221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1027254
Cạnh tranh hút khách quốc tế: VN gần "đội sổ" khu vực
1
Article
null
Cạnh tranh hút khách quốc tế: VN gần 'đội sổ' khu vực
,

(VietNamNet) - Việt Nam đang phải chạy theo các nước trong khu vực về hoạt động lữ hành quốc tế. Một đề tài nghiên cứu của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch - Bộ VHTT và Du lịch) mới đây đã "bắt bệnh" về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này của Việt Nam. Kết quả, ngoại trừ về giá, chúng ta gần như đứng "đội sổ" khu vực về các yếu tố liên quan.

Đề tài do Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên viên chính Vụ Lữ hành, làm chủ nhiệm, với sự tham gia của lãnh đạo, các chuyên viên của Vụ, một số nhà khoa học và đại diện DN lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, đề tài chỉ giới hạn nghiên cứu năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực lữ hành quốc tế (inbound) của Việt Nam so với các nước là đối thủ ở khu vực Đông Nam Á.

Chỉ khoảng 50-60% khách quốc tế đến Việt Nam là đi tour trọn gói, số còn lại tự đi du lịch - còn gọi là du lịch ba lô. (ảnh H.Y)

Thua kém đủ đường

Phân tích của nhóm tác giả nghiên cứu đề tài cho thấy, các công ty lữ hành Việt Nam đang có lợi thế duy nhất là cạnh tranh về giá. Lấy ví dụ, theo đơn giá do Công ty Lữ hành du lịch Hồ Gươm (Diethelm) cung cấp về một số chương trình tham quan ngắn ngày cho 2 người, giá tour ở Việt Nam khoảng 184 USD (vòng quanh Thủ đô),189 USD (thành phố khác) thì tại Thái Lan, con số này tương ứng là 363 USD và 448 USD hoặc ở Malaysia là 302 USD và 365 USD...

Như vậy, so với Thái Lan và Malaysia, giá của Việt Nam chỉ bằng một nửa. Thậm chí, kể cả so với Lào, Campuchia, mức giá của Việt Nam cũng thấp hơn mặc dù hai nước này thuộc diện kém phát triển nhất trong 5 nước cả về du lịch và kinh tế. Ngoài ra, các biểu phân tích khác cũng đều chứng tỏ, sản phẩm du lịch của Việt Nam rất cạnh tranh về giá, đặc biệt là các dịch vụ có chất lượng trung, cao cấp. 

Các công ty lữ hành Việt Nam luôn ở trong tình trạng báo động về chất lượng dịch vụ ở một khâu nào đó, một nơi nào đó và thời điểm nào đó. Điều này làm cho khách hàng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của lữ hành Việt Nam. 

Lý giải điều này, Th.S Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, DN lữ hành Việt Nam thì đông (trên 500) nhưng nhiều khi không vì mục tiêu kinh doanh lành mạnh, tối đa hoá lợi nhuận mà cạnh tranh bằng bất cứ giá nào, kể cả mánh lừa, để có được tour. 

Song, Th.S Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, xét về các yếu tố cạnh tranh có liên quan, như tiếp thị và quảng bá điểm đến, cơ sở hạ tầng, văn hóa bán hàng, nhân lực lữ hành... thì các công ty lữ hành Việt Nam thua kém đủ đường.

Ngay như trong yếu tố giá, Việt Nam kém xa Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Đơn cử, với chương trình tour zero (giá bằng 0) thu hút khách Trung Quốc của Thái Lan, Việt Nam chắc chắn không thể thực hiện được.

Đó là chưa kể, theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu (gồm 124 nước) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (công bố hồi 4/2007), năng lực cạnh tranh lữ hành của nước ta còn rất thấp và chỉ đứng trên Campuchia. Nguyên nhân là do hành lang luật pháp còn thiếu đồng bộ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Nguồn lực tự nhiên, nhân lực và văn hoá xếp thứ 76/124 nước, tuy đứng trên cả Trung Quốc, Philippines và Campuchia, song rõ ràng là chúng ta đang để lãng phí thế mạnh này. 

Cụ thể, chỉ số cơ sở hạ tầng là tồi tệ nhất với kết quả xếp hạng 121/124 nước, đồng nghĩa với việc Việt Nam cùng Campuchia và ba nước khác nằm trong nhóm 5 nước kém nhất 

Trong đó, hạ tầng hàng không của Việt Nam "đội sổ" bảng xếp hạng. Điều này là hiển nhiên do mật độ sân bay tại Việt Nam xếp thứ 123/124 nước, tức là nằm trong 2 nước kém nhất thế giới. Số lượng sân bay quá ít, tình trạng thiếu máy bay, thiếu chuyến bay, chậm chuyến, huỷ chuyến thường xuyên diễn ra. Các hãng lữ hành cũng kêu ca vì việc thu xếp vé cho khách quốc tế đến Việt Nam gặp nhiều khó khăn. 

Rồi chuyện thiếu phòng khách sạn cao cấp, phương tiện vận chuyển lạc hậu, hệ thống rút tiền tự động ATM tại các điểm du lịch rất ít... cũng khiến Việt Nam mất điểm về cạnh tranh.

"Năng lực cạnh tranh về thị trường, marketing trong lĩnh vực inbound của Việt Nam rất thấp. Đây là kết luận mang tính cảnh báo. Nó có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu không có những giải pháp cấp bách và hữu hiệu vì các đối thủ cạnh tranh trực tiếp đang vận động rất năng động và mạnh mẽ trên thị trường quốc tế để khẳng định vị thế cạnh tranh thu hút khách quốc tế", ông Tuấn cảnh báo.

Liệu có bứt phá? 

Nghiên cứu xác định, đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực lữ hành quốc tế của Việt Nam là các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Mạnh nhất phải kể đến Trung Quốc, kế đó là Thái Lan, Malaysia và Singapore. 

Càng ngày, Việt Nam càng phải đối diện với áp lực cạnh tranh rất mạnh từ các đối thủ chính trong khu vực. Trên thực tế, mặc dù tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng năm của Việt Nam luôn cao hơn so với hầu hết các nước ASEAN, nhưng về số tuyệt đối thì vẫn còn khoảng cách xa. 

Cụ thể, năm 2007, Việt Nam đón 4 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 18%. Song, con số này chỉ bằng 1/3 của Thái Lan (khoảng 12 triệu lượt) và Singapore (trên 10 triệu lượt), chưa bằng 1/4 của Malaysia (17,5 triệu lượt ) và đây là số liệu từ năm 2006.

Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam buộc phải thực hiện những cam kết mở cửa thị trường hơn nữa, phải thay đổi thể chế, chính sách, luật pháp... theo thông lệ quốc tế. Đây là tiền đề rất quan trọng để chúng ta trở thành “đối tác” của các tập đoàn du lịch quốc tế - một khâu trong hệ thống du lịch toàn cầu. Là thành viên WTO, Việt Nam sẽ ngang bằng hơn với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch. Khi cầu du lịch trên thế giới tăng thì đó cũng chính là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành du lịch.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn "cất cánh" nên có thể phát triển nhanh trong vòng 10-15 năm tới, trong khi Thái Lan, Singapore và Malaysia đang trải qua giai đoạn trưởng thành và từ nay đến năm 2020, sản phẩm du lịch của họ sẽ bão hoà.

Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, du lịch Việt Nam phải vượt qua được ba thách thức: Thứ nhất là tư duy kinh doanh. Tư duy trong kinh doanh du lịch vẫn mang đậm dấu ấn của tư duy tiểu nông, bao cấp.  Thứ hai là tổ chức kinh doanh. Việt Nam đang kinh doanh du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tức là được tổ chức một cách tự phát. Thứ ba là hoạt động điều hành của Chính phủ và ngành Du lịch. 

"Nếu để tự phát, ít có khả năng DN lữ hành Việt Nam cạnh tranh được với các hãng lữ hành nước ngoài. Chúng ta bị lép vế và phải chịu thua thiệt là điều khó tránh khỏi", ông Tuấn lo lắng.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động inbound của các DN Việt Nam, tập trung vào nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về Hiệp hội và nhóm giải pháp về các DN lữ hành. Đồng thời, các khuyến nghị lên Chính phủ, Bộ VHTT và Du lịch, các bộ, ngành khác cũng được đưa ra. 

Trong đó, đáng lưu ý các biện pháp có thể giải quyết trước mắt là giảm thuế VAT cho DN xuống dưới 10% (còn 5-6%); miễn thuế nhập khẩu với xe khách du lịch cao cấp 24 chỗ trở lên; xây các trung tâm shopping, các cửa hàng miễn thuế cho khách du lịch và áp dụng chính sách hoàn thuế VAT... Về lâu dài, cần nghiên cứu hình thành Quỹ Xúc tiến du lịch quốc gia; lập một số văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở thị trường gửi khách chính như Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Thuỵ Điển, Australia và Mỹ.

  • Hà Yên
     
    Ý kiến của bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,