(VietNamNet) - Liên tục leo thang từ thời điểm tất niên dương lịch, đặc biệt là từ chiều qua (8/1) đến sáng nay, giá vàng đã lên mức 890USD/ounce, trong nước đạt 17,05 triệu đồng/lượng, đúng như dự đoán về khả năng tiệm cận mức 900 USD/ounce trong ngắn hạn. Theo các chuyên gia đây vẫn chưa phải mức đỉnh. Dự báo, bình quân giá vàng 2008 sẽ cao hơn nhiều 2007, ở mức 950 USD/ounce và sẽ có những đỉnh chạm ngưỡng 1.150 USD/ounce.
>> Vàng lập kỷ lục mới, trong nước tăng thêm 500.000 đồng/lượng
Nhận định về giá vàng, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng VN chia sẻ với VietNamNet:
Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN - (Ảnh: N.Nga) |
Ông Đinh Nho Bảng: Trong những ngày vừa qua, giá vàng lên cao như vậy, có mấy nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, đồng đôla Mỹ mất giá khá lớn mà tình hình vẫn khó khắc phục vì các chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu việc làm của nước này đều sụt giảm, cũng như hậu quả rủi ro về tín dụng của các tập đoàn lớn vẫn chưa khắc phục được.
Tiếp đó, do tình hình địa chính trị bất ổn ở khu vực Trung Đông, Pakistan, Kênia… vừa qua, giá dầu lên cao quá, có khi lên mức 103 USD/thùng. Nhận định của nhiều nhà phân tích về năng lượng cho thấy, trong quý I này, giá dầu vẫn ở mức cao. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện chưa có tuyên bố để can thiệp về giá vì họ cho đó là hợp lý.
Trong tình hình như vậy, người ta dự đoán, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tới để cứu vãn kinh tế. Mà càng làm vậy, đôla Mỹ càng mất giá. Cùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, sự quan tâm để vực dậy nền kinh tế Mỹ là rất khó. Nhiều dự báo cho rằng, nếu không cẩn thận, nền kinh thế số 1 thế giới này sẽ đi vào suy thoái trong năm 2008.
Một nguyên nhân đáng kể khác là tình hình hoạt động rất mạnh của các nhà đầu cơ quốc tế. Năm 2007 các quỹ đầu cơ vàng đã mua vào với số lượng cao nhất từ trước đến nay, tăng 39%, đạt mức 630 tấn. Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương các nước tính toán, cơ cấu lại dự trữ, âm thầm mua vàng vào và bán đôla Mỹ ra đã tạo ra nhu cầu lớn, đẩy giá vàng tăng lên, còn đôla Mỹ thì càng mất giá.
Giá vàng thế giới năm 2008 sẽ dao động từ 950-1.150 USD/ounce?
- Với các phân tích trên có thể thấy, giá vàng thế giới hiện tuy cao nhưng vẫn chưa phải ở mức đỉnh, thưa ông?
- Đúng vậy. Nếu không có các biến động lớn về địa chính trị cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, giá vàng vẫn sẽ đi lên. Người ta dự đoán, bình quân giá vàng năm 2008 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2007.
Cụ thể, chúng tôi cho rằng, năm 2008, giá vàng bình quân sẽ là 790 USD/ounce, trong khi giá vàng bình quân năm 2007 là 740–750 USD/ounce.
Còn theo dự báo của các chuyên gia thế giới, giá vàng trong ngắn hạn sẽ đạt đến 900 USD/ounce, trong dài hạn sẽ tiến tới ngưỡng 1.000–1.150 USD/ounce.
- Vừa qua khi giá vàng lên cao, các nhà đầu tư trong nước tập trung bán ra để kiếm lời khiến có thông tin cho rằng các DN kinh doanh vàng phải “gồng mình chịu trận”. Theo ông có phải như vậy?
- Không phải vậy. Các DN cũng như nhà đầu tư thôi. Trước khi giá vàng cao người ta đã mua vào nhiều rồi, chờ giá cao là bán ra chứ không phải thời điểm họ mua vào nữa. Đời nào DN phải “gồng mình chịu trận”, đây là họ kinh doanh chứ không phải làm chính sách đâu.
Ngay cả DN mua vào thì cũng không lỗ bởi họ tính được ngay chênh lệch giữa giá mua xong và giá bán, tính được hiệu quả kinh doanh, chứ không phải mua vô tội vạ đâu. Bán cho khách thì mua của khách, có đầu ra thì họ mới tính, không phải cứ giá cao là ôm vào; không phải cứ đem đến bán là họ mua đâu.
Giá vàng đã lên mức đỉnh, tăng thêm 500.000 đồng/lượng vào sáng ngày 9/11/2007. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
- Giá vàng năm 2008 được nhận định sẽ dao động từ 950–1.150 USD/ounce, đối với thị trường giá cả trong nước, nó có ảnh hưởng gì không thưa ông?
- Giá dầu cao mới ảnh hưởng toàn diện vì nó tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất, còn giá vàng cao thì không ảnh hưởng gì. Ở nước ta trước kia, cái gì cũng căn cứ vào vàng, còn bây giờ giá cả hàng hóa, dịch vụ, bất động sản không còn dựa vào vàng nữa nên nó tương đối độc lập, phạm vi hoạt động nhỏ, hẹp thôi.
Xu hướng tăng giá vừa qua và tới đây là chung của cả thế giới chứ không chỉ VN. Tất nhiên Chính phủ đã có những giải pháp rất tích cực, kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá đảm bảo tôn trọng quy luật thị trường, hạn chế những tiêu cực của giá cả thế giới tác động vào VN, đó là cái tốt nhưng có những cái thế giới tăng, mình không thể ngăn chặn được.
- Dựa trên những phân tích kể trên, ông có lời khuyên nào với các nhà đầu tư trong nước?
- Thị trường khi giá vàng cao thường dễ mua dễ bán. Còn giá cao quá, người mua sẽ ít đi, thị trường sẽ chững lại, đặc biệt là với vàng trang sức thì càng khó bán.
Hiện nay, ngoại trừ nhu cầu mua bán vàng trang sức dịp bắt buộc như cưới, hỏi thì không cứ thời điểm và giá nào, còn nếu đã kinh doanh thì phải tính toán, phải tỉnh táo, thận trọng với thời cuộc.
Trong bối cảnh các nguồn kinh doanh chứng khoán đang bế tắc, kinh doanh bất động sản chưa ổn định, đôla Mỹ đang và còn mất giá, nhiều nhà đầu tư nhỏ, người dân vừa rồi có tiền mua vàng thì trong mấy ngày người ta kiếm được 5, 7 triệu là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, quy luật là cái gì lãi cao thì rủi ro lớn nên cần theo dõi sát thị trường và phải chịu gan, khi xuống giá thì cũng không dao động để chờ.
Ngoài vàng ra, còn nhiều nguồn đầu tư khác, thậm chí nếu lãi suất thoả đáng thì có thể gửi tiết kiệm hoặc đầu tư sản xuất kinh doanh…
Thị trường vàng VN đến lúc cần một chiến lược phát triển dài hạn!
- Trong năm 2008 này, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã chuẩn bị những bước đi, hoạt động đáng kể nào trước sự phát triển "bùng nổ" của thị trường giao dịch vàng và sự lên ngôi của vàng với tư cách một kênh đầu tư chắc chắn?
- Hiệp hội đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường vàng trong 5 năm tới. Lâu nay Chính phủ đã có nhiều nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhưng chưa có 1 chiến lược phát triển thị trường này trong tầm nhìn dài hạn. Chúng ta còn bỏ ngỏ, chưa có định hướng rõ ràng mà chỉ chạy theo thị trường.
Tôi lấy ví dụ như bây giờ muốn phát triển kinh doanh vàng phi vật chất, hoặc muốn phát triển các tổ chức tài chính để hỗ trợ cho đầu tư phát triển thị trường vàng hay đối với các tổ chức nhà nước về kinh doanh vàng, định hướng lâu dài là có cổ phần hoá hay không thì cần phải có lộ trình, phải nằm trong định hướng chiến lược!
Căn cứ vào tình hình thế giới, chúng ta sẽ định hướng cho người dân và nhà đầu tư, kể cả các tổ chức kinh doanh, huy động vàng làm sao để tránh và hạn chế thấp nhất rủi ro khi biến động giá vàng. Thứ hai là đưa ra nhận định dài hạn cho họ để có định hướng về mua sắm và kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông
-
Nguyễn Nga (thực hiện)
Quan điểm của bạn: