(VietNamNet) - Giá xăng thế giới tăng với biên độ rất mạnh trong thời gian qua và nếu như trước đây thì đã đến lúc có thể tính chuyện tăng giá bán trong nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh giá cả đang tăng mạnh, cả nước đang nỗ lực chống tăng giá, thì việc đặt vấn đề tăng giá xăng là rất khó. Không chỉ DN mà cả những cơ quan quản lý cũng đang lúng túng với việc điều hành giá xăng.
Chờ đợi trong lúng túng
Giá dầu tiếp tục lên mức trên 90 USD/thùng, giá xăng thành phẩm vượt 90 USD/thùng. Với mức giá này sau khi cộng thuế cùng với các loại phí, giá bán đến tay người tiêu dùng vào khoảng 12.800 đồng mỗi lít xăng và 11.619 đồng cho mỗi lít dầu. So với giá bán hiện tại, mỗi lít xăng A92 doanh nghiệp lỗ khoảng 1.500 đồng và khoảng 3.400 đồng với mỗi lít dầu diezel.
Sức ép thua lỗ lớn, một số DN kêu và Bộ Tài chính cũng thừa nhận chuyện thua lỗ là có thật. Trong trường hợp này, nếu theo quy định của Nghị định 55 thì DN đã có thể kiến nghị để tăng giá và với thực tế thua lỗ này thì các cơ quan nhà nước sẽ chấp nhận cho tăng. Tuy nhiên, cuối cùng thì Bộ Tài chính vẫn yêu cầu các DN tiếp tục kìm giữ giá và chờ đợi.
Tăng giá hay bù lỗ đều đặt các cơ quan quản lý vào sự lúng túng. (Ảnh: LAD)
Điều này đã có thể dự báo trước trong tình thế nhạy cảm khi giá cả trong nước tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, giá xăng có tác động sâu rộng đến nhiều loại giá cả khác. Vì thế, các DN đầu mối lớn vẫn đang cắn răng chịu lỗ chưa xin tăng giá; còn cơ quan quản lý vẫn khẳng định điệp khúc tiếp tục theo dõi sát thị trường để có quyết định hợp lý.
Thực tế, giá dầu tăng đang buộc các cơ quan quản lý vào tình huống khó xử. Trong vòng 1-2 tuần tới, nếu giá dầu giảm thì là một điều may mắn cho mọi tính toán tiếp theo. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng sẽ tiếp tục gây khó cho công tác điều hành giá cả. Yêu cầu DN kìm giữ giá chỉ là một quyết định hành chính có giá trị rất ngắn và hiện tại các nhà quản lý đang đau đầu để tính toán một phương án hợp lý hợp tình.
Về nguyên tắc, DN đã được giao tự chủ về giá xăng dầu. Trong trường hợp này, nếu nhìn từ phía DN thì phải sớm có sự điều chỉnh về giá vì kinh doanh xăng không được bù lỗ, DN kinh doanh phải đảm bảo có lãi. Tuy nhiên, nhìn từ mục tiêu kìm giữ giá tiêu dùng nói chung thì không thể tăng vì mục tiêu đại cục được ưu tiên là giữ bình ổn mặt bằng giá trong nước. Ai cũng biết, giá xăng là mặt hàng tác động rất lớn đến nhiều nhóm hàng khác.
Ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước cho rằng, cơ quan quản lý đang tìm lời giải đáp thăng bằng cho hai hướng đi mâu thuẫn nhau là: tăng giá để giảm lỗ cho DN và bình ổn giá vì lợi ích nền kinh tế. Vì thế, phải có tính toán kỹ, chu đáo, chắc chắn và thuyết phục. Muốn làm điều đó thì không thể sớm được, không thể nóng vội.
Vấn đề đặt ra lúc này là phản ứng thế nào nếu giá dầu tiếp tục tăng. Trên tổng thể điều hành giá xăng dầu, do Việt Nam phải nhập khẩu 100% xăng nên điều hành giá chủ yếu là công cụ thuế và bù lỗ. Hiện nay, sau khi yêu cầu DN giảm giá, thuế suất đã giảm hẳn, lùi đến 0%. Công cụ thuế như vậy đã sử dụng hết. Trong hoàn cảnh đó, nếu không cho DN tăng giá, bù lỗ đang được một số ý kiến đề xuất. Tuy nhiên, bù lỗ là điều nằm ngoài các quy định đối với kinh doanh xăng dầu hiện tại. Nói thì dễ nhưng để đưa ra một quyết định bù lỗ đối với giá xăng hẳn là cả một vấn đề lớn. Còn nếu để DN tự do tăng giá thì sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu bình ổn chỉ số giá cả mà cả nước đang quyết tâm thực hiện.
Nhà nước có thể áp dụng biện pháp hành chính để can thiệp giá cả trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, đi theo nó là hàng loạt vấn đề về kinh tế và pháp lý khác phải điều chỉnh. Trước hết, việc bù lỗ hiện nay đối với dầu cũng đang gây ra cho DN nhiều khó khăn do tiền bù lỗ luôn về chậm, trong khi DN cần quay vòng vốn nhanh để xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, nếu quyết định hành chính không cho tăng giá thì Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu đã không thực hiện một cách đầy đủ.
Nếu tính bù lỗ, các cơ quan cấp bộ không thể quyết định được mà phải trình lên Thủ tướng quyết định. Còn nếu tăng giá, nói là thuộc quyền của DN nhưng trong trường hợp này, DN không thể muốn là được mà phải chờ quyết định từ các bộ và có thể, các bộ cũng phải xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ. Thực tế giá cả đang đặt các cơ quan điều hành vào tình huống khó xử và văn bản yêu cầu DN kìm giữ giá được nhìn nhận là giải pháp ngắn hạn nhằm làm "im lặng" các thông tin về tăng giá và cũng để có thêm một khoảng thời gian để chờ đợi và tính toán.
Năng lực và tiềm lực trong cơ chế mới
Thực tế, sau lần các DN chậm giảm giá theo đề xuất của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã vội vàng và trao quyền quá lớn cho DN trong việc định giá mặt hàng xăng dầu. Mỗi lần giá thế giới tăng là DN đề nghị tăng giá, nhưng giá thế giới giảm thì DN lại không chịu giảm giá. Đến mức, lần giảm giá gần đây, các cơ quan nhà nước gần như đã phải "ép" DN giảm. Một việc làm mà nhiều quan chức Bộ Công thương cho rằng "không làm mát mặt cả đôi bên".
Tuy nhiên, trên lộ trình đổi mới, hội nhập, hoàn thiện nền kinh tế thị trường thì việc hình thành một thị trường năng lượng nói chung; trong đó có xăng dầu đến là không sớm. Điều này đã được nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định. Theo nhu cầu đổi mới cũng như các cam kết hội nhập thì dù không đề ra một mốc cụ thể là năm nào nhưng không sớm thì muộn, Việt Nam cũng phải xây dựng một thị trường năng lượng. Thực tế, đối với xăng dầu, các cơ quan quản lý đã từng bước chuẩn bị và trao cho DN quyền tự định đoạt cuộc sống và tương lai của họ bằng việc trao quyền định giá.
Có những khó khăn trong cơ chế mới chưa được lường hết. (Ảnh: LAD)
Về mặt lý thuyết, việc xây dựng một thị trường năng lượng không còn là quá sớm nhưng phải thừa nhận, khi đi vào thực tế việc thị trường hóa "không xuôi chèo mát mái" như chúng ta mong đợi. Một quan chức Bộ Công thương cho biết, khi đặt vấn đề, bắt đầu triển khai thị trường hóa một số mặt hàng, chúng ta chưa hình dung được hết diễn biến thế giới. Đây là yếu kém trong thông tin và khả năng dự báo, chúng ta phải thừa nhận.
Thực tế, trong công tác điều hành giá xăng dầu, các cơ quan quản lý không lạ gì sự lên xuống thất thường, nhưng cũng chỉ dự báo biến động trong một chu kỳ ngắn. Vì thế, hầu hết các biện pháp đều mang tính ứng phó: điều chỉnh thuế liên tục, tăng giảm giá thường xuyên... Ngay cả việc giải thích cũng thể hiện sự thụ động. Giá dầu thế giới tăng, lúc thì nói do nhu cầu chất đốt mùa đông tăng mạnh; lúc lại cho rằng do căng thẳng chính trị, có khi lại đề cập đến việc căng thẳng nguồn cung do các nhà máy lọc dầu phải nghỉ đề bảo dưỡng... gây thiếu dầu thành phẩm và hy vọng giá sẽ ổn.
Nhưng thực tế giá vẫn một chiều hướng tăng và chúng ta thì vẫn mãi chỉ có những giải pháp ứng phó ngắn hạn. Trong điều kiện giá cả trong nước bình thường, những yếu kém điều hành này không bộc lộ, nhưng đến khi rơi vào hoàn cảnh như hiện nay thì sự lúng túng và những yếu kém này đã bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Bên cạnh năng lực yếu kém trong thông tin và dự báo. Công tác điều hành xăng dầu ở Việt Nam còn gặp khó khăn do chúng ta không có đầy đủ những công cụ. Mà cụ thể ở đây là dự trữ phục vụ lưu thông và bình ổn giá. Điều này, phụ thuộc vào tiềm lực của quốc gia, không thể trông chờ vào các DN. Các quốc gia, bên cạnh dự trữ chiến lược, đều có kho dự trữ xăng dầu nhằm đối phó với những tình huống biến động giá cả. Trong trường hợp giá tăng cao, kho dự trữ sẽ xuất ra nhằm đạt được giá cả ổn định trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, dự trự để điều hành giá cả của Việt Nam gần như không có. Hiện nay, dự trữ lưu thông chủ yếu trông chờ vào các kho dự trữ của DN. Theo quy định DN phải dự trữ khoảng 10%, con số này tương đương khoảng 3 ngày lưu thông bán hàng của DN, một con số khá mỏng manh trước nhu cầu toàn thị trường và rất ít có khả năng tham gia bình ổn giá.
Trên thế giới có rất nhiều nước phải nhập khẩu xăng dầu nhưng nhờ tiềm lực mạnh nên họ có dự trữ và dự trữ trở thành một công cụ hữu hiệu để tham gia bình ổn giá. Còn ởViệt Nam điều này gần như không có do tiềm lực chúng ta hạn chế. Dự trữ trong nước đang đặt hy vọng rất lớn vào việc xây dựng các nhà máy lọc dầu.
Rõ ràng, khi thị trường hóa xăng dầu, với hoàn cảnh các yếu tố thị trường cạnh tranh chưa hoàn hảo, còn nhiều bất cập cả về năng lực và tiềm lực hẳn sẽ có nhiều khó khăn nảy sinh. Trong những lúc như thế, một biện pháp hành chính là điều có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, về dài hạn, điều này không thể lặp đi lặp lại mãi nếu chúng ta muốn có một nền kinh tế thị trường thực sự và đang kêu gọi các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
-
Phước HàÝ kiến của bạn đọc: