(VietNamNet) - Giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng và hiện đang đứng ở mức cao. Điều này khiến cho công tác điều hành giá cả nói chung và giá xăng dầu trong nước nói riêng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Chính phủ vẫn yêu cầu bình ổn giá xăng; tuy nhiên, những diễn biến khó lường của giá thế giới gần đây khiến không chỉ DN kinh doanh xăng dầu khó khăn và ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì giá xăng dầu trong nước rất có thể sẽ tăng theo.
12 ngàn tỷ đồng bù lỗ xăng dầu
Con số sơ bộ mà Bộ Công thương có được cho đến thời điểm này cho thấy, trong 10 tháng năm 2007, Nhà nước đã phải bù lỗ xăng dầu thông qua các DN đã lên trên 6.000 tỷ đồng. Nếu giá thế giới tiếp tục đứng ở mức trên 90 USD/thùng, theo cơ chế bù lỗ hiện nay thì cả năm 2007 Nhà nước sẽ phải bù lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số thiệt hại về ngân sách có thể sẽ lớn hơn nếu tính đầy đủ phần thu ngân sách bị giảm thu do giảm thuế NK các mặt hàng xăng dầu hiện đã xuống 0%.
Nhà nước bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng để ổn định giá xăng dầu. (Ảnh: LAD) |
Nói là bù lỗ nhưng tiến độ bù lỗ luôn chậm và DN luôn phải chờ đợi các số liệu quyết toán, các DN chỉ được tạm ứng một phần. Con số tạm ứng từ đầu năm 2007 là 2.300 tỷ đồng, khoảng 38% thua lỗ thực tế. Điều này gây sức ép rất lớn cho DN trong việc quay vòng vốn kinh doanh. Điều lo ngại nhất là nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ nhập khẩu và nguồn cung xăng dầu.
Theo tính toán của DN, với mức giá bán lẻ hiện nay so với giá thế giới, sau khi cộng các chi phí thì giá xăng 92 là 12.667 đ/lít; dầu diezen 0,05%S là 12.521 đ/lít; diezen là 12.316 đ/lít; dầu hỏa là 12.752 đlít; mazut là 9.521 đ/lit. Như vậy, xăng 92 DN lỗ khoảng 1.500 đ/lít, diezen lỗ 3.600 đ/lít, dầu mazut lỗ trên 3.500 đ/lít, dầu hỏa lỗ trên 4.000 đ/lít.
Trong khi đó, giá xăng 92 tại Campuchia là 15.196 đ/lít (1/9/2007); Lào: 15.569 đ/lít; Trung Quốc cũng vừa tăng 10% giá xăng dầu. Với mức chênh lệch như vậy, tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới sẽ diễn ra rất phức tạp và khó kiểm soát.
Tăng giá, lộ trình tất yếu
Số liệu mới đây của Bộ Công thương cho biết, nếu tính bình quân từ giá 2006 và giá bình quân từ 1/1 đến 12/10/2007 thì tất cả các mặt hàng xăng dầu đều tăng giá rất mạnh. Cụ thể, dầu thô từ 64,04 USD/thùng lên 64,8 USD/thùng, tăng 6,2%; xăng 92 từ 72,3 USD/thùng lên 78,1 USD/thùng, tăng 8%; Diezel 0,25S từ 77,8 USD/thùng lên 81,5 USD/thùng, tăng 4,8%; Mazut từ 317,4 USD/tấn lên 350 USD/tấn, tăng 10,5%.
Trong khi đó, ở trong nước, giá diezel, mazut, dầu hỏa do Nhà nước định giá nên năm 2007 không tăng so với năm 2006. Giá xăng có điều chỉnh tăng 2 lần và giảm 2 lần, tính trung bình từ đầu năm 2007 là 11.300 đ/lít hiện nay thì chỉ tăng 1,6% so với mức bình quân 11.125 đ/lít của năm 2006. Mức tăng khá thấp so với mức giá thế giới.
Quan điểm về điều chỉnh giá xăng dầu của Chính phủ là luôn phải giữ ổn định thị trường và thực hiện chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, do giá cả tiêu dùng đang tăng mạnh, cho nên dù giá xăng dầu lên cao nhưng Nhà nước vẫn thực hiện chính sách bù lỗ và ổn định giá xăng dầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kéo dài lộ trình điều tiết giá xăng dầu theo cơ chế thị trường so với thời gian dự kiến và chấp nhận những bù lỗ để ổn định thị trường và đời sống người dân.
Tuy nhiên, với mức tăng giá phi mã trong thời gian gần đây, giá xăng dầu đang tiếp cận dần mốc 100 USD/thùng thì việc giữ giá xăng dầu trong nước càng thêm khó khăn. Gần đây, lãnh đạo Chính phủ đã bày tỏ quan điểm nếu giá biến động quá lớn thì việc điều chỉnh giá sẽ được tính đến.
Một số chuyên gia cũng cùng quan điểm này. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long - Học viện Tài chính cho rằng, việc xác định mức giá bao nhiêu là tăng đột biến và đã đến "chân tường" là tùy cách nhìn nhận và tính toán của nhà quản lý. Tuy nhiên, theo tôi khi giá dầu đã xấp xỉ mức 100 USD/thùng thì việc điều chỉnh giá cần được thực hiện. Được biết, trong cuộc họp gần đây là giá cả, đã có ý kiến đề cập đến chuyện tăng giá xăng và mức tăng được đề xuất là 800 đồng.
Hiện nay, mọi việc vẫn thực hiện theo kế hoạch bình ổn giá của Chính phủ nhưng Bộ Công thương vẫn nhấn mạnh rằng xu hướng thị trường hóa giá xăng dầu là bước đi tất yếu theo một lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Và như vậy, việc tăng giá xăng dầu là khó tránh khỏi và người dân và DN phải sẵn sàng tâm lý đối mặt với xăng dầu tăng giá.
-
Phước Hà