319/TTg-KTTH, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận việc chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng cao "đang là thách thức lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu đề ra về tăng trưởng và lạm phát".
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát tăng giá đi đôi với thúc đẩy sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo "nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng tiền đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ".
Biện pháp đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra là "cải thiện môi trường đầu tư để huy động đủ vốn, đáp ứng cho yêu cầu tăng trưởng, nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực công". Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: "Xem xét lại những công trình, dự án đọng vốn quá lâu hoặc công trình đầu tư kém hiệu quả; đình hoãn hoặc dãn những công trình chưa thật cần thiết".
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải điều hành chính sách tài khóa theo hướng "thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, hạn chế bội chi, đi đôi với thực hiện tốt chính sách tiền lương, chính sách đầu tư, xuất nhập khẩu".
Bộ Công thương và ủy ban nhân dân các địa phương được chỉ đạo "kiểm soát tốt thị trường trong nước, chống đầu cơ găm hàng tăng giá, lạm dụng lạm phát, lạm dụng vị thế độc quyền để kiếm lời". Đồng thời, để kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền, sẽ có những biện pháp phù hợp như định giá giới hạn, đăng ký giá, niêm yết và bán theo giá niêm yết...
Kiểm soát tín dụng để chống đầu cơ BĐS
Chính sách tiền tệ "chặt chẽ, chủ động và linh hoạt" chiếm một phần quan trọng trong số các biện pháp mà Thủ tướng chỉ đạo. "Ngân hàng Nhà nước công bố và hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại để bảo đảm khả năng thanh toán, xem xét tăng dự trữ bắt buộc, thực hiện chính sách lãi suất dương theo cơ chế thị trường".
Đồng thời với việc "tiếp tục mua ngoại tệ cho các nhà đầu tư", Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng "tính toán xem xét thứ tự ưu tiên việc mua ngoại tệ cho các đối tượng". Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng tiền đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ để hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, hút bớt tiền nhàn rỗi, giảm áp lực lạm phát và tăng dự trữ quốc gia hoặc đầu tư ra nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu việc điều hành tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ cũng như các ngoại tệ "theo hướng căn cứ vào cung cầu trên thị trường, với biên độ dao động ±2%".
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo: "Các giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng phải tiếp tục tạo điều kiện phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, chống đầu cơ thông qua kiểm soát tín dụng, chính sách thuế, kết hợp biện pháp hành chính".
"Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch, rà soát các danh mục đầu tư, dự án để tăng nguồn cung bất động sản. Đối với các dự án tốt, đầu tư đúng và lành mạnh, ngân hàng tiếp tục cho vay, nếu phát hiện có biểu hiện găm giữ, đầu cơ, mua đi bán lại thì phải thu hồi vốn và kiên quyết xử lý, nhất là các doanh nghiệp nhà nước không có chức năng tham gia vào thị trường này", Thủ tướng chỉ đạo cương quyết.
Đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện các biện pháp để "khôi phục, phát triển thị trường, không để thị trường đi xuống".
Đồng thời việc việc kiểm soát việc lập thêm các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại, Thủ tướng yêu cầu "tạo điều kiện cho các ngân hàng và công ty này nhanh chóng ổn định, từng bước tăng trưởng, nâng cao năng lực tài chính và quy mô hoạt động, góp phần tăng nhanh quy mô thị trường".
Thủ tướng cũng chỉ đạo tạm thời chưa phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài, nhằm tập trung thu hút nguồn ngoại tệ đang có ở trong nước.
-
Vân Anh