- Đa phần các dự án ODA hiện UBND TP Hà Nội đang quản lý đều "vướng" không về thủ tục hành chính thì cũng về công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu hoặc thủ tục thanh, quyết toán...
Hà Nội hiện đang quản lý 10 dự án đầu tư và 2 dự án hạ tầng kỹ thuật trong danh mục ODA, trong đó tình hình thực hiện 5 dự án đầu tư và 2 dự án hạ tầng kỹ thuật được đánh giá tốt (loại A), 1 dự án đầu tư xếp loại kém (D), còn lại 2 trung bình và 2 khá.
Riêng trong năm 2007, 6 dự án ODA của Hà Nội đã được phê duyệt, trong đó 3 dự án viện trợ không hoàn lại, 2 dự án vay ưu đãi và 1 dự án thành phần của dự án vay sử dụng vốn ngân sách của TP Hà Nội.
Hà Nội bao giờ mới được thoát nước để cải thiện môi trường? (Ảnh: Hoàng Huy) |
Theo UBND TP Hà Nội, việc giải ngân các dự án ODA trong năm 2007 đạt 139% kế hoạch giao do vượt kế hoạch giải ngân vốn ODA của các dự án lớn như: Thoát nước Hà Nội (dự án II); Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội (giai đoạn I)... Tuy nhiên, nhìn chung đa phần dự án đều có vướng mắc chưa dễ gì giải quyết không ở khâu nọ thì khâu kia.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đã vậy, khối lượng các hộ dân nằm trong chỉ giới GPMB cần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rất lớn mà thời gian hoàn thành dự án lại đặc biệt gấp gáp. Hiện, một số quận đang tạm dừng triển khai GPMB để chờ hướng dẫn của Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiểu dự án Hà Nội phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam "vướng" về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng và hiện rất chậm tiến độ do việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán của dự án. Theo UBND TP Hà Nội, hiện chưa có văn bản hướng dẫn lập dự toán đối với các dự án đầu tư về CNTT và vướng mắc này hy vọng sẽ được giải tỏa trong quý I/2008.
2 dự án "vướng" về đấu thầu là: Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (giá bỏ thầu của các nhà thầu cao hơn giá gói thầu đã được duyệt; hình thức hợp đồng trong kế hoạch đấu thầu có sai khác với qui định của Ngân hàng Thế giới) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội (quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng giữa phía Việt Nam và tư vấn Pháp mất quá nhiều thời gian để đảm bảo giá cạnh tranh).
Với dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Tây (hạng mục hệ thống thu gom và xử lý nước thải), thời gian thẩm định dây chuyền công nghệ kéo dài và sự phối hợp giữa nhà tài trợ với các cơ quan của TP còn nhiều "vướng víu". Cơ quan chủ trì giải quyết các vướng mắc này là các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư và hy vọng xong trong quý II/2008.
Cùng với đó, dự án Trường Công nhân kỹ thuật cao Việt Nam - Hàn Quốc chậm trễ triển khai các thủ tục đầu tư và theo UBND TP Hà Nội - "sự phối hợp giữa nhà tài trợ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội với UBND TP chưa thường xuyên, chặt chẽ".
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội (giai đoạn I) chậm thu hồi đất dọc đường Đào Duy Anh từ nút giao thông Kim Liên đến Phạm Ngọc Thạch và khu vực đầu ngõ Xã Đàn 2; việc quyết định phương án bảo tồn khu vực Đàn Xã Tắc cũng "ngốn" nhiều thời gian (hơn 1 năm)...
Đến đầu năm 2008, nhiều hộ dân vẫn chưa di dời để bàn giao mặt bằng thi công gói thầu CP2 cho dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì. Ngoài ra, nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án này vận hành chậm do chưa đóng được điện (vướng mắc trong nhập khẩu và lắp đặt cáp điện 22kV; quyết định về thanh, quyết toán công trình giữa phía Việt Nam và hợp đồng ký với nhà thầu nước ngoài không thống nhất...
-
Tràng An Nguyễn