(VietNamNet) - Để thay thế hàng vạn chiếc xe tự chế sắp bị cấm lưu hành, xe 3 bánh Trung Quốc đã âm thầm tràn vào mai phục thị trường. Trong khi đó, dường như doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ đứng ngoài cuộc.
>>> Hoãn lệnh cấm xe tự chế: Vì đâu nên nỗi?
Tại xưởng này, những chiếc xe 3 bánh Trung Quốc đang lũ lượt ra lò. (ảnh: T. Thuấn)
Trong những ngày rong ruổi cùng cận cảnh đời người hành nghề xích lô, ba gác sau khi cấm xe 3-4 bánh tự chế, chúng tôi nghe được thông tin khá sốc: xe xích lô, ba gác do Trung Quốc sản xuất đã âm thầm "dàn trận" chuẩn bị chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Không sốc sao được khi mà thế chủ động là của chúng ta, nhưng đến nay triển vọng gần như chắc chắn là xe Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường.
Một nhu cầu không nhỏ của xã hội
Hiện chưa có ai thống kê trên toàn quốc có bao nhiêu xe 3-4 bánh tự chế. Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, riêng trên địa bàn thành phố có khoảng 60.000 xe 3 bánh không động cơ (xích lô đạp, ba gác đạp) và 1.500 xe 3 bánh có động cơ (xích lô và ba gác máy).
Toàn bộ công việc thu gom rác ở hàng ngàn đường hẻm nhỏ trên các đô thị Việt Nam đang nhờ vào xe ba gác, lý do là khối lượng nhỏ, và xe tải không vào hẻm được.
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam vẫn đang coi ba gác là phương tiện vận tải hữu hiệu, khi chiếc xe tải loại nhỏ nhất cũng có trọng tải 1,5 tấn, trong khi nhu cầu vận chuyển nhiều khi chỉ là vài trăm kg.
Tương tự, bao nhiêu tiểu thương có nhu cầu vận chuyển ở các chợ với khối lượng 100-200kg mỗi chuyến, một nhu cầu quá nhỏ để thuê xe vận tải 4 bánh.
Đặc biệt, hàng vạn hộ gia đình đang sử dụng xe 3 bánh như một phương tiện mưu sinh. Có lẽ không nhiều hộ có đủ điều kiện tài chính để “lên đời” với xe tải 4 bánh.
Trong khi đó, hầu hết (nếu không phải là tất cả) các xe 3 bánh hiện nay đều được “sản xuất” tại các xưởng cơ khí nhỏ và bị coi là “xe tự chế”. Khi lệnh cấm xe 3 bánh có hiệu lực, điều gì sẽ xảy ra?
Xe Trung Quốc đã âm thầm mai phục!
Anh Nguyễn Văn Nhơn, hành nghề ba gác máy tại khu vực bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh (TP. HCM) cho biết: "Trước khi lệnh cấm xe xích lô, ba gác có hiệu lực hơn 1 tháng, có hai thanh niên tới bến xe gạ mua lại chiếc xe cà tàng của anh với giá 7 triệu đồng, với điều kiện anh chịu mua một xe ba gác máy do Trung Quốc sản xuất. Họ ra giá hơn 40 triệu đồng/chiếc.” Nhưng anh đào đâu ra hơn 30 triệu để đổi xe, nên đành chờ tới đâu hay tới đó.
Trụ sở của nhà phân phối độc quyền xe 3 bánh Trung Quốc. (ảnh: T. Thuấn)
Nhiều bác tài xích lô, ba gác trên đường Lý Thường Kiệt cũng cho biết đã nhận được tờ rơi quảng cáo xe Trung Quốc. Họ còn cho biết là đã thấy vài xe ba gác Trung Quốc lưu thông trên đường phố TP. HCM, với biển số của Đồng Nai hay Bình Dương.
Trong vai người đi tìm mua xe, chúng tôi tìm đến nơi được cho là đầu mối phân phối xe Trung Quốc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tòa nhà 5 tầng tọa lạc tại số 38 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận là trụ sở chính của Công ty TNHH SX-TM-DV Đình Vũ. Sau lớp cửa kính, án ngữ giữa tiền sảnh là 2 chiếc xe ba gác máy mang nhãn hiệu Xinling.
Một anh nhân viên khá trẻ, vồn vã giới thiệu với chúng tôi về các loại xe. Anh cho biết Đình Vũ là công ty phân phối độc quyền tại các tỉnh phía Nam đối với xe 3 bánh do Trung Quốc sản xuất. Công ty đã nhập về hàng chục container 40 feet với xe 3 bánh chở hàng, chở người với đủ kiểu dáng. Xe nhập về dưới cả dạng nguyên chiếc lẫn hàng rời. Anh còn cho biết, công ty đang có một kho - xưởng rất lớn ở Hóc Môn.
Hình dáng những chiếc xe hiệu Xinling kiểu mô tô tải 3 bánh chẳng khác gì mấy so với xe lôi tự chế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng kiểu xe mô tô, được chế tác liền với một rơ-moóc. Chiều dài của thân và thùng xe dài hơn xe 3 gác máy, xe lôi. Với dung tích xylanh 150 phân khối, xe đăng ký tải trọng tối đa là 350kg.
Những chiếc xe Trung Quốc đã sẵn sàng tại phòng trưng bày. (ảnh: T. Thuấn)
Khi được hỏi giá của một chiếc xe mô tô 3 bánh, anh nhân viên của công ty Đình Vũ loanh quanh là công ty sẽ bao giấy tờ nhưng chưa biết được chi phí giấy tờ, thủ tục hết bao nhiêu nên chưa có bản báo giá chính thức. Anh cũng gặng hỏi chúng tôi làm sao biết giá xe 38 - 40 triệu đồng khi chúng tôi lỡ tiết lộ giá do các bác tài ba gác cung cấp.
Nghe chúng tôi nói sẽ tự lo giấy tờ, anh nhân viên liền bốc điện thoại gọi cho ai đó xin ý kiến "có khách hàng mua xe, họ tự lo giấy tờ..." Sau một hồi, anh ta buông máy thở dài "chưa được đâu anh ơi, xe tụi em còn phải chờ đăng kiểm. Ở Bình Dương, Đồng Nai thì “ô kê” rồi còn ở TP.HCM thì chưa". Anh cũng xin lại thông tin của chúng tôi để khi nào có "chủ trương" thì anh sẽ thông báo.
Rời trụ sở công ty Đình Vũ, chúng tôi quyết định tìm cho ra xưởng lắp ráp, kho chứa của công ty này. Lang thang dò hỏi cả buổi sáng ở Hóc Môn, không ai biết cái xưởng đó nằm ở đâu, nên đành phải quay lại điểm xuất phát ban đầu. Lân la mãi bao nhiêu bác tài ba gác, cuối cùng cũng được gặp được anh Tuấn, người chạy ba gác máy góc bệnh viện Thống Nhất (gần ngã tư Bảy Hiền) hé lộ cho biết.
Nằm khuất trong con hẻm ngoằn ngoèo hút sâu phía sau Phòng kinh tế Cục Hậu cần Quân khu 7 là xưởng lắp ráp xe của công ty Đình Vũ tại số 198 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận. Phải khá tinh mắt mới nhận ra đằng sau khuôn viên kín cổng cao tường trong khu vực nửa dân sự nửa quân sự ấy là một xưởng lắp ráp xe. Hàng chục công nhân đang miệt mài cho ra đời những chiếc xe “Made in China”.
Loay hoay cả giờ tìm cách chụp hình và phải nhờ đến sự hỗ trợ bên ngoài, chúng tôi mới có được những tấm ảnh về xưởng lắp ráp xe Trung Quốc của công ty Đình Vũ. Từ đây, những chiếc xe “Made in China” đã và đang sẵn sàng tỏa đi trên khắp mọi nẻo đường.
Còn các doanh nghiệp trong nước đứng ngoài cuộc?
Nếu giá bán một chiếc xe ba gác Trung Quốc khoảng 40 triệu đồng, với nhu cầu hàng vạn xe trên cả nước, có thể thấy là một cơ hội doanh thu nhiều trăm tỉ đồng.
Vậy nhưng suốt hơn 6 tháng từ khi Nghị định 32 của Chính phủ ra đời đến nay, hình như chưa thấy một doanh nghiệp trong nước nào lên tiếng đáp ứng lại cơ hội này.
Có phải công nghệ chế tạo những chiếc xe này quá khó với doanh nghiệp Việt? (ảnh: T. Thuấn)
Ví dụ, chưa thấy doanh nghiệp nào nói: “6 tháng không đủ, chúng tôi cần 12 tháng để sản xuất đủ lượng xe thay thế trên thị trường”, hoặc “chúng tôi đang sản xuất, nhưng đề nghị Chính phủ trợ giá xx đồng cho mỗi xe 3 bánh tự chế phải thay thế.”
Để đến khi giờ G sắp điểm thì người lao động hoang mang cực độ, còn các cơ quan chức năng cũng không kém phần lúng túng. Và việc thực hiện đã phải hoãn lại vào phút chót, nhưng cũng chỉ là hoãn mà không kèm theo một giải pháp nào.
Từ nay đến ngày 30/6/2008 là khi lệnh cấm (gia hạn) có hiệu lực, liệu có nhà sản xuất nào của Việt Nam lên tiếng?
Phải chăng các nhà sản xuất của Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội thị trường Việt Nam, còn chính các doanh nghiệp Việt Nam lại không nhìn thấy?
Phải chăng sản xuất xe 3 bánh là một công nghệ quá khó đối với doanh nghiệp Việt Nam?
Phải chăng Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí, các doanh nghiệp… tất cả đều thiếu trách nhiệm trước nhu cầu của xã hội, đời sống cộng đồng?
Phải chăng, các doanh nghiệp Việt Nam đang lo bơi ra biển lớn mà quên đi mất cái ao nhà?
Chủ trương thay thế những chiếc xe 3-4 bánh tự chế của Chính phủ là cần thiết cho một xã hội an toàn và văn minh. Nhưng nếu những câu hỏi “phải chăng” nói trên không được trả lời, một triển vọng đang đến rất gần là xe 3 bánh của Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường Việt Nam.
-
Tấn Thuấn
Bài tiếp theo: Công nghệ chế tạo xe ba bánh có quá khó?
Ý kiến bạn đọc về vấn đề này: