(VietNamNet) - Vừa trở về từ chuyến khảo sát Trung Quốc, TS. Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT - IPSARD) chia sẻ với PV.VietNamNet sự ấn tượng về chính sách phát triển bài bản, xuất phất từ thực tế trong lĩnh vực này của người Trung Quốc.
>> Chính quyền đô thị không nên "đóng cửa" với dân nhập cư
>> Xây nền nông nghiệp giá trị cao, Việt Nam khó với?
>> WB: VN vẫn loay hoay với bài toán nông nghiệp, nông thôn
>> Việt Nam chưa dịch chuyển được cơ cấu lao động
Việt Nam vẫn đang "mò mẫm"
- Thưa ông, Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Trung Quốc mà ông nhận thấy sau chuyến đi khảo sát thực tế của ông hồi tháng 11/2007?
- Trung Quốc tiến hành cải cách nông nghiệp sớm nhất là từ những năm 1980. Họ rất bài bản trong chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Trung Quốc có cơ sở nghiên cứu và đội ngũ nghiên cứu lý luận hùng hậu. Từ hai thập kỷ nay, nước này đã có 20 khu thử nghiệm chính sách và mô hình phát triển nông thôn trên toàn quốc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một ban gồm đại diện Quốc vụ viện, Chính phủ, Đảng...
Đây được coi như các "phòng thí nghiệm về phát triển nông thôn". Phần lớn các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc thời gian qua đều xuất phát từ thực tế các khu này, ví như chuyện cổ phần hoá đất đai, chia lại ruộng đất hay không... Trong khi đó, với Việt Nam, những chính sách này vẫn đang còn mò mẫm.
Năm ngoái, tổng kết 20 năm thí điểm xây dựng nông thôn, Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định 20 dự án tiếp theo thử nghiệm ở các khu để xây dựng chính sách cho giai đoạn tới, như xây dựng thể chế đất đai; cơ sở nông thôn; cải cách lưu thông lương thực và thực phẩm...
Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do bị "xén" làm KCN (ảnh vitinfo)
Ở Trung Quốc, miền Trung được xác định là khu vực nông nghiệp quan trọng nhất. Họ có chính sách rất tốt về quy hoạch đất nông nghiệp, cụ thể trên từng tọa độ. Từ đó, Nhà nước xác định chỉ ưu tiên ngành hàng có ưu thế cạnh tranh và tập trung đầu tư cho vùng đó về khuyến nông, thuế, tiến tới sản xuất tập trung thành các trang trại lớn hoặc nếu không hình thành trang trại lớn, Nhà nước có chính sách cứng rắn và nguồn hỗ trợ tập trung cho thế mạnh của vùng. Đó chính là nguyên nhân lý giải tại sao Trung Quốc xuất khẩu nông sản nhiều như vậy.
Việt Nam hiện quy hoạch theo lãnh thổ, chỉ có định hướng mà không vẽ được trên tọa độ, dẫn tới tình trạng cả nông thôn và đô thị đều thiếu quy hoạch chi tiết về kinh tế, chính trị xã hội, văn hoá, tín ngưỡng... Chính vì vậy, không có cái khung cụ thể, được phê duyệt ở cấp cao, mang tính chất pháp lý cho chính quyền địa phương và người dân có công cụ minh bạch để đàm phán, làm việc, tránh méo mó quy hoạch và tham nhũng.
Ở miền Đông, Trung Quốc phát triển rất nhiều DN "đầu rồng" (đầu tàu) trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Lực lượng này kéo cả vùng nông nghiệp đó đi lên. Họ được hỗ trợ, được tham gia vào HĐND thành phố, được tôn trọng... khiến khối này trở nên năng động, là cầu nối giữa DN và người dân.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực tín dụng, Trung Quốc có chính sách nổi bật về việc hỗ trợ hộ kinh doanh tiền tệ. Trong khi đó, ở nông thôn Việt Nam kinh doanh tiền tệ là cho vay nặng lãi. Hình thức này vẫn tồn tại nhưng Nhà nước không thừa nhận, lại thất thu thuế.
Xác định đất nông nghiệp cấm xâm phạm
- Ở Trung Quốc có hiện tượng đất nông nghiệp bị lấn chiếm trong quá trình công nghiệp và đô thị hoá hay không?
- Trung Quốc vạch ra đường đỏ về đất đai đến năm 2020 là đất dành cho nông nghiệp 180 triệu mẫu (tương đương 12 triệu ha). Đây là đất "bời xôi ruộng mật", chỉ để phát triển nông nghiệp, không được xâm phạm nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Việc này được Quốc vụ viện thông qua thành luật. Việt Nam hiện nay vẫn mất đất nông nghiệp, do quyền quyết định ở các tỉnh mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường quy hoạch và quản lý, Bộ NN-PTNT lo về sản xuất.
Mỗi năm Việt Nam mất khoảng 102.000ha đất nông nghiệp, chủ yếu cho giao thông và công nghiệp. Con số này tuy không nhiều về mặt tỷ lệ nhưng kéo theo đó là công nhân, dân cư, dịch vụ tụ tập xung quanh nên con số này trên thực tế nhiều hơn.
TS. Vũ Trọng Bình
Trong khi đó, tiền thu từ công nghiệp chưa chắc đã đủ kiến thiết được hệ thống khác mà người dân có thể sinh kế được. Hiện toàn bộ đất màu mỡ nhất ĐBSH, khi các khu công nghiệp, đô thị... chui vào nằm xen giữa các ruộng lúa còn gây ô nhiễm vùng xung quanh. Ngoài ra, mất đất do công nghiệp, do hệ thống canh tác khác làm ô nhiễm, ví dụ như thuỷ sản.
Chúng ta cần cảnh báo, đừng vì lợi nhuận hay con số xuất khẩu của một ngành nào đó mà phá vỡ cân bằng sản xuất trong vùng, trong nước, không đảm bảo sinh thái và sinh kế bền vững.
- Ông có nói rằng, ở khu vực miền Trung, Trung Quốc đã hình thành được những trang trại lớn. Vậy quá trình tích tụ ruộng đất ở đất nước hơn một tỷ dân có diễn ra và họ giải quyết bài toán tích tụ ruộng đất như thế nào?
- Trung Quốc có những vùng thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, không hạn điền, giúp hình thành những trang trại lớn. Song, thực sự, trang trại đó không phải là những động lực chính để nông nghiệp phát triển mà nhờ chính sách tập trung và chính sách xây dựng DN đầu rồng về chế biến sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt cho người dân.
Tất nhiên, trong quá trình phát triển, nước này cũng không tránh khỏi các vấn đề bức xúc về đất đai, như có chia lại hay không, có nên tích tụ không? Một số nơi đã thử nghiệm 80% đất chia lại, 20% để lại làm đất tập thể.
Nhưng Trung Quốc có chính sách rất rõ ràng về đất đai. Khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân làm các công trình công cộng phúc lợi như nhà trẻ, mẫu giáo thì áp giá Nhà nước, còn giao lại cho DN thì bắt buộc áp dụng giá đất theo cơ chế thị trường. Tức là, DN và người dân đàm phán với nhau. Chỉ khi nào tất cả người dân vùng đó ký giao đất thì DN mới được triển khai dự án.
Việt Nam hiện nay vẫn phân biệt giá đất công nghiệp, nông nghiệp... mà lẽ ra, đất chỉ có một giá. Chính vì gắn nó là đất nông nghiệp nên anh trả có vài chục nghìn/sào. Tại sao người dân lại phải chịu giá đất nông nghiệp, sau khi Nhà nước thu hồi giao cho DN thì vẫn là mảnh đất đó anh này lại bán với giá khác?
Mất đất nông nghiệp để làm chung cư, song chẳng bao giờ người nông dân được ở trong những căn hộ như thế này (Ảnh: KTNT)
Nông dân Việt Nam: Đến bao giờ được ở chung cư?
- Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển nông thôn, ở Việt Nam, những vùng càng đô thị hoá thì càng nhiều người nghèo và thất nghiệp. Ông nghĩ sao về việc người dân đang bị đẩy ra bên lề của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá?
- Tôi tự đặt câu hỏi: liệu quá trình đô thị hoá có phải của người dân bản địa hay không? Tôi chứng kiến ở huyện Sơn Đông của Trung Quốc, khi họ xây dựng khu đô thị họ xây luôn khu nhà ở cho người nghèo và người dân làm công nhân. Tại Việt Nam, toàn bộ quá trình đô thị hoá là gì? Là xây khu vui chơi giải trí, siêu thị, biệt thự, khu nhà chung cư... Những người ở trong những khu đó không phải là nông dân.
Thu hồi đất của nông dân bằng giá đất nông nghiệp, Nhà nước giao cho công ty kinh doanh, lợi tức từ những khu đất đó cũng không vào tay người nông dân bản địa. Bản thân người nông dân không được ở những khu nhà đó, dịch vụ cũng không của người nông dân nốt...
Quá trình đô thị hoá hiện nay gần như là quá trình gạt người nông dân ra bên cạnh, đây là điều hết sức nguy hiểm. Chỉ khi nào người nông dân trở thành chủ thể của quá trình đô thị hoá, họ mới sẵn sàng nhường đất.
Hơn nữa, khi xây KCN ở địa phương thì KCN này phải thu hút được con em nông dân đủ khả năng làm việc. DN phải đào tạo để nông dân có thể tham gia được thị trường lao động đó và giá trị gia tăng của công nghiệp đến được với người dân.
- Theo ông, điều đó có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ trọng GDP nông nghiệp giảm rõ rệt trong tổng GDP của cả nước, song số lao động trong nông nghiệp giảm không đáng kể?
- Đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Lao động của ta hiện nay là lao động phổ thông, giản đơn. Đi xuất khẩu lao động cũng là lao động giản đơn nên đến khi về nước họ không biết làm gì. Chúng ta thiếu lao động có kỹ năng. Nhà nước nên xây dựng cơ chế để tư nhân đào tạo lao động. Ở nông thôn, nên có định hướng nghề gì, dịch vụ gì trong tương lai sẽ phát triển?
- Xin cảm ơn ông.
-
Hà Yên (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc: