221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
999998
Nguy cơ thiếu hụt năng lượng lớn
1
Article
null
Nguy cơ thiếu hụt năng lượng lớn
,

(VietNamNet) - Tại Hội thảo quốc tế về phát triển năng lượng Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đều dùng từ yếu kém để nhận xét về ngành năng lượng Việt Nam hiện nay.

Sử dụng năng lượng lãng phí

Theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương), yếu kém lớn nhất hiện nay là Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người thấp xa so với mức trung bình của thế giới và kém nhiều nước trong khu vực. Trình độ công nghệ năng lượng còn thấp, nhiều cơ sở sản xuất năng lượng đang phải duy trì công nghệ cũ, lạc hậu, có các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thấp, hiệu suất thấp và gây ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, năng suất lao động của các ngành (nhất là than và điện) còn thấp. Chưa thu hút được đáng kể vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vào phát triển ngành. Việc định giá năng lượng còn nhiều bất cập (còn bù lỗ, bù chéo lớn giữa các nhóm khách hàng…), gây bất lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh và không phù hợp với xu hướng chính sách giá năng lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đầu tư cho phát triển năng lượng còn thấp so với nhu cầu, thủ tục đầu tư phức tạp, tiến độ thực hiện nhiều công trình bị chậm… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của ngành; ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn năng lượng cho nền kinh tế quốc dân.

Bên cạnh đó, khâu sử dụng năng lượng hiệu suất cũng rất thấp. Ông Nguyễn Thường - Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng bền vững cho biết, đa số các ngành công nghiệp của ta là những ngành thuộc loại có cường độ năng lượng cao. Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần, có nghĩa là để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần so với các nước nói trên.

Còn theo tính toán của APEC thì Việt Nam mất 0,463kg dầu để làm ra 1USD, số liệu này cao hơn các nước khác khoảng 30%-40%. Hiện nay để tăng trưởng GDP là 8%-9% thì tăng trưởng về điện của ta thường phải gấp đôi ở mức 16%-18% trong khi với các nước khác tỷ lệ này chỉ là 1:1. Điều này cho thấy việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam rất lãng phí và như vậy nếu GDP càng tăng thì tiêu tốn năng lượng của ta càng lớn.

Nguy cơ thiếu hụt năng lượng lớn

Theo tính toán các nguồn than, dầu thô sẽ cạn kiệt vào giai đoạn 2025, trong khi hệ thống điện vẫn phát triển chậm và tiềm ẩn khả năng không đảm bảo an toàn cung cấp điện.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: "Chúng tôi đã hình dung ra khó khăn của Việt Nam trong việc đáp ứng năng lượng cho nhu cầu kinh tế xã hội. Trong khi GDP thì tăng trưởng cao, nhưng sự phát triển năng lượng không theo kịp, bên cạnh đó thì giá nhiều nguồn năng lượng như dầu thô đang tăng mạnh cũng mang lại những khó khăn. Việc đảm bảo cả về chất lượng lẫn khối lượng cơ bản cho kinh tế xã hội là khó khăn lớn trong thời gian tới. Việc thiếu nguồn tài chính cũng sẽ gây ra thiếu nguồn cung. Từ đầu tư tài chính đến xử lý vận hành nâng cao chất lượng hệ thống năng lượng như thế nào là vấn đề khá nan giải, nói chung cả thượng nguồn và hạ nguồn về năng lượng của Việt Nam đều có vấn đề."

 Nhà máy thuỷ điện Sông Hinh( Ảnh minh hoạ)

Nhà máy Thuỷ điện Sông Hinh (Ảnh minh hoạ).

PGS, Tiến sỹ Nguyễn Minh Duệ - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết sản lượng khai thác dầu của Việt Nam đã sụt giảm. Nếu thời gian tới không phát hiện thêm mỏ mới thì  với sản lượng khai thác hiện hành, dự báo đến 2025 Việt Nam về cơ bản cạn kiệt tài nguyên dầu khí. 

Theo TS Duệ, tiến độ xây dựng nhà máy lọc dầu quá chậm Việt Nam vẫn xuất dầu thô và nhập gần 100% các loại xăng dầu tiêu dùng trong nuớc, hệ thống kho tiếp nhận có khoảng 1,3 triệu m3 tương đương với 30 ngày tiêu thụ, chưa đủ mức dự trữ cần thiết khi giá cả leo thang hay khủng hoảng dầu xảy ra. Khai thác than thì quá nhanh và với tốc độ khai thác, xuất khẩu như hiện nay, trong thời gian dài nữa nguồn than cũng cạn kiệt. Hệ thống điện tuy đã phủ khắp toàn quốc nhưng do nhu cầu tăng nhanh mà tiến độ thực hiện quy hoạch chậm nên hệ thống điện vẫn tiềm ẩn khả năng không đảm bảo an toàn cung cấp điện.

Một số ý kiến cho rằng hiện nay xây dựng một nhà máy điện phải mất từ 4-6 năm mà trong 10 năm tới phải phát triển thêm gần 50.000 MW điện không phải là việc dễ làm.

Nếu Việt Nam không có chính sách phát triển năng lượng bền vững thì sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng, chuyển thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng.

Giải pháp nào cho phát triển năng lượng?

Từ các đánh giá về thực trạng ngành năng lượng của Việt Nam cho thấy để đảm bảo an toàn cung cấp năng lượng, cần phải có một kế hoạch phát triển dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam trước hết phải đẩy mạnh phát triển nguồn một cách bền vũng.

Theo ông Tạ Văn Hường, hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét, phê duyệt. Trong thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Trong các năm tới bình quân mỗi năm sẽ phải đưa thêm vào hệ thống 4.000MW điện. Riêng công suất lắp đặt các nhà máy thuỷ điện cả nước đến năm 2015 vào khoảng hơn 18.000 MW với sản lượng điện trung bình hằng năm trên 80 tỷ kWh. Về nhiệt điện, Việt Nam đã có cả một chương trình hành động theo đó sẽ phát triển các trung tâm nhiệt điện lớn. Nhu cầu về than dùng cho phát điện sẽ lên tới trên 60 triệu tấn vào năm 2015 và ngoài sử dụng lượng than trong nước sẽ đẩy mạnh nhập khẩu than. Bên cạnh đó là phát triển từ 8-11 tổ máy điện hạt nhân, mỗi tổ máy có công suất 1.000 MW.

Với dầu khí, thì Việt Nam đang tăng cường thăm dò ở các vùng nước sâu hơn và đẩy mạnh việc mua mỏ dầu tại nước ngoài để đáp ứng nhu cầu.

Nhưng dù nguồn có phát triển bao nhiêu mà sử dụng không hợp lý thì vẫn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vì vậy điều quan trọng chính là phải có chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo ông Nguyễn Thường, để tiết kiệm điện hiệu quả thì phải giảm lượng điện tiêu thụ bằng cách thay thế các thiết bị sử dụng điện hiệu suất thấp bằng các thiết bị hiệu suất cao, giảm tổn thất điện năng thông qua truyền tải điện. Hiện nay tổn thất điện năng của Việt Nam còn khá lớn 11% trong khi với các nước chỉ ở mức 6-7%.

Quan trọng hơn nữa là giảm cường độ năng lượng của GDP và của ngành bằng cách hướng mạnh vào các ngành kinh tế và dịch vụ có cường độ thấp nhưng mang lại giá trị hiệu quả cao. Bên cạnh đó cần ban hành luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Hiện nay các nước có nền kinh tế thị trường đều có luật về tiết kiệm năng lượng, riêng Việt Nam vẫn chưa có, vì vậy nên rất khó khăn trong việc yêu cầu các tổ chức, đơn vị trong nước thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Điều này lý giải vì sao việc tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đạt hiệu quả rất thấp. Cả năm 2006 sản lượng điện tiết kiệm chỉ đạt 0,36%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Chính phủ.

Cũng theo ông Thường, các quốc gia trong EU nhờ thay đổi hành vi người sử dụng và đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng mà đến 2020 họ sẽ giảm tiêu thụ năng lượng tới 20%. Số liệu từ Liên hợp quốc cho thấy nhu cầu năng lượng sẽ tăng 60% trong 25 năm tới và vì vậy với các nước phát triển, việc tiết kiệm năng lượng được coi là yếu tố quan trọng giúp cung cấp năng lượng bền vững. Tiết kiệm năng lượng cũng chính là biện pháp nhanh nhất  hiệu quả nhất  và chi phí thấp nhất để giảm khí thải nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra là phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo. Hiện nay nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp, chúng ta đang phấn đấu đến năm 2010 phải có 3%, năm 2020 có 5%, năm 2040 có 10% công suất nguồn sử dụng nguồn năng lượng mới và tái tạo. 

Nhưng đây mới là mục tiêu, nếu không có kế hoạch hành động thì điều này khó trở thành hiện thực. Trước hết cần tổ chức điều tra đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng mới và tái tạo; xây dựng quy hoạch sử dụng năng lượng mới. Nhà nước khuyến khích việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo: hỗ trợ kinh phí cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới tái tạo; miễn thuế nhập khẩu, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị, công nghệ năng lượng mới và tái tạo. Lựa chọn công nghệ thích hợp với điều kiện của Việt Nam, đưa nhanh vào đời sống, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi...

Và quan trọng hơn cả là phải có chính sách đảm bảo an ninh năng lượng: Coi an ninh năng lượng là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách thương mại và chính sách đối ngoại của Nhà nước. Mở rộng đầu tư và trao đổi hàng hoá, dịch vụ liên quan đến năng lượng. Có chính sách ưu đãi về tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò nhằm nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác than, dầu, khí đốt, năng lượng mới và tái tạo. Đảm bảo trữ lượng về nhiên liệu hoá thạch trong nước (than, dầu và khí đốt), trên quan điểm tối ưu hoá sử dụng và kéo dài độ sẵn sàng trữ lượng năng lượng.

Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc nhập khẩu năng lượng từ các nguồn cung cấp ổn định, lâu dài như nhập khẩu thuỷ điện từ Lào, Campuchia và Trung Quốc. Tăng cường khai thác, sử dụng nguồn năng lượng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu không ổn định, nhất là dầu mỏ. Hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí tại nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Lào để phát triển các dự án thuỷ điện, khai thác than và phát triển nhà máy nhiệt điện than để cung cấp điện về Việt Nam.

  • Trần Thuỷ 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,