(VietNamNet) - Số liệu Bộ Xây dựng đưa ra: tính đến 31/10/2007, trong tổng số 354.011 căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước, ngoài số đã bán cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP thì còn lại 122.047 căn thuộc diện không bán, tự quản chưa chuyển giao hoặc nguồn gốc không phải để ở nhưng hiện đang bố trí làm nhà ở.
Số lượng 122.047 căn chưa bán này chiếm 34,5% tổng số nhà sở hữu Nhà nước toàn quốc, cho thấy đến sau 31/12/2007 (thời điểm hoàn thành việc bán nhà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) sẽ vẫn còn một lượng không nhỏ nhà ở sở hữu Nhà nước tiếp tục được cho thuê. Quỹ nhà còn lại này chia làm 2 dạng: nhà ở thuộc diện không bán và nhà ở mà người ở thuê không mua (trong đó, nhà ở thuộc diện không bán là 31.560 căn chiếm khoảng 25,8% tổng số nhà còn lại).
Vẫn còn 34,5% tổng số nhà thuộc sở hữu Nhà nước toàn quốc chưa "bán 61", tiếp tục được cho thuê hoặc chuyển giao (Ảnh: Bình Thành). |
Như VietNamNet đã đưa tin, với quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn lại nêu trên, việc tiếp tục cho thuê với giá qui định tại Quyết định 118/TTg ban hành năm 1992 là không phù hợp với mức tăng của tiền lương cơ bản, không đảm bảo kinh phí cho việc bảo trì và quản lý quỹ nhà ở này.
Tiếp tục trao đổi với Bộ Xây dựng quanh vấn đề này, được biết bảng giá cho thuê mới mà Bộ này vừa kiến nghị Chính phủ sẽ có 8 mức cụ thể cho 2 loại nhà: biệt thự và nhà ở thông thường (mỗi loại 4 mức, tương ứng 4 cấp, hạng nhà). Theo đó, giá cho thuê biệt thự sở hữu Nhà nước cấp I sẽ là 11.300 đồng/m2/tháng; cấp II là 13.500 đồng/m2/tháng, cấp III là 15.800 đồng/m2/tháng và cấp IV (tốt nhất) là 24.800 đồng/m2/tháng.
Ngược lại với tiêu chuẩn về biệt thự, dạng nhà ở thông thường lại phân định cấp IV là kém nhất, với giá cho thuê theo đề xuất của Bộ Xây dựng là 4.100 đồng/m2/tháng. Lần lượt như vậy: nhà ở thông thường thuộc sở hữu Nhà nước cấp III là 6.100 đồng/m2/tháng; cấp II là 6.300 đồng/m2/tháng và cấp I (tốt nhất) là 6.800 đồng/m2/tháng.
Cần lưu ý, giá này không áp dụng đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đã được cải tạo, xây dựng lại; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đã được cải tạo, xây dựng lại thì giá cho thuê nhà ở thực hiện theo giá cho thuê nhà ở xã hội qui định tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ về "Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở".
Bộ Xây dựng cho biết đã kiến nghị cả trường hợp bên thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người khác thuê lại nhà mà không có sự đồng ý của bên cho thuê thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà, hoặc tăng mức giá cho thuê (kể trên) lên 2 lần để thu tiền thuê nhà, đồng thời không miễn, giảm tiền thuê nhà ở.
Bên thuê nhà ở nếu không trả tiền thuê nhà liên tiếp 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng (như đi công tác, học tập, chữa bệnh hoặc gặp rủi ro chưa có điều kiện nộp tiền) thì bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà đang cho thuê để giải quyết cho đối tượng khác (là cán bộ công chức, người thu nhập thấp đang khó khăn về nhà ở được thuê theo chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Căn cứ bảng giá mới (trên), UBND các tỉnh, thành phố qui định giá cho thuê cụ thể đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với cấp đô thị, vị trí, tầng cao và điều kiện hạ tầng kỹ thuật của nhà ở cho thuê theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Thời gian đã sử dụng, mức độ hư hỏng, xuống cấp của nhà cho thuê, mức độ mà người thuê nhà đã đầu tư sửa chữa các hư hỏng của nhà được thuê... cũng cần phải được chính quyền địa phương thống kê rõ ràng để điều chỉnh giảm giá cho thuê nhà phù hợp thực tế, nhưng mức giảm tối đa không được vượt quá 30% số tiền thuê nhà phải trả theo qui định mới.
-
Hoàng Huy