- Vụ rút hơn 2,6 tỷ đồng qua thẻ ATM rỗng của Eximbank là rủi ro chưa từng có trong lịch sử phát triển thị trường thẻ ở Việt Nam trong 15 năm qua. Sự việc đó cũng cho thấy đầy “lỗ hổng” về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ thẻ và là nỗi lo lắng của hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng thẻ ATM và thẻ tín dụng do hơn 20 ngân hàng thương mại trong nước phát hành.
Trong khoảng thời gian dài hơn 2 tháng, từ tháng 11/2007 đến giữa tháng 1/2008, ông Huỳnh Ngọc Tâm đã rút hơn 2,6 tỷ đồng qua hệ thống máy ATM từ tài khoản rỗng tại Ngân hàng Eximbank. Nhiều băn khoăn chưa được giải đáp từ chính cách trả lời đầy mâu thuẫn của Eximbank.
|
Sau vụ khách hàng rút được hơn 2,6 tỷ đồng từ một tài khoản rỗng, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về sự an toàn của hệ thống thẻ ngân hàng. (Ảnh: Phạm Hải) |
Vai trò quản lý và giám sát của NH phát hành thẻ ở đâu?
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, ngay từ khi cấp thẻ cho bà Huỳnh Anh chủ thẻ mà ông Huỳnh Ngọc Tâm đã sử dụng để rút tiền, nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã nhập nhầm tài khoản được thấu chi. Cách trả lời này hết sức vô lý bởi vì, nếu một nhân viên nhập nhầm thì còn có cán bộ khác làm nhiệm vụ kiểm soát của Eximbank phát hiện ra.
Nếu một người nhập nhầm tài khoản của khách hàng thì quá trình kiểm soát nội bộ của Eximbank phát hiện ra không đúng thì thẻ cũng không được chấp nhận và không thể sử dụng được. Đây là quy trình có tính chất bắt buộc trong phòng ngừa rủi ro, trong quản lý nội bộ của bất kỳ ngân hàng thương mại nào, kể cả giao dịch thủ công và giao dịch điện tử của ngân hàng.
Ngoài ra, cho dù có qua được khâu nói trên, có nghĩa là khâu nhập nhầm tài khoản được thông qua thì thẻ ATM không thể rút được tới 2,6 tỷ đồng. Bởi vì nếu là tài khoản thấu chi thì đó là thẻ tín dụng. Theo quy định thông lệ quốc tế cũng như tại các NHTM Việt Nam, chủ thẻ chỉ được thấu chi trong hạn mức chi tiêu trong tháng dựa trên cơ sở thu nhập của chủ thẻ.
Nếu là tín chấp thì người đó phải được cơ quan, doanh nghiệp xác nhận lương, thu nhập, thâm niên công tác. Nếu là tài sản thế chấp thì đó là sổ tiết kiệm do chính Eximbank phát hành hay cầm cố sổ tiết kiệm của Ngân hàng khác, hoặc số dư trong tài khoản tài Eximbank, hoặc ký quỹ tiền đồng Việt Nam, USD, euro…, hoặc hình thức tài sản đảm bảo nào khác theo hợp đồng rất chặt chẽ như dạng hợp đồng tín dụng với khách hàng.
Việc thấu chi cũng theo hạn mức được NHTM cấp cho khách hàng hàng tháng. Hạn mức thấu chi ở nước ta hiện nay dao động từ 20 triệu đồng/tháng/chủ thẻ đến 250 triệu đồng/tháng/chủ thẻ. Song hạn mức 250 triệu đồng chỉ được cấp cho khách hàng đặc biệt là chủ doanh nghiệp có uy tín, khách hàng VIP,… còn thông thường là 30 - 50 triệu đồng. Vào đầu tháng sau mỗi tháng, NHTM in sao kê các khoản chi tiêu hay rút tiền từ tài khoản thấu chi cho khách hàng.
Khách hàng kiểm tra và thanh toán tiền vào tài khoản cho NHTM. Nếu không thanh toán đúng hạn vào đầu tháng sau thì khách hàng bị chuyển sang nợ quá hạn, chịu lãi suất nợ quá hạn và không được tiếp tục thấu chi nữa. Bởi vậy cho dù khách hàng có thấu chi thì cũng chỉ có thể rút tối đa 250 triệu đồng trong tháng. Vượt quá hạn mức thấu chi đó thì máy tự động không cho khách hàng rút tiền hay chi tiêu mua bán hàng hoá, chi trả dịch vụ qua máy POS tại các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng… nữa.
|
Kiểm tra hệ thống rút tiền tự động ATM. Ảnh minh họa: Phạm Hải |
Hiệu quả của sự phối hợp quản lý giữa các ngân hàng thành viên?
Cũng theo quy định trong hệ thống SmartLink của mạng liên kết thẻ do Vietcombank chủ trì, trong đó Eximbank và Techcombank cùng là thành viên thì thẻ ATM hay thẻ tín dụng do ngân hàng này phát hành đều rút được tiền tại máy ATM của ngân hàng khác trong hệ thống. Việc thanh toán vốn liên hàng do chủ thẻ rút tiền từ máy ATM của ngân hàng khác giữa các ngân hàng thành viên trong liên minh thẻ được tự động bù trừ cho nhau. Việc sao kê việc rút tiền của khách hàng tại máy ATM của ngân hàng khác trong liên minh thẻ cũng được tiến hành tự động hàng tháng. Bởi vậy không thể có chuyện để kéo dài tới gần 3 tháng.
Dù là thẻ ghi nợ, từ thẻ thanh toán ATM; hay thẻ ghi có, tức thẻ tín dụng, thì việc rút tiền mặt tại máy ATM cũng có giới hạn số lần và giới hạn tối đa số tiền trong một ngày. Trong liên minh thẻ SmartLink, giới hạn tối đa một lần rút tiền mặt là 2 triệu đồng và một ngày là 6 triệu đồng, có thể có ngân hàng trong liên minh nâng hạn mức cho khách hàng lên 10 triệu đồng. Do đó cứ cho rằng trong 3 tháng, với gần 110 ngày, thì khách hàng cũng chỉ thực hiện được 330 lần cho đến tối đa là 550 lần giao dịch (một ngày rút tối đa từ 3 đến 5 lần tùy thẻ), chứ không thể là 1.300 giao dịch như trường hợp ông Huỳnh Ngọc Tâm đã thực hiện. Đồng thời tổng số tiền rút được trong 3 tháng tối đa cũng chỉ có thể là 900 triệu đồng chứ không thể là 2,6 tỷ đồng.
Thẻ tín dụng chủ yếu khuyến khích việc sử dụng không tiền mặt, đem lại tiện lợi cho cả khách hàng và người bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Theo đó chủ thể sử dụng để thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ thông qua các máy POS trang bị tại các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, đại lý bán vé máy bay, khách sạn, công ty du lịch,… Thẻ tín dụng không khuyến khích việc rút tiền mặt tại các máy ATM. Nếu chủ thẻ rút tiền mặt tại máy ATM thì phải mất phí 3% cho số tiến rút. Như vậy với tổng cộng số tiền đã rút ra là 2,6 tỷ đồng thì số phí khách hàng phải trả lên tới 78 triệu đồng. Như vậy tổng tố tiền mà Eximbank bị thiệt hại là 2,678 tỷ đồng chứ không phải là 2,6 tỷ đồng.
Liệu có sự cố ý làm trái của cán bộ ngân hàng?
Thẻ tín dụng cấp cho chủ thẻ, nếu có chủ thẻ phụ thì phải đăng ký. Trường hợp ông Huỳnh Ngọc Tâm sử dụng thẻ của bà Huỳnh Anh thì ông Huỳnh Ngọc Tâm có phải là chủ thẻ phụ được đăng ký và được Eximbank chấp thuận hay không cũng cần được làm rõ. Nếu không thì tại sao ông Huỳnh Ngọc Tâm lại mượn được thẻ của người khác để rút tiền mặt tới trên 1.300 lần trong gần 3 tháng.
Sự việc nói trên xảy ra tại Eximbank chưa từng có trong lịch sử phát triển thị trường thẻ ở Việt Nam trong 15 năm qua. Sự việc đó cũng cho thấy đầy “lỗ hổng” về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ thẻ. Công nghệ thẻ, quy trình quản lý rủi ro thẻ và trình độ của cán bộ của một số ngân hàng quá yếu kém. Dư luận cũng đặt câu hỏi là liệu rằng có sự cố ý làm trái của cán bộ Eximbank hay không, có sự thông đồng giữa cán bộ Eximbank và bên ngoài hay không!
Cách đây 1-2 năm đã từng xảy ra vụ việc cán bộ Eximbank lừa đảo hàng chục người làm thẻ, rút trên 7 tỷ đồng của chính Eximbank. Còn Techcombank cũng bị khách hàng là chủ thẻ ATM làm việc tại Sân bay Nội Bài kiện vụ việc vụ rút mất vài chục triệu đồng trong tài khoản. Bởi vậy dư luận bày tỏ những lo lắng về rủi ro đối với thẻ do Eximbank và Techcombank phát hành là điều dễ hiểu.
Những mâu thuẫn, những vấn đề vô lý và vấn đề đặt ra nói trên chắc chắn tới đây sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.